Thu nhập của lãnh đạo nhiều doanh nghiệp bất động sản tăng vọt
Mức thù lao, lương của lãnh đạo Tập đoàn Novaland, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia, Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt trong 6 tháng đầu năm tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
- 05-08-2024Vụ chuyển nhượng dự án VP6 Linh Đàm (Hà Nội): Tiếp tục điều tra đại gia Lê Thanh Thản
- 05-08-2024Bí ẩn DN khiến Novaland lỗ gần 800 tỷ khi thoái vốn trong quý 2/2024, gợi mở ra 'cú bắt tay' giữa ông Bùi Thành Nhơn và một công ty BĐS trên sàn chứng khoán?
- 05-08-2024Thủy Nguyên nổi lên thành 'ngôi sao sáng' thị trường BĐS Hải Phòng, 'đại gia' chuyên đổi đất lấy dự án thông qua hợp đồng BT hưởng lợi lớn
Tăng mạnh
Trong 6 tháng đầu năm, Tập đoàn Novaland (mã chứng khoán: NVL) đã chi 131,8 tỷ đồng cho nhân viên và quản lý công ty, giảm nhẹ so với mức chi 137,7 tỷ đồng cùng kỳ. Tuy nhiên, mức thù lao, lương của các lãnh đạo lại tăng mạnh.
Cụ thể, người nhận lương cao nhất tại Novaland là ông Ng Teck Yow - thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc. Ông Ng Teck Yow nhận mức lương hơn 2,47 tỷ đồng trong 6 tháng, tương ứng mỗi tháng nhận khoảng 412 triệu đồng. Còn trong 6 tháng đầu năm 2023, ông Ng Teck Yow chỉ nhận hơn 676 triệu đồng tiền lương.
Người nhận lương cao thứ 2 tại Novaland là ông Dương Văn Bắc - Giám đốc Tài chính. Ông Bắc nhận về hơn 1,42 tỷ đồng trong 6 tháng, tương ứng mỗi tháng nhận lương khoảng 238 triệu đồng. Mức lương của ông Bắc cao gần gấp đôi người tiền nhiệm. Trong 6 tháng đầu năm 2023, ông Nguyễn Đức Dũng - Giám đốc Tài chính Novaland nhận lương gần 800 triệu đồng.
Ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị NVL - là người nhận thù lao cao thứ 3 ở Novaland. Cũng giống như thời gian trước, ông Bùi Thành Nhơn không nhận lương nhưng nhận thù lao 600 triệu đồng trong 6 tháng đầu năm, tương ứng mỗi tháng nhận 100 triệu đồng tiền thù lao. Con số này cao hơn nửa đầu năm 2023, khi ông Nhơn nhận mức thù lao 500 triệu đồng.
Các thành viên khác trong Hội đồng quản trị NVL đều nhận mức thù lao 300 triệu đồng trong 6 tháng, gồm ông Phạm Tiến Vân, bà Nguyễn Mỹ Hạnh và ông Nguyễn Đức Hùng.
Ở vị trí Kế toán trưởng, ông Huỳnh Minh Luân được nhận 296 triệu đồng tiền lương.
Tương tự, thu nhập của các thành viên Hội đồng quản trị, Ban Tổng Giám đốc và người quản lý khác của Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán: PDR) trong quý II là gần 5,9 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức gần 5,8 tỷ đồng trong quý II/2023.
Cụ thể, Tổng Giám đốc Bùi Quang Anh Vũ là người có thu nhập cao nhất trong dàn lãnh đạo với 1,4 tỷ đồng, tương đương 467 triệu đồng/tháng. So với quý II/2023, thu nhập của ông Vũ không thay đổi.
Tuy nhiên, phó tướng của ông Vũ có thu nhập tăng mạnh so với cùng kỳ. Phó Tổng Giám đốc Trương Ngọc Dũng thu nhập tăng từ 459 triệu đồng lên 581 triệu đồng, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Khắc Sinh thu nhập tăng từ 418 triệu đồng lên 480 triệu đồng. Phó Tổng Giám đốc Phan Lê Hoà là người có thu nhập cao nhất trong dàn phó tổng của Phát Đạt với 826 triệu đồng, còn Phó Tổng Giám đốc Vũ Kim Điền không có thu nhập.
Ở Hội đồng quản trị, Chủ tịch PDR Nguyễn Văn Đạt ghi nhận có thu nhập 485 triệu đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương mỗi tháng gần 162 triệu đồng. Phó Chủ tịch PDR Nguyễn Tấn Danh (con trai ông Nguyễn Văn Đạt) ghi nhận thu nhập 150 triệu đồng trong 3 tháng vừa qua, tăng 30 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước.
Trong số 5 thành viên và thành viên độc lập của Hội đồng quản trị, có 2 người là Đoàn Viết Đại Từ và Khương Văn Mười không ghi nhận thu nhập trong quý II. Ba thành viên còn lại, gồm ông Trần Trọng Gia Vinh, ông Dương Hảo Tôn và ông Lê Quang Phúc có thu nhập từ 120 - 122 triệu đồng.
Ông Nguyễn Bá Sáng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (mã chứng khoán: AGG) có thu nhập hơn 747 triệu đồng trong nửa đầu năm nay. Con số này tăng mạnh so với 246 triệu đồng trong nửa đầu năm 2023.
Như vậy, nửa đầu năm ngoái ông Sáng có thu nhập tại AGG khoảng 41 triệu đồng/tháng nhưng năm nay tăng lên gần 125 triệu đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Sáng không phải là người có thu nhập cao nhất tại An Gia mà là Tổng giám đốc Nguyễn Thanh Sơn với hơn 1,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Sơn đã từ nhiệm tại AGG vào ngày 3/6, sau 5 tháng làm việc.
Kế toán trưởng An Gia là ông Nguyễn Thành Châu có thu nhập tăng từ hơn 489 triệu đồng nửa năm ngoái lên gần 539 triệu đồng ở nửa đầu năm nay. Ông Louis T. Nguyễn mới là thành viên Hội đồng quản trị vào ngày 14/5, có thu nhập 37,5 triệu đồng.
Làm ăn ra sao?
Dù thu nhập của lãnh đạo các công ty bất động sản tăng mạnh nhưng tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp này không mấy sáng sủa. Với Novaland, 6 tháng đầu năm ghi nhận doanh thu 2.246 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 374 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ hơn 1.000 tỷ của năm ngoái.
Tuy nhiên, kết quả này không đến từ hoạt động kinh doanh chính mà là nhờ doanh thu hoạt động tài chính. Quý II năm nay, doanh thu tài chính của Novaland đạt mức 3.951 tỷ đồng (gấp hơn 5 lần cùng kỳ) nhờ lãi từ các hợp đồng hợp tác đầu tư là 2.885 tỷ đồng. Hiện tại, Novaland đang có tổng nợ phải trả ở mức 194.531 tỷ đồng.
Tương tự, Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt có doanh thu thuần chỉ 8,5 tỷ đồng nhưng nhờ doanh thu hoạt động tài chính 202 tỷ đồng, giúp công ty mang về 87 tỷ đồng lãi trước thuế, giảm 77% so với thực hiện năm trước. Lũy kế 6 tháng, Phát Đạt có 170 tỷ đồng doanh thu (giảm 13%), 102 tỷ đồng lợi nhuận ròng (giảm 65% so với kết quả thực hiện năm trước).
Tại thời điểm ngày 30/6, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia có lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính hợp nhất giảm hơn 131 tỷ đồng, tương đương mức giảm 99% so với cùng kỳ năm trước. Theo giải trình của công ty, nguyên nhân của việc này là do lợi nhuận gộp giảm so với cùng kỳ.
Tiền phong