MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thu phí không dừng: Hết đường trì hoãn!

20-06-2020 - 10:46 AM | Xã hội

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, những trạm BOT đã lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng phải vận hành ngay; các trạm chưa lắp đặt thì chậm nhất đến ngày 31-12-2020 phải thực hiện.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg thay thế Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng (ETC).

Chây ì: Dừng thu phí

Quyết định 19 áp dụng với cả những dự án BOT cũ cũng như các dự án mới có thu phí, có hiệu lực từ ngày 1-8.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các trạm BOT đường bộ đã lắp đặt hệ thống ETC phải vận hành ngay việc thu phí điện tử không dừng. Các trạm đang hoạt động, chưa lắp đặt ETC thì chậm nhất đến ngày 31-12 phải chuyển sang thu phí điện tử không dừng theo quyết định này. Những trạm BOT thuộc các dự án đầu tư xây dựng mới chỉ triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ khi thực hiện thu phí điện tử không dừng theo quy định.

Tiến độ hoàn thành các trạm thu phí do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam quản lý, Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) xem xét, quyết định phù hợp với điều kiện nguồn vốn của dự án.

 Thu phí không dừng: Hết đường trì hoãn!  - Ảnh 1.

Trạm thu phí hầm Đèo Cả sẽ thu phí không dừng trong quý IV/2020 Ảnh: HỒNG ÁNH


Căn cứ điều kiện cụ thể đối với từng trạm thu phí, cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định duy trì mỗi trạm có 1 làn thu phí hỗn hợp trên mỗi chiều lưu thông. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng giao cơ quan có thẩm quyền được tạm dừng thu phí đối với các trạm chưa thực hiện việc thu phí điện tử không dừng do lỗi của nhà đầu tư.

Theo Quyết định 19, việc thiết kế, đầu tư, xây dựng, cải tạo, quản lý, vận hành, bảo trì hệ thống thu phí ETC được thực hiện bởi nhà cung cấp dịch vụ thu phí. Trường hợp nhà đầu tư tự thiết kế, đầu tư xây dựng phải được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Để giải quyết vướng mắc về việc mở tài khoản thu phí, Thủ tướng cho phép chủ phương tiện nộp tiền vào tài khoản ETC theo nhiều hình thức, như: nộp tiền trực tiếp, liên thông tài khoản ngân hàng... Trường hợp phương tiện giao thông được gắn thẻ mà số tiền trong tài khoản thu phí không đủ thì phương tiện phải sử dụng làn thu phí hỗn hợp. Ngoài ra, DN được thu phí theo tháng, quý và năm. Nhà cung cấp dịch vụ thu phí sẽ thực hiện trừ tiền trong tài khoản của chủ phương tiện tại thời điểm đăng ký thanh toán theo hình thức tháng, quý, năm.

Tăng tính minh bạch

Chi phí dịch vụ thu phí điện tử không dừng sẽ được trích trực tiếp từ doanh thu của trạm thu phí. Trường hợp doanh thu hoàn vốn của dự án ETC không bảo đảm tính khả thi so với phương án tài chính được duyệt, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định việc tiếp tục thu phí tại trạm để hoàn vốn cho dự án.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng Quyết định 19 sẽ tháo gỡ các vướng mắc, hài hòa lợi ích các bên. Khung pháp lý cho hoạt động thu phí ETC đã được hoàn thiện sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ, tăng tính khả thi và sự minh bạch tại các dự án BOT giao thông. Mục tiêu mà Bộ GTVT đặt ra là hoàn thành đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng, cuối năm 2020 lắp đặt làn ETC trên các trạm thu phí cả nước. Riêng các trạm của VEC do vướng mắc về nguồn vốn, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước và Bộ GTVT sẽ cùng tháo gỡ.

Theo đại diện HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, tập đoàn có 7 trạm thu phí kết nối và tổ chức thu phí không dừng thuộc tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và trạm thu phí Bắc Hải Vân hoàn vốn cho hầm Phước Tượng - Phú Gia, hầm Hải Vân 1. Ngoài ra, các trạm BOT khác của tập đoàn cũng đang triển khai việc lắp đặt hệ thống thiết bị thu phí không dừng, dự kiến hoàn thành trong quý IV/2020.

Việc triển khai thu phí tự động chậm trễ do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc lựa chọn nhà đầu tư cung cấp dịch vụ (VETC) không bảo đảm năng lực. Tỉ lệ phương tiện sử dụng VETC không dừng còn thấp. Bộ GTVT ký hợp đồng với VETC khi chưa trao đổi với các nhà đầu tư BOT, đưa ra các điều kiện, áp đặt tỉ lệ chi phí, trong khi việc này phải do 2 DN đàm phán...

Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng để đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành việc tổ chức thu phí theo hình thức điện tử không dừng, cần phải thay đổi những thiết bị đã lạc hậu đang sử dụng hiện nay; luật hóa các chủ trương, chính sách để các bên cùng tuân thủ; mời kiểm toán và thanh tra vào cuộc...

Được quyền trả trước hoặc trả sau

Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TP HCM, cho biết ông đồng tình với việc cho dừng các dự án BOT đường bộ nếu chưa lắp đặt hệ thống thu phí tự động vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, trước thời điểm đó, cần giải quyết những bất cập hiện nay để tạo sự đồng thuận.

Hiện nay, để sử dụng dịch vụ ETC chỉ có duy nhất hình thức là nạp tiền trước vào tài khoản giao thông. Vì vậy, với những DN nhiều đầu xe và mua phí tháng, số tiền phải nộp trước là rất lớn. Cần có thêm hình thức trả sau, đồng thời nên quy định lại về mức giá - nếu trả trước thì mức phí thấp, còn trả sau thì giá cao hơn.

Phí BOT chiếm tỉ lệ lớn trong tổng chi phí mỗi chuyến xe. Vì vậy, hệ thống ETC cần có hóa đơn, chứng từ đưa lại cho DN, chủ xe để được trừ thuế. Ngoài ra, thủ tục, công nghệ hệ thống thu phí ETC rất rườm rà, không thuận tiện, cần giải quyết sớm. Bên cạnh đó, cần thống nhất một loại thẻ dùng chung cho tất cả các trạm BOT.

G.Minh

Nhiều trạm vẫn "án binh bất động"

Theo báo cáo của Bộ GTVT, dự án ETC được đầu tư theo hình thức BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh). Hiện nay, cả nước có 93 trạm thu phí BOT, trong đó Bộ GTVT quản lý 74 trạm; UBND các tỉnh, thành quản lý 19 trạm. Đến nay, 2-6 làn ETC đã lắp đặt, vận hành tại 39/74 trạm BOT do Bộ GTVT quản lý. Riêng 5 tuyến cao tốc do VEC quản lý, chỉ có tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình lắp đặt thiết bị; 4 tuyến còn lại chưa thể triển khai do tắc vốn. Trong 19 trạm do địa phương quản lý, mới chỉ có 6 trạm đầu tư, kết nối ở giai đoạn 1; 7 trạm vẫn "án binh bất động".

Về việc dán thẻ thu phí không dừng (Etag), hiện trong 3,5 triệu xe thuộc đối tượng dán thẻ, chỉ mới có khoảng 800.000 - 900.000 chiếc thực hiện.

Bộ GTVT đừng thất hẹn lần nữa!

Điểm mới trong Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg là giải phóng được phần nào áp lực tài chính đối với các chủ doanh nghiệp vận tải. Đó là sẽ miễn phí toàn bộ trong quá trình lắp đặt thẻ đầu cuối tới ngày 31-12-2020, sau thời hạn này mới bắt đầu áp dụng thu phí gắn thẻ. Các thẻ đầu cuối này chỉ được gắn loại duy nhất trên các phương tiện và sẽ được liên thông để sử dụng cho tất cả các trạm thu phí BOT trên toàn quốc.

Như vậy, một lần nữa đích thân Thủ tướng Chính phủ lại phải trực tiếp bắt tay vào để thúc đẩy dự án triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng, vốn đã bị trì hoãn kéo dài nhiều năm. Quyết định 19 cũng đã nêu rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong việc phối hợp triển khai dự án. Và quan trọng nhất, đó chính là thời hạn áp dụng và chế tài xử phạt đối với các chủ đầu tư dự án, tránh tình trạng đổ thừa trách nhiệm qua lại giữa các đơn vị liên quan.

Quyết định 19 được ban hành, một lần nữa người dân cả nước lại thắp lên hy vọng. Bởi lẽ, dự án triển khai thực hiện thu phí tự động không dừng này đã giậm chân tại chỗ bao năm nay, càng ngày càng làm người dân mất đi niềm tin về một cơ chế công khai, minh bạch trong quản lý các dự án BOT giao thông của các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời cũng gây ra bao nhiêu thiệt hại cho sự chậm trễ này.

Quy định chi tiết đã có, thời hạn triển khai dự án đã có, chế tài xử phạt cũng có, vậy cái còn lại chính là sự quyết liệt hay không của các cơ quan quản lý nhà nước được giao trách nhiệm. Trong đó, vai trò lớn nhất thuộc về Bộ GTVT, không thể để lại một lần nữa lại thất hẹn với người dân.

Sau thời hạn cuối vào ngày 31-12-2020, sẽ có trạm thu phí nào phải bị dừng hoạt động vì chưa hoàn thành đúng thời hạn đặt ra? Đây là câu hỏi mà người dân đang quan tâm.

Đoàn Quang Huy

Theo Văn Duẩn - Hồng Ánh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên