MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thứ phổ biến bố mẹ vẫn cho con dùng hàng ngày, hàng giờ được chuyên gia cảnh báo "chẳng khác nào chất gây nghiện"

28-07-2018 - 18:15 PM | Sống

Một chuyên gia trị liệu cai nghiện hàng đầu đã cảnh báo các bố mẹ rằng: đưa cho trẻ một chiếc điện thoại thông minh chẳng khác nào cha mẹ đang đưa cho con 1 gram ma túy.

Ngày nay, điện thoại thông minh hay máy tính bảng đã không còn quá xa lạ, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Các bậc phụ huynh đã tận dụng smartphone để làm công cụ dỗ dành con, dụ con ăn, hoặc để rảnh tay làm các công việc khác.

Việc đưa smartphone cho trẻ giải trí dần trở thành thói quen của không ít bậc cha mẹ, tuy nhiên điều này gây ra nhiều tác hại cho trẻ hơn mọi người vẫn tưởng.

Mặc dù đã có rất nhiều nghiên cứu về tác hại của thiết bị điện tử đối với trẻ, nhưng có vẻ vẫn chưa đủ để cảnh báo tới các bậc phụ huynh bởi độ tuổi nghiện smartphone đang ngày càng trẻ hóa.

Bác sĩ Mandy Saligari, Giám đốc Trung tâm y tế Harley Street, chuyên gia hàng đầu về trị liệu cai nghiện và các phương pháp phục hồi chức năng ở London (Anh) đã từng công bố nghiên cứu mới nhất của mình và lập tức khiến các bậc phụ huynh phải chú ý.

Theo bà, việc dành quá nhiều thời gian để sử dụng smartphone cũng gây nghiện nguy hiểm tương tự như ma túy hay rượu.

Bà cho biết đưa cho trẻ một chiếc điện thoại thông minh chẳng khác nào cha mẹ đang đưa cho con một gram ma túy:

“Khi cha mẹ đưa cho con trẻ một chiếc máy tính bảng hay điện thoại di động có nghĩa là bạn đang trao cho chúng một chai rượu hay chất kích thích chứa cocaine.

Tại sao chúng ta lại ít để tâm đến những điều đó trong khi chúng cũng gây hại đến bộ não của trẻ không khác gì rượu hay ma túy?”.

 Thứ phổ biến bố mẹ vẫn cho con dùng hàng ngày, hàng giờ được chuyên gia cảnh báo chẳng khác nào chất gây nghiện - Ảnh 1.

Cha mẹ cho trẻ tiếp xúc với điện thoại quá sớm chẳng khác nào đưa cho trẻ 1 gram ma túy (Ảnh minh họa)

Mới đây, các nhà khoa học tại trường Đại học Maryland ở Washington, Mỹ công bố kết quả nghiên cứu thêm về tác hại đối với não bộ khi trẻ tiếp xúc với smartphone quá nhiều.

Các nhà nghiên cứu tiếp tục khẳng định nghiện điện thoại cũng giống như nghiện ma túy, mà ma túy vốn là chất kích thích bị cấm sử dụng.

Khi sử dụng “chất gây nghiện - smartphone”, trẻ sẽ trải nghiệm sự kích thích đột ngột. Việc trẻ liên tục kết nối với internet, truy cập các trang mạng xã hội sẽ gây ra những kích thích năng lượng và làm tăng sự hưng phấn.

Khi não bộ nhận được tín hiệu kích thích này sẽ làm gia tăng sự hưng phấn và tạo cảm giác thỏa mãn cho trẻ. Hậu quả là trẻ rất khó để từ bỏ thói quen vốn đang mang lại sự hưng phấn và thích thú khó cưỡng như vậy.

 Thứ phổ biến bố mẹ vẫn cho con dùng hàng ngày, hàng giờ được chuyên gia cảnh báo chẳng khác nào chất gây nghiện - Ảnh 2.

Thay vì ngồi một chỗ bên chiếc điện thoại, trẻ cần ra ngoài, tiếp xúc với môi trường xung quanh và tương tác với bạn bè (Ảnh minh họa).

Nghiên cứu này cũng chỉ ra trẻ em ngày nay đang quá lệ thuộc vào các thiết bị điện tử, chỉ chăm chăm xem ở đâu có kết nối mạng để duy trì qua ngày. Việc quá phụ thuộc và nghiện smartphone ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của não bộ trẻ nhỏ như sau:

- Ảnh hưởng tới giấc ngủ của trẻ: Ánh sáng phát ra từ điện thoại sẽ làm ảnh hưởng tới giấc ngủ của trẻ. Nó không chỉ làm cho trẻ bị mất ngủ mà còn khiến trẻ gặp khó khăn khi bắt đầu đi ngủ.

Việc ngủ nghỉ đúng giờ và đủ giấc rất quan trọng với trẻ em, vì vậy việc hạn chế cho trẻ tiếp xúc với máy tính bảng, điện thoại sẽ giúp trẻ cải thiện chu trình ngủ, trẻ ngủ ngon và sâu giấc hơn.

- Gây cảm giác bồn chồn, lo lắng: Ngoài việc lướt internet thì trẻ còn thích chơi game trên điện thoại. Trẻ dần dần bị nghiện và gần như không thể tách rời chiếc điện thoại.

Chỉ cần mất mạng hoặc bị cha mẹ tước quyền sử dụng, trẻ sẽ tỏ ra buồn bực, chán nản, bồn chồn, lo lắng và tìm cách để được tiếp tục sử dụng smartphone. Và đây hoàn toàn là những cảm xúc không phù hợp với lứa tuổi trẻ nhỏ.

- Làm giảm khả năng tập trung: Một chiếc điện thoại thông minh kết nối mạng sẽ đưa trẻ bước vào thế giới ảo khổng lồ, ngập tràn thông tin, trò chơi. Và liệu trẻ có đủ kiên nhẫn tập trung xem một nội dung nào đó trước khi chuyển sang nội dung khác?

Trẻ sẽ cảm thấy bồn chồn và không thể duy trì sự tập trung khi làm việc gì đó. Điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới khả năng tập trung của trẻ trong học tập và các hoạt động khác.

- Làm giảm óc sáng tạo: Với smartphone, mọi thông tin dường như có sẵn và trẻ không cần mất công tìm kiếm quá nhiều.

Trẻ có xu hướng dựa dẫm vào điện thoại, thế giới quan của trẻ bị tác động bởi những gì trẻ thấy và xem trên điện thoại khiến trẻ lười biếng trong suy nghĩ, hình thành ý kiến, ý tưởng cá nhân.

- Cản trở phát triển cảm xúc lành mạnh: Cách suy nghĩ và cảm xúc của trẻ cũng sẽ bị tác động.

Tờ Science Daily cho hay những cảm xúc không lành mạnh như là trầm cảm, lo lắng, mất ngủ, tính khí thất thường, hung hăng sẽ xuất hiện thay chỗ cho những cảm xúc lành mạnh khác như là sự vui vẻ, hang hái, nhiệt tình, năng động.

 Thứ phổ biến bố mẹ vẫn cho con dùng hàng ngày, hàng giờ được chuyên gia cảnh báo chẳng khác nào chất gây nghiện - Ảnh 3.

Óc sáng tạo, sự tập trung, khả năng ứng phó nhanh nhạy, khéo léo là những điều mà một chiếc điện thoại dù thông minh đến mấy cũng không thể mang lại cho trẻ (Ảnh minh họa)

Trước thực trạng này, các bậc phụ huynh nên có sự quản lý nghiêm khắc và giới nghiêm chặ chẽ về thời gian sử dụng các thiết bị điện tử tại nhà của con cái.

Việc làm này rất cần sự kiên nhẫn và nghiêm khắc của cha mẹ nhất là khi trẻ đã quá quen thuộc và coi việc dùng điện thoại là điều tất nhiên. Cha mẹ cần nhớ rằng các chứng nghiện và tác hại của nó là như nhau, bất kể là nghiện ma túy hay nghiện điện thoại, đặc biệt với trẻ nhỏ.

Nguồn: Parent/Insider

Theo T.P

Helino

Trở lên trên