MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Thủ phủ” heo miền Trung lao đao

14-03-2017 - 15:36 PM | Thị trường

Với số lượng tổng đàn gần 300.000 con, trong đó có 55.000 nái, mỗi năm cho ra trên 1 triệu cá thể giống các loại, nghề nuôi heo thực sự là trụ cột kinh tế của huyện Hoài Ân, Bình Định. Thế nhưng, giá heo đang lao dốc khiến người nuôi heo đang “méo mặt” vì thua lỗ.

“Từ chết tới bị thương”

Trao đổi với PV, anh Trần Văn Vân (thôn Gia Trị, xã Ân Đức) không giấu chuyện phải bán tống bán tháo cả xác heo: “Con heo to bán được 200.000 - 300.000 đồng. Coi như nhờ người ta dọn dẹp giùm chuồng trại. Trúng vài lứa, đến giữa năm 2016 thì bắt đầu lãnh đủ. Từ tháng 7 năm ngoái đến nay, tôi lỗ 400 triệu đồng”.

Ở xã Ân Nghĩa, với gia trại quy mô gần 250 con của gia đình, chị Lê Thị Kim Tuyến cho hay: “Heo được chuộng mua thường cỡ 70 - 80kg/con. Lớn hơn, phải năn nỉ người ta vì rất khó bán”. Gia đình chị đang “kẹt” lại 125 con có trọng lượng từ 140 - 150kg, đành áp dụng biện pháp giảm lỗ bằng cách cắt giảm khẩu phần của heo. Bình - một “khổ chủ” khác cũng ở Gia Trị, Ân Đức - chẳng giấu giếm: Nhà chị có 4 miệng ăn, từ tết đến nay hoàn toàn tự cung tự cấp nguồn thịt cho bữa cơm hằng ngày nhờ con heo 70kg do chính mình nuôi. Cách thức “xử lý khủng hoảng” trong bối cảnh giá heo “bán rẻ, mua đắt” như chị Bình không phải là cá biệt. Phó phòng Nông nghiệp Hoài Ân Nguyễn Văn Hòa cho hay, nghề nuôi heo ở Hoài Ân chưa bao giờ bị chao đảo như hiện nay. Giá giảm quá sâu và kéo dài, có trang trại mỗi tháng lỗ 200 triệu đồng...

Ô nhiễm phát sinh

Đàn heo của Hoài Ân đang làm nóng lên câu chuyện ô nhiễm môi trường. Ngày 7.3, một cuộc kiểm tra, rà soát các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm dọc sông Kim Sơn - Lại Giang được các Sở TNMT, NNPTNT phối hợp tiến hành cùng chính quyền 2 huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn. Theo Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định Đào Văn Hùng, từ 9 - 15.3, cơ quan ông cùng UBND huyện Hoài Ân, với sự tham gia của lực lượng công an, TNMT sẽ tổ chức tập huấn rộng rãi đến từng trưởng thôn, hộ gia đình, người đứng đầu các hội ngành, đoàn thể những kiến thức về quản lý môi trường chăn nuôi; biện pháp phòng, chống dịch bệnh... Đợt “ra quân” rầm rộ này là diễn biến theo sau luồng thông tin cho rằng Hoài Ân đã không đủ quyết liệt trong giải pháp ứng phó nạn xả thải từ các cơ sở chăn nuôi.

Cuối tháng 2, một số điểm chứa chất thải chăn nuôi và xác heo chết bị phát hiện. Điều đáng nói là không chỉ những bến bãi khuất lấp, có những điểm dọc tỉnh lộ 630, xác heo chết bị vứt vương vãi cạnh bờ sông hay giữa cánh đồng đông đúc người xe qua lại. Ở xã Ân Tường Tây, các đoàn thể như phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh phải thay phiên cắt cử người dọn dẹp những “điểm đen” hôi thối. Chủ khu trại nuôi heo lớn nhất Ân Đức - anh Trần Văn Vân - hôm 1.3, làm việc với Cơ quan Thú y vùng IV, thừa nhận đã vứt thẳng xác heo chết bệnh xuống sông Lại Giang.

Sau tết, báo cáo của chính quyền Hoài Nhơn gửi UBND tỉnh Bình Định cho biết: “Xác súc vật chết, nội tạng giết mổ gia súc, gia cầm trôi nổi từ hướng sông Kim Sơn, Hoài Ân xuống, ước tính khoảng 35 tấn”! Hoài Nhơn phải tiêu tốn hơn 100 triệu đồng thu gom, chôn lấp, tiêu độc khử trùng, trong khi phía Hoài Ân bác bỏ việc nhận lãnh toàn bộ trách nhiệm với lý do: Còn có nhiều nguồn xả thải mà cơ quan quản lý không thể kiểm soát.

“Không phải dịch bệnh”

Đó là khẳng định của ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định - khi trao đổi với PV Báo Lao Động sáng 8.3. Theo ông Hổ, hiện tượng heo chết tại huyện Hoài Ân là có thật. Sở NNPTNT tỉnh đã đi kiểm tra, lấy mẫu phân tích và khẳng định không có dịch bệnh trên đàn heo, mà chỉ là các bệnh thông thường như: Tụ huyết trùng, tiêu chảy… Theo ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) - các bệnh tiêu chảy, tụ huyết trùng trên lợn là bệnh thông thường, có thể điều trị khỏi. Trong chăn nuôi, thỉnh thoảng có những ổ dịch nhỏ có thể cô lập và xử lý được. Ông Nguyễn Ngọc Tiến - Trưởng phòng dịch tễ - Cục Thú y (Bộ NNPTNT) - cho biết: Đến thời điểm này Cục Thú y chưa nhận được báo cáo về tình hình dịch bệnh do Bình Định báo ra. Tuy nhiên, nếu là các bệnh thông thường trên lợn, thì địa phương có thể tự xử lý, điều trị bằng kháng sinh.

Theo Xuân Nhàn - Khánh Huyền

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên