Thu nhập cao nhất của lãnh đạo EVN lên tới gần 900 triệu đồng
Thu nhập của 13 chức danh lãnh đạo quản lý tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong năm 2015 là khoảng trên dưới 600 triệu đồng.
- 13-07-2016Thu nhập bình quân của phi công Vietnam Airlines đã đạt trên 100 triệu đồng/tháng
- 09-07-2016EVN giảm mua điện Trung Quốc
- 07-07-2016SCIC nói gì về việc lãnh đạo có thu nhập trăm triệu/tháng?
- 05-07-2016Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu xăng dầu
Theo báo cáo của EVN, trong năm 2015 tập đoàn này chi khoảng 8,63 tỷ đồng trả lương cho các viên chức quản lý.
Trong đó, người có thu nhập tiền lương cao nhất là ông Mai Quốc Hội – thành viên hội đồng thành viên với trên 632 triệu đồng. Nếu cộng thêm các khoản thưởng phúc lợi thì vị này có thu nhập là 866 triệu đồng một năm.
Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN ông Dương Quang Thành được chính thức bổ nhiệm vào vị trí này từ 25/3/2015, báo cáo cho biết thu nhập trong năm 2015 của Chủ tịch EVN là 618 triệu đồng. Ông Thành được xem là lãnh đạo có nhiều năm công tác trong ngành điện lực, làm quản lý tại EVN và có bằng tiến sĩ kinh tế.
Trong khi đó Thứ trưởng Công Thương - Hoàng Quốc Vượng có thu nhập 405 triệu đồng. Với việc đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng thành viên của Tập đoàn này đến ngày 26/1, ông Vương đã được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Công Thương giữ vai trò quản lý trong lĩnh vực điện lực, hoá chất, chỉ đạo tổng hợp chung công tác công thương địa phương, kinh tế tập thể.
Ngoài ra, thu nhập của một số thành viên khác là ông Phạm Mạnh Thắng và Đào Hiếu lần lượt là 518,647 triệu đồng; Phó giám đốc Nguyễn Tài Anh là 660 triệu đồng.
Các lãnh đạo chủ chốt khác như: Tổng giám đốc Đặng Hoàng An, Phó Tổng giám đốc Đinh Quang Tri, Nguyễn Tấn Lộc, Nguyễn Cường Lâm đều có thu nhập khoảng 600 triệu đồng. Ở mức thấp hơn là Kiểm soát viên có mức lương thấp hơn khoảng 400 triệu đồng.
Mặc dù EVN là một trong những tập đoàn lớn, với vốn điều lệ là 160.000 tỷ đồng, song so với mức thu nhập của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước khác, EVN thấp hơn. Mặc dù đã hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi trong những năm gần đây, nhưng vẫn không thể giảm giá điện cho những khoản lỗ lũy kế từ các năm trước để lại chưa được xử lý hết.
Trong năm 2015, việc tăng giá bán điện từ ngày 16/3 lên mức bình quân là 1.629 đồng/kWh đã giúp cho hiệu quả doanh thu bán điện của Tập đoàn tăng thêm 1.800 tỷ đồng, với doanh thu bán điện toàn Tập đoàn ước đạt 233.710 tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm 2014.
Lợi nhuận sản xuất kinh doanh điện mặc dù không được tiết lộ, nhưng EVN cho biết Công ty mẹ - EVN và 9 Tổng công ty đều đạt lợi nhuận cao hơn kế hoạch. EVN bảo toàn và phát triển được vốn Nhà nước. Đến cuối năm 2015 các chỉ tiêu tài chính cơ bản của Công ty mẹ và các đơn vị thành viên đều đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, EVN lại là một trong những Tập đoàn được Chính phủ bảo lãnh vay nợ nhiều nhất để thực hiện các dự án điện. Theo Bộ Tài chính, EVN có khoảng nợ vay là 9,7 tỷ USD, chiếm 61,2% số vay nợ được bảo lãnh của lĩnh vực điện. Ngoài ra, Tổng công ty truyền tải điện Việt Nam (EVN/NPT) cũng được bảo lãnh nợ 445 triệu USD. Cơ cấu vay nợ chủ yếu là nước ngoài.
Trí Thức Trẻ