Thu nhập khủng từ việc trồng loại quả chua chua, giòn ngọt trên vùng núi sương mù, mưa phùn
Loại quả này có vị chua chua, giòn ngọt, dóc hạt và có hương thơm đặc trưng, khi chín có những đốm đỏ bắt mắt.
- 23-08-2023Xuất khẩu rau quả giảm tốc trong tháng 7
- 23-08-2023Kiếm tiền triệu mỗi ngày nhờ nghề gõ loại quả đầy gai
- 19-08-2023Đấu giá hơn 200 triệu đồng/quả na
Bắc Kạn là tỉnh miền núi nằm ở trung tâm nội địa vùng Đông Bắc Bắc Bộ. Diện tích đất tự nhiên của Bắc Kạn là 485.996ha, trong đó: Đất nông nghiệp là 44.116ha, chiếm 9,08%; đất lâm nghiệp 413.366ha chiếm 85,05%; đất khác (đất chuyên dùng, đất ở, đất chưa sử dụng…) là 28.514ha, chiếm 5,87%. Đất đai tương đối màu mỡ, nhiều nơi tầng đất dày, đất đồi núi có lượng mùn cao, thích hợp cho sản xuất nông lâm nghiệp, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả…
Những năm gần đây, Bắc Kạn đã trở thành điểm đến ưa chuộng của nhiều du khách khắp cả nước. Nguyên nhân là do phong cảnh nơi đây đẹp, cộng với đó là khí hậu trong lành, mát mẻ.
Bắc Kạn nằm hoàn toàn trong vành đai nhiệt đới khu vực gió mùa Đông Nam Á. Lãnh thổ Bắc Kạn nằm giữa hai hệ thống núi cánh cung miền Đông Bắc nên chịu ảnh hưởng mạnh của khí hậu lục địa châu Á, thời tiết lạnh về mùa đông, hạn chế ảnh hưởng mưa bão về mùa hạ.
Đặc biệt, khu vực đèo Gió (xã Vân Tùng - huyện Ngân Sơn) thường có khí hậu mát mẻ vào mùa Hè, mùa Đông thì hay có sương mù, mưa phùn và nhiệt độ thường thấp hơn so với các nơi ở vùng thấp từ 2 - 3 độ C. Tận dụng lợi thế này, người dân tại đây đã trồng đào tiên để phát triển kinh tế.
Hoa đào bung nở trong cái thời tiết se lạnh, sương mù thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán là một điểm khiến nơi đây thu hút được rất nhiều khách du lịch. Nhận thấy lợi thế trên, Ngân Sơn đã phát triển các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh, đặc trưng để khai thác nguồn lợi từ khách du lịch. Trong đó, sản phẩm quả đào tiên là sản phẩm có thế mạnh.
Theo thống kê, trung bình một quả đào đã có tới 13,2% lượng vitamin C cần thiết mỗi ngày. Quả đào có đặc tính chống oxy hóa mạnh, giúp chống lại bệnh tật và loại bỏ các gốc tự do trong cơ thể. Trong y học cổ truyền, các hợp chất trong hạt đào (hạnh nhân) làm giảm sự phát triển của u nhú trên da và làm chậm quá trình các khối u lành tính phát triển thành ung thư.
Theo Health Line, các nghiên cứu cho thấy những hợp chất hiện diện trong quả đào có thể giúp điều chỉnh mức đường huyết và ngăn ngừa tình trạng kháng insulin. Ngoài ra, các hoạt chất trong đào ngăn chặn việc sản xuất các cytokine gây viêm và ngăn chặn việc giải phóng histamine trong máu gây ra các phản ứng dị ứng.
Đào đã trở thành cây trồng chủ lực mang lại thu nhập cao, ổn định cho người dân huyện Ngân Sơn. Nhiều hộ có thu nhập từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng vào dịp Tết.
Vụ đào năm 2023, Ngân Sơn được thu hoạch với diện tích khoảng 15ha, năng suất 48 tạ/ha; sản lượng 700 tấn; giá bán dao động từ 25.000 - 50.000 đồng/kg.
Quả đào tiên tại khu vực Pác Ả, thuộc tổ dân phố Bản Mạch, thị trấn Nà Phặc được đánh giá là cây đào ta bản địa được trồng ở khu vực núi cao, chất lượng quả tốt. nên được người tiêu dùng ưa chuộng.
Bên cạnh trái đào tươi, các hợp tác xã ở đây cũng không ngừng học hỏi để có thể phát triển nhiều sản phẩm mới như trà đào, rượu đào, đào sấy dẻo, siro đào...
Ngoài trồng đào bán quả, người dân ở đây còn bán gốc đào, đem lại thu nhập cao. Đào trồng được hơn 10 năm tuổi thường được bán với giá từ 2 – 2,5 triệu đồng, thậm chí cao hơn. Còn những gốc trồng từ 1 - 2 năm tuổi có giá khoảng 300.000 - 800.000 đồng/gốc.
Nhờ những nỗ lực trên, năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của Ngân Sơn giảm 3,45%, hộ cận nghèo giảm 0,85%.
Hiện nay, tổng diện tích trồng đào trên địa bàn huyện đạt hơn 30ha, chủ yếu trồng dọc theo QL3 từ thị trấn Nà Phặc đến xã Bằng Vân. Theo đề án bảo tồn, huyện sẽ phát triển thêm 13ha đào, tập trung tại thị trấn Nà Phặc và các xã Vân Tùng, Đức Vân.
Phụ nữ số