Thu nhập hàng trăm triệu đồng từ mô hình nuôi dê giống và dê thương phẩm
Ông Nguyễn Văn Bé, ở vùng đất Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng kiếm thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm nhờ mô hình chăn nuôi dê giống và dê thương phẩm.
- 30-05-2019Giá dê cao kỷ lục, người dân Bình Phước đổ xô… nuôi dê
- 03-01-2018Bình Phước: Thịt dê giảm giá, hộ nuôi lao đao
- 20-09-2017Người phụ nữ nghèo làm giàu từ nuôi dê
Khoảng 20 năm rời địa phương đi mưu sinh ở TPHCM, ông Nguyễn Văn Bé được tham quan, học hỏi nhiều mô hình kinh tế hiệu quả ở nhiều nơi. Trong một lần về tỉnh Bến Tre, ông ấn tượng bởi thu nhập ổn định của mô hình nuôi dê của một gia đình nông dân địa phương. Khi trở về quê nhà sinh sống, ông quyết định khởi nghiệp bằng chính mô hình này.
Dẫn chúng tôi tham quan mô hình nuôi dê của gia đình, ông Bé cho biết, mấy hôm trước, gia đình vừa xuất bán gần 10 con dê giống cho khách. Hiện trong chuồng còn gần 60 con đang được nuôi nhốt trong 3 chuồng trại khô ráo, sạch sẽ, được xây theo kiểu chuồng sàn chia ngăn. Ông bắt đầu thực hiện mô hình chăn nuôi dê từ năm 2016, với ban đầu là 10 con.
“Khởi nghiệp ban đầu ai cũng có khó khăn. Giai đoạn đầu thì mình cũng không dám chuyển dịch tích đất trồng mía sang trồng cỏ. Phải đi cắt cỏ dạo, cắt rau muống dạo cũng hết hơn 1 năm. Khi mà mình thấy nó có hiệu quả rồi mới dám bỏ đất ra trồng cỏ. Ban đầu mình cũng sợ thiếu ăn trong gia đình, bắt buộcphải trồng cây mía, đi cắt cỏ dạo. Ngay giai đoạn đầu nó phải khó khăn, chưa biết nó đem về lợi nhuận như thế nào” - ông Bé tâm sự.
Nhờ mô hình nuôi dê, ông Nguyễn Văn Bé ở Cù Lao Dung (Sóc Trăng) có thu nhập ổn định.
Với phương châm, vừa nuôi vừa tự học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc, thời gian đầu thực hiện mô hình của ông Bé gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với tính cần cù, chịu khó, tìm tòi kiến thức chỉ dẫn chăn nuôi trên tivi, báo đài, đặc biệt trên hệ thống trang mạng, chỉ sau đợt nuôi đầu, ông Bé từng bước nắm vững kỹ thuật chăm sóc, từ đó, đàn dê của ông không ngừng tăng số lượng qua mỗi đợt sinh sản, dê lớn nhanh. Ông Bé cho biết, lúc cao điểm, đàn dê của gia đình lên tới hơn 100 con.
Sau thành công bước đầu, ông Bé quyết định chuyển đổi 1.000 m2 đất trồng mía sang trồng cỏ, để đảm bảo đủ nguồn thức ăn, đàn dê sinh trưởng tốt. Ông cũng mở rộng và xây dựng thêm chuồng trại. Hiện nay, đàn dê của ông cho thu nhập quanh năm. Theo đó, mỗi tháng, ông đều có xuất bán dê giống và dê thịt với tổng thu nhập trên 200 triệu đồng trở lên mỗi năm. Về thị trường, đối với dê thịt ông bán cho các nhà hàng, quán ăn, trong khi con dê giống, ông bán cho bà con nông dân gần xa. Ngoài ra ông còn có phụ phẩm phân dê bán cho nông dân địa phương để trồng cây.
“Bây giờ bà con vào mua, cần con giống thì mình có con giống. Còn dê đực thì mình bán cho quán. Một tháng bán dê giống thấp cũng 15 triệu đồng/tháng, khoảng 4 con cái thôi, chưa tính con dê thịt” - ông Bé nói.
Mô hình nuôi dê rất phù hợp cho các hộ nghèo, cận nghèo. |
Ông Nguyễn Văn Đắc, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cù Lao Dung cho biết, chăn nuôi dê hộ gia đình như hộ ông Nguyễn Văn Bé rất phù hợp với định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi tại địa phương. Bởi đây là vật nuôi dễ chăm sóc, kỹ thuật nuôi đơn giản, vốn đầu tư thấp, thị trường tiêu thụ ổn định, lại cho thu nhập quanh năm. Nhìn chung, đây là mô hình rất phù hợp với gia đình ít đất sản xuất, đặc biệt là hộ nghèo.
“Trồng mía thì không ổn định. Huyện và các xã tập trung chuyển đổi như là nuôi bò, hai là nuôi dê hoặc là nuôi gà. Trong những năm vừa qua, hộ nghèo được tiếp cận chính sách hiệu quả rất là tốt. Có những hộ chăn nuôi dê thì mở rộng quy mô cũng khá lớn. Định hướng của huyện là những hộ nghèo sẽ tập trung chuyển đổi qua chăn nuôi là chính” - ông Nguyễn Văn Đắc cho biết.
Với bản chất siêng năng, cần cù trong lao động, gần 4.000m2 mía của ông Bé trong năm nay dù ảnh hưởng của hạn mặn nhưng ông Bé vẫn thu về lợi nhuận từ 6 triệu đồng trở lên mỗi công. Tuy nhiên, theo ông Bé, trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, nước ngọt càng khan hiếm, mặn xâm nhập vào mùa khô, việc trồng mía sẽ càng gặp khó khăn, vì vậy, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu là điều ông cần thực hiện ngay.
Theo đó, ông Bé dự định sẽ tiếp tục chuyển từ đất trồng mía sang trồng cỏ, mở rộng mô hình chăn nuôi dê trong thời gian tới. Ông Bé so sánh, nuôi dê cho thu nhập và lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng mía, bên cạnh đó, dê dễ nuôi, thị trường và giá cả lại rất ổn định./.
VOV