Thu nhập của nhóm người giàu nhất ở TP.HCM và Hà Nội đã thay đổi ra sao trong 10 năm qua?
Trong giai đoạn 2010-2015, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng của nhóm hộ giàu nhất TP.HCM có xu hướng cao hơn so với nhóm hộ giàu nhất ở Hà Nội. Thế nhưng, xu hướng này đã đảo ngược kể từ năm 2020.
- 04-05-2023PMI tháng 4 giảm còn 46,7 điểm, doanh nghiệp vẫn lạc quan dù khó tìm đơn hàng mới
- 29-04-2023CPI tháng 4/2023 tăng 2,81%
- 27-04-2023Được rót hơn 1,5 tỷ USD chỉ trong 1 tháng, một địa phương vượt Bắc Giang, dẫn đầu cả nước về thu hút FDI 4 tháng 2023
Khảo sát về mức sống dân cư năm 2022 của Tổng cục Thống kê đã đưa ra số liệu về chênh lệch chi tiêu giữa 5 nhóm thu nhập. Cụ thể, khái niệm "5 nhóm thu nhập" là tổng số nhân khẩu điều tra được sắp xếp theo mức thu nhập bình quân đầu người từ thấp đến cao, sau đó chia thành 5 nhóm với số nhân khẩu bằng nhau (mỗi nhóm 20% số nhân khẩu), bao gồm:
- Nhóm 1: nhóm có thu nhập thấp nhất (nhóm nghèo nhất);
- Nhóm 2: nhóm có thu nhập dưới trung bình;
- Nhóm 3: nhóm có thu nhập trung bình;
- Nhóm 4: nhóm có thu nhập khá;
- Nhóm 5: nhóm có thu nhập cao nhất (nhóm giàu nhất).
Theo đó, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2022 theo giá hiện hành đạt 4,67 triệu đồng, tăng 11,1 điểm % so với năm 2021. Năm 2022 là năm đánh dấu sự khôi phục về kinh tế và tình hình đời sống dân cư.
Thu nhập tăng đều ở cả thành thị và nông thôn. Thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2022 ở khu vực thành thị đạt gần 5,95 triệu đồng (tăng 10,4 điểm % so với năm 2021) cao gấp 1,54 lần thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn là 3,86 triệu đồng (tăng 10,8 điểm % so với năm 2021).
Trong 6 vùng kinh tế, Đông Nam Bộ là vùng có thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2022 cao nhất (6,33 triệu đồng). Vùng có thu nhập bình quân 1 người 1 tháng thấp nhất là Trung du và miền núi phía Bắc (3,17 triệu đồng).
Nếu xét theo nhóm thu nhập, nhóm hộ giàu nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất – nhóm 5) có thu nhập bình quân 1 người 1 tháng đạt 10,23 triệu đồng, cao gấp 7,6 lần so với nhóm hộ nghèo nhất (nhóm gồm 20% dân số nghèo nhất – nhóm 1).
Tính riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, thu nhập trung bình mỗi tháng của người dân đã có sự thay đổi đáng kể trong vòng 10 năm. Cụ thể, so với năm 2012, thu nhập bình quân mỗi tháng của một người ở Hà Nội năm 2022 đã tăng gấp 2,2 lần, từ mức 2,01 triệu đồng/người/tháng lên 6,4 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, thu nhập bình quân mỗi tháng của một người ở TP.HCM năm 2022 tăng gấp 1,7 lần sau 10 năm, từ mức 2,73 triệu đồng (2010) lên mức 6,39 triệu đồng (2022).
Xét theo nhóm thu nhập, thu nhập trung bình của nhóm người giàu nhất ở cả TP.HCM và Hà Nội cũng có sự thay đổi. Theo đó, trong giai đoạn 2010-2015, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng của nhóm hộ giàu nhất TP.HCM có xu hướng cao hơn so với nhóm hộ giàu nhất ở Hà Nội.
Sang đến giai đoạn 2016-2019, khoảng cách về thu nhập của nhóm hộ giàu nhất ở cả 2 thành phố đã thu hẹp. Thế nhưng, kể từ năm 2020, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng của nhóm hộ giàu nhất TP.HCM có phần thấp hơn so với nhóm hộ giàu nhất ở Hà Nội.
Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê đánh giá, trong 2 năm 2019 và 2020, thu nhập bình quân đầu người giảm liên tiếp do tác động tiêu cực của đại dịch Covid- 19. Sang đến năm 2022, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng đã quay trở lại xu hướng tăng như các năm từ 2019 trở về trước.
Theo đó, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng của nhóm hộ giàu nhất ở Hà Nội năm 2020 đã giảm khoảng 7,2% so với năm 2018, từ mức 13,86 triệu đồng (2018) xuống còn 12,8 triệu đồng (2020). Sang đến năm 2022, mức thu nhập bình quân đã cải thiện hơn so với năm 2020, ở mức 13,4 triệu đồng/người/tháng.
Còn ở TP.HCM, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng của nhóm hộ giàu nhất năm 2020 đã giảm gần 13% so với năm 2018, từ mức 13,63 triệu đồng (2018) xuống còn 11,86 triệu. Sang đến năm 2022, mức thu nhập bình quân đã cải thiện hơn so với năm 2020, ở mức 12,8 triệu đồng/người/tháng.
Nhịp sống thị trường