MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thu nhập lãi thuần cao kỷ lục nhưng lãi ròng BIDV quý II vẫn giảm 17,4%

23-07-2017 - 10:14 AM | Tài chính - ngân hàng

Hoạt động kinh doanh lõi lại không phải là nguyên nhân kéo giảm lợi nhuận của BIDV. Phần hụt thu lớn nhất lại đến từ thu nhập từ hoạt động góp vốn, mua cổ phần. Quy mô tài sản tăng mạnh vượt 1,1 triệu tỷ nhưng tăng vốn vẫn là bài toán khó chưa được giải quyết.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (mã BID-HoSE) mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý II/2017 với lãi ròng chỉ tương đương một nửa kết quả đạt được trong quý trước đó. Quý II hàng năm vẫn thường là kỳ báo cáo mà BIDV ghi nhận lợi nhuận thấp nhất trong năm.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh lõi lại không phải là nguyên nhân kéo giảm lợi nhuận của BIDV trong quý này. Phần hụt thu lớn nhất lại là thu nhập từ hoạt động góp vốn, mua cổ phần.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính, riêng trong quý II, khoản phân chia lãi/lỗ theo phương pháp vốn chủ sở hữu của các khoản đầu tư liên doanh, liên kết ghi lỗ hơn 150 tỷ đồng. Trong khi cùng kỳ năm 2016, việc bán vốn tại VID Public Bank cho đối tác nước ngoài lại là nguyên nhân chính giúp BIDV thu về gần 950 tỷ đồng thu nhập từ góp vốn.

Các mảng kinh doanh chính của Ngân hàng này đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập lãi thuần quý II đạt mức cao kỷ lục với 7.201 tỷ đồng. Trong khi đó, thu từ dịch vụ cũng ghi nhận mức cao nhất trong 10 tháng trở lại đây.

Lãi từ hoạt động khác cũng tăng gấp rưỡi lên 731 tỷ đồng. BIDV không nêu chi tiết khoản lãi này nhưng thông thường đây sẽ là các khoản thu nhập đến từ xử lý nợ xấu và thu nhập liên quan đến công cụ phái sinh.

Thu nhập lãi thuần và thu nhập từ dịch vụ các quý gần đây của BIDV - Nguồn: NDH

Mặc dù, lãi ròng suy giảm trong quý II nhưng lợi nhuận lũy kế 6 tháng đầu năm vẫn tăng 4,34%. Lợi nhuận trước thuế xấp xỉ 3.708 tỷ đồng, tăng 11,44% cùng kỳ năm trước và hoàn thành 47,85% kế hoạch cả năm.

Tổng tài sản của BIDV sau khi cán mốc 1 triệu tỷ hồi cuối năm 2016 đã tăng thêm 9,3% lên 1,1 triệu tỷ đồng vào ngày 30/6.

Tiền gửi khách hàng tăng 11,8% lên 811,5 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, nguồn vốn của BIDV còn bao gồm 30.455 tỷ đồng tiền gửi KBNN, 16.800 tỷ đồng vay NHNN, tăng so với cùng kỳ 2016.

Trong khi đó, giá trị chứng chỉ tiền gửi của BIDV lại giảm hơn 11.000 tỷ đồng. Giá trị trái phiếu sau nửa đầu năm cũng không có nhiều thay đổi dù BIDV đã được NHNN phê duyệt phương án phát hành tối đa 20.000 tỷ đồng trái phiếu năm 2017.

Dư nợ cho vay khách hàng tăng nhanh ngay từ đầu năm, đạt 794,6 nghìn tỷ đồng, tăng 11,35% so với đầu năm trong khi chỉ tiêu tín dụng đề ra tăng trưởng không quá 16%.

Tỷ lệ nợ xấu giảm về mức 1,93% từ mức trên 2% cuối năm trước. Nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) giảm, trong khi dư nợ nhóm 3&4 lại tăng nhẹ. Dư nợ ngắn hạn tăng trong khi BIDV giảm đáng kể kỳ hạn trung và dài hạn.

Ngoài gần 800 nghìn tỷ đồng cho vay khách hàng, BIDV còn cho vay, gửi tiền tại các TCTD khác (78,3 nghìn tỷ), đầu tư chứng khoán (155 nghìn tỷ).

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2017, tăng vốn được lãnh đạo ngân hàng này đánh giá là nhiệm vụ quan trọng trong năm nay. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có phương án tăng vốn nào được thực hiện. Vốn điều lệ của BIDV vẫn giữ ở mức 34.187 tỷ đồng. Ngân hàng cũng từng dự kiến có thể chi trả cổ tức năm 2016 tỷ lệ 7% trong quý II/2017, nhưng hiện chưa hoàn tất. Với kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, lợi nhuận chưa phân phối của BIDV hiện đã tăng lên 7.351 tỷ đồng, tương đương 21,4% vốn điều lệ của nhà băng này.

Theo Thanh Thủy

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên