Thu nhập hơn 110 triệu đồng, vợ chồng vẫn cắt 60% khoản chi tiêu, chỉ ăn ngoài 1 lần/ tháng và đem cơm đi làm: Vì đâu nên nỗi?
Sau khủng hoảng, chuyện tích luỹ tiền bạc đã quan trọng hơn trong nhận thức giới trẻ Trung Quốc.
- 14-04-2022Sống tiết kiệm như ‘thần chứng khoán’ Warren Buffett: Ăn sáng không quá 3 USD, biến tủ quần áo thành nôi ngủ cho con, chỉ dùng tiền mặt.... tư duy của người giàu có khác!
- 13-04-2022Vợ chồng tôi có thu nhập 50 triệu đồng/tháng, dự định làm việc đến 60 tuổi thì nên tiết kiệm bao nhiêu tiền mỗi tháng cho kế hoạch nghỉ hưu?
- 11-04-2022Nam Tiktoker chia sẻ lương 10 triệu, 20 triệu mà không biết đầu tư chỉ “gửi tiết kiệm ngân hàng thì mãi nghèo thôi”
Trung Quốc đang chứng kiến sự dịch chuyển từ trong thói quen chi tiêu của giới trẻ. Từ những người "vung tay" mua đồ không cần nhìn giá, họ đã bắt đầu quan tâm đến chuyện tích luỹ tiết kiệm hơn.
Từ người tiêu gần hết thu nhập, tôi đã tiết kiệm được 36 triệu trong 2 tháng và nó đem lại cho tôi cảm giác an toàn
Song Lewen tự nhận rằng bản thân chưa bao giờ lo lắng về tiền bạc. Cô gái 27 tuổi này sống hoàn toàn bằng tiền lương. Mỗi tháng cô nàng đều tiêu gần hết khoản thu nhập 7000 nhân dân tệ (khoảng 25 triệu đồng) cho các bữa ăn và những lần thoải mái mua sắm. Đối với các khoản mua sắm xa xỉ và các chuyến du lịch nước ngoài, cô nàng sẽ sử dụng thẻ tín dụng “mua trước trả sau”.
Nhưng tất cả đã thay đổi khi đại dịch xảy ra. Là nhân viên của một công ty sản xuất quốc doanh ở Thượng Hải, Song Lewen không giống như nhiều người Trung Quốc bị sa thải và cắt giảm lương lúc ấy, thu nhập của cô vẫn ổn định. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng vẫn là một hồi chuông cảnh tỉnh sâu sắc.
“Tôi chỉ nghĩ, nếu tôi không làm việc tại một doanh nghiệp nhà nước, có lẽ tôi đã thất nghiệp hàng tháng trời với mức thu nhập bằng không. Có lẽ lúc đấy, tôi sẽ không dám nói với bố mẹ mình, và tôi sẽ rất suy sụp.”
Nhận thức này đã biến người tiêu xài hoang phí trước đây trở thành một người tiết kiệm hơn bao giờ hết. Khi bị mắc kẹt trong nhà giữa lúc dịch bệnh bùng phát, cô nàng đã học nấu ăn từ mẹ cô. Ngoài một ít tiền chi tiêu cho cửa hàng tạp hóa và các nhu cầu thiết yếu khác, phần còn lại tiền lương cô nàng sẽ chuyển thẳng vào tài khoản tiết kiệm.
Song Lewen nói: “Trong hai tháng qua, tôi đã tiết kiệm được 10.000 nhân dân tệ (khoảng 36 triệu đồng). Điều này mang lại cho tôi cảm giác an toàn.”
Cảm thấy bất an với nền kinh tế hiện tại, không tìm ra ý nghĩa của công việc
Tang Qi là một trong nhiều người thuộc thế hệ Millennials có tài chính bị đảo lộn do đại dịch. Vào đầu năm 2020, chàng trai 29 tuổi đầu tư một nửa số tiền tiết kiệm của mình để mở một studio nghệ thuật và nhiếp ảnh ở trung tâm thành phố Thượng Hải. Tuy nhiên, chỉ vài tuần sau đó, anh chàng buộc phải đóng cửa hoạt động kinh doanh mới khi thành phố đưa ra các biện pháp nghiêm ngặt về giãn cách xã hội.
Trong gần hai tháng, studio vẫn đóng cửa trong khi anh chàng tiếp tục trả tiền thuê nhà và lương nhân viên. Cuối cùng nó đã mở cửa trở lại, nhưng doanh số bán hàng vẫn thấp hơn nhiều so với những gì Tang Qi đã mong đợi.
“Tôi đang cảm thấy lo lắng và bất an về sự không chắc chắn của tình hình kinh tế. Tôi thậm chí bắt đầu nghi ngờ ý nghĩa của công việc."
Đối mặt với 15.000 nhân dân tệ tiền vay (khoảng 54 triệu đồng) mỗi tháng, Tang Qi cho biết anh đang làm mọi cách để cắt giảm chi tiêu của mình. Anh chàng cũng bắt đầu bán bớt đồ đạc. “Trong vòng một tháng, tôi đã bán được hàng tá mặt hàng, bao gồm một chiếc máy ảnh dự phòng, một chiếc máy Macbook đã qua sử dụng và một loạt các bức tranh nghệ thuật.”
Dù thu nhập 2 vợ chồng lên tới gần 110 triệu đồng, tôi vẫn quyết định cắt giảm 60% chi tiêu gia đình
Miranda Chang, 34 tuổi và chồng cô cũng đang cắt giảm dần sau khi trải qua một đợt ảnh hưởng nặng nề đến tài chính của họ. Cặp vợ chồng này, đều là công nhân tài chính ở thành phố Tây An, Tây Bắc, từng kiếm được tới 2 triệu nhân dân tệ (hơn 7 tỷ đồng) mỗi năm trước đại dịch. Song, các khoản tích luỹ đã cạn kiệt hoàn toàn trong những tháng gần đây.
Mặc dù cả hai vẫn đang đi làm và thu về tổng cộng hơn 30.000 nhân dân tệ (gần 110 triệu đồng) mỗi tháng, nhưng Miranda Chang nói rằng cô nàng đã phải cắt giảm khoảng 60% chi tiêu của mình.
“Tôi không cần phải nghĩ đến tiền khi mua đồ trước đây. (Bây giờ) Tôi cảm thấy mình phải lập kế hoạch và đặc biệt chú ý đến các khoản chi tiêu của mình.”
Cô nàng đã mua ít quần áo và mỹ phẩm hơn. Hiện Miranda Chang chỉ ăn ngoài một lần mỗi tháng và chuẩn bị bữa trưa mang theo đi làm thay vì gọi đồ ăn mang về. Cô nàng thậm chí còn đi tàu điện ngầm, trong khi trước đây thường xuyên đi bằng taxi.
Khủng hoảng đã khiến thế hệ trẻ giảm chi tiêu bốc đồng, củng cố thói quen tiêu dùng thận trọng
Nhiều người thuộc thế hệ Millennials ở Trung Quốc dường như đang trải qua một sự thay đổi tư duy tương tự. Giống như những người cùng tuổi ở phương Tây, những người trẻ tuổi ở Trung Quốc thường bị định kiến là những người chi tiêu xa hoa.
Nghiên cứu chỉ ra rằng những người sinh sau năm 1990 ít tập trung vào sự ổn định và quan tâm nhiều hơn đến việc thể hiện bản thân và tận dụng tối đa cuộc sống. Nhưng các thế hệ trẻ cũng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thảm họa kinh tế từ COVID-19. Điều này khiến nhiều người phải đánh giá lại các ưu tiên của họ.
Đồng thời, các chuyên gia cho rằng thế hệ Millennials đang thể hiện sự quan tâm chưa từng có đối với việc kiếm từng đồng xu. Một cuộc khảo sát của Viện nghiên cứu Zhongyan, một nhóm nghiên cứu tập trung vào xu hướng tiêu dùng, cho thấy 57% người tiêu dùng sinh sau năm 1990 và 63% những người sinh sau năm 1995 có ý định lập kế hoạch chi tiêu cẩn thận hơn trong tương lai.
“Những người trẻ tuổi có xu hướng tiêu dùng bốc đồng, nhưng sau đại dịch… tỷ lệ tiêu dùng thận trọng và hợp lý sẽ tăng lên.”, trưởng Viện nghiên cứu Zhongyan chia sẻ.
Ảnh: Tổng hợp
Pháp luật và bạn đọc