Thu phí cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu: 'Cục Đường bộ như đi giữa 2 làn đạn'
Quốc lộ 51 vẫn tiếp tục thu phí trong khi chờ cơ quan quản lý và nhà đầu tư tìm tiếng nói chung về chi phí đầu tư, lợi nhuận.
"Cục Đường bộ như đi giữa 2 làn đạn, nếu để thu quá sẽ vi phạm pháp luật, có thể bị khởi tố, bắt tạm giam. Nếu không phù hợp sẽ bị nhà đầu tư khởi kiện, có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí hình sự" - ông Nguyễn Xuân Cường - Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam - cho hay.
- 09-01-2023Bộ trưởng Bộ Tài chính: Không thiên vị Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan
- 09-01-2023Tết Quý Mão: Yêu cầu thanh toán đầy đủ, kịp thời chế độ cho người tham gia BHXH
- 09-01-2023Thị trường nhiều rủi ro tiềm ẩn, chuẩn bị thế nào để sẵn sàng đón nhận năm 2023?
Sáng 9/1, ông Nguyễn Xuân Cường - Cục trưởng Cục Đường bộ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) - đã có những chia sẻ liên quan tới hoạt động thu phí của dự án BOT Quốc lộ 51 đoạn Biên Hoà - Vũng Tàu.
Theo ông Cường, không chỉ với dự án BOT Quốc lộ 51, với tất cả dự án BOT nói chung, sau khi đầu tư xong sẽ quyết toán để xác định chính xác giá trị đầu tư. “Các dự án BOT đều được quản lý rất chặt chẽ, không có chuyện quản lý lỏng lẻo suất đầu tư, giá trị. Giá trị quyết toán là giá trị đầu tư cuối cùng của dự án. Giai đoạn kinh doanh khai thác của dự án BOT luôn rất nhạy cảm, được dư luận xã hội rất quan tâm, đặc biệt tới doanh thu thu phí”, ông Cường nói.
Ông Cường cho biết, hiện hoạt động thu phí BOT rất minh bạch, qua thu phí điện tử không dừng, không ai gian dối được, thuận lợi cho người dân và giám sát. Ngoài các đoàn giám sát của Cục Đường bộ, Cục còn có hệ thống giám sát thu phí trực tuyến, mời đại diện cơ quan thuế, công an cùng giám sát, nên doanh thu thu phí được kiểm soát tương đối chặt chẽ.
Với dự án BOT Quốc lộ 51, lãnh đạo Cục Đường bộ cho hay, dự án được ký hợp đồng rất dài, nhiều nội dung hợp đồng thay đổi. Tới nay, Cục Đường bộ đã có 18 phiên đàm phán với nhà đầu tư. Có những nội dung quy định pháp luật đã rõ, có những nội dung theo hợp đồng đã ký, nhưng nhà đầu tư chưa đồng thuận.
“Với vai trò cơ quan quản lý, giám sát doanh thu thu, chi phí, để tránh hiện tượng thu quá và báo cáo Bộ GTVT. Dự kiến, chiều 9/1, Cục sẽ tiếp tục họp với nhà đầu tư để đưa ra quyết định cuối cùng”, ông Cường nói.
Ông Cường cũng nhìn nhận: "Cục Đường bộ như đi giữa 2 làn đạn, nếu để thu quá sẽ vi phạm pháp luật, có thể bị khởi tố, bắt tạm giam. Nếu không phù hợp sẽ bị nhà đầu tư khởi kiện, có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí hình sự. Đây là áp lực rất lớn của cơ quan quản lý nhà nước, để hài hoà không đơn giản chút nào, rất khó nhưng vẫn phải làm”.
Trước đó, Cục Đường bộ thông báo dừng thu phí BOT Quốc lộ 51 từ ngày 17/12/2022, do tính toán nhà đầu tư đã thu phí đủ thu hồi vốn và tạo lợi nhuận. Tuy nhiên, sau đó nhà đầu tư, một số ngân hàng có ý kiến, nên dự án tiếp tục được Bộ GTVT quyết định cho thu phí và giao Cục Đường bộ làm việc thêm với nhà đầu tư. Do đó, tới nay BOT Quốc lộ 51 vẫn tiếp tục thu phí.
Quốc lộ 51 là tuyến đường huyết mạch kết nối TPHCM - Đồng Nai - Vũng Tàu. Dự án BOT mở rộng quốc lộ 51 có chiều dài 72,7 km, tổng mức đầu tư được duyệt 3.970 tỷ đồng.
Dự án đưa vào khai thác từ tháng 4/2013, thời gian thu phí theo hợp đồng là 12,5 năm (gồm 4 năm thu phí tạo lợi nhuận), kết thúc vào năm 2030.
Tuy nhiên, nhờ lưu lượng phương tiện vượt nhiều lần so với dự tính ban đầu khi đầu tư, nên số thu phí hoàn vốn thực tế lớn hơn nhiều tính toán. Cụ thể như năm 2020, dù ảnh hưởng dịch COVID-19, BOT quốc lộ 51 với 3 trạm thu phí, vẫn đạt tổng thu phí hơn 782 tỷ đồng, đứng thứ 2 về doanh thu BOT trên cả nước (chỉ sau cao tốc Hà Nội - Hải Phòng).
Tiền Phong