Thứ quả chỉ miền Tây mới có: Mọc thành chùm nhìn tưởng như nho, nhưng lại khiến cả thế giới phải ngỡ ngàng về định nghĩa "ĂN DÂU NHẢ HỘT" không thôi bị sặc là khỏi đền!
Có bao giờ bạn nghe người ta bảo "ăn dâu phải nhả hột" chưa? Ừ, ở miền Tây ăn "dâu" là vậy đó!
Cách đây không lâu, tôi đã từng viết và giới thiệu cho mọi người về một trong những loại quả được xem là đặc sản không đâu có của miền Tây đó chính là quả Thanh Trà. Thứ quả mà theo lý thuyết lúc chín sẽ "ngòn ngọt" thơm thơm, nhưng trên thực tế qua bao đời chứng minh "ăn thanh trà mà bóc được quả ngọt hay chua tất cả đều là do định mệnh".
Nghe vừa lạ, vừa buồn cười là thế. Nhiều người sẽ tưởng đâu trên đời này sẽ chỉ có Thanh Trà mới "oái oăm" như thế, mà có dè đâu ở miền Tây - xứ trái cây mà nên quả ngon mà lạ thì cũng không hề thiếu.
Điển hình như cái lần tôi về thăm quê của đứa bạn mà nghe nó bảo: "Về nhà tao dắt vào vườn hái dâu cho ăn cứng bụng, nhưng ăn dâu nhớ nhả hột nha". Nghe xong tôi đứng hình mất mấy giây như có gì đó kỳ dữ lắm!?
Quả dâu của miền Tây mọc trên cây rất cao chứ không phải những quả dâu đỏ mà nếu nghe sơ qua chắc không ít người hiểu lầm.
"Ăn dâu nhớ nhả hột" - Ừ đúng rồi, nghe không có sai đâu!
Theo lẽ thường mà nói "dâu" là tên gọi của một loại quả màu đỏ, mọng nước, có vị chua chua, ngọt ngọt, không có vỏ. Còn hạt thì lại nằm ở phía bên ngoài, khi ăn chẳng ai đi "nhả hột dâu bao giờ".
Nhưng "dâu miền Tây" thì chỉ giống ở cái tên gọi và cách viết, còn đâu tất cả mọi thứ về hương vị, hình thức, cho tới giá thành thì chẳng có một chút gì liên quan tới "dâu của thế giới".
Ấy thế mà cây dâu đã tồn tại, thậm chí trở thành nguồn trái cây mang kinh tế rất cao cho người dân ở khu vực miền Tây và đặc biệt là vùng Hậu Giang. Tại đây người ta gọi giống dâu này là "dâu da", bởi nó có lớp vỏ mịn, không quá nhám cũng không quá trơn, đặc biệt là có màu vàng nhạt trông như màu da người nên có lẽ vì thế mà từ xưa ông bà đặt cho nó có cái tên lạ như vậy.
Quả dâu da vàng lúc chín vô cùng sai quả.
Chúng mọc kín cả thân cây và vô cùng nổi bật dưới ánh nắng mặt trời.
Tuy nhiên "dâu da" cũng chỉ là tên gọi chung của giống quả này. Thực chất nó còn có rất nhiều giống và tên gọi khác nhau, nào là: Dâu da xanh, dâu da vàng (dâu bòn bon - nhưng lại khác với quả bòn bon). Sau này còn có giống dâu mới đó là: Dâu da đỏ và dâu da tím.
Nghe thì thấy "đủ sắc cầu vồng" nhưng hương vị của chúng gần như tương đồng nhau. Bên ngoài là lớp vỏ hơi xốp, bên trong là phần ruột (có màu khác nhau tùy theo giống) phân ra thành 2 - 3 múi, mỗi múi đều được phủ bởi một lớp mỏng trơn tựa như lụa, cắn vào có vị ngọt thanh, chua 3 phần, ngọt 7 phần, cùng hương thơm thoang thoảng lúc ăn hoàn toàn khác biệt với các loại trái cây khác.
Còn đây là quả dâu da xanh. Dù chín hay sống chúng vẫn có màu xanh ở lớp vỏ bên ngoài. Nhưng khi chín sẽ có vị ngọt hơn lúc sống.
Nhìn tưởng giống nhau một cách tuyệt đối, nhưng quả dâu xanh và dâu vàng vẫn có cách phân biệt nhờ vào hình dáng. Điển hình như quả dâu da vàng có phần đuôi hơi nhọn, thỉnh thoảng còn hơi dài, còn quả dâu da xanh tròn hơn và màu xanh khi còn non cũng sậm hơn nhiều.
Tuy phần thịt dâu da cũng đầy đặn, mọng nước nhưng phần hạt của nó cũng bự không kém. Và chỉ mỗi việc ăn dâu có nuốt được hạt hay không cũng là điều gây không ít tranh cãi cho bao người. Đặc biệt là khi còn nhỏ, đứa bạn của tôi kể đã bị mẹ "hù dọa" là nuốt hạt dâu sẽ bị sình bụng hay cây mọc trong dạ dày vì sợ nó khó tiêu hóa. Đến khi lớn lên, nó mới biết câu chuyện ấy là "ký ức tuổi thơ" của hầu hết đứa trẻ lớn lên ở miền Tây. Nhưng thử hỏi "rồi có ai ăn dâu nhả hạt không" thì nó bảo "Chả ai cả! Ăn dâu mà nhả hột thì còn gì để ăn nữa!?".
Có điều nếu ăn dâu da mà không kỹ rất dễ bị nghẹn, bị mắc cổ bởi phần hạt dâu rất trơn. Đứa bạn tôi nó bảo chứ "Cũng suýt ngạt mấy lần vì vô tình nuốt phải dột dâu da mà chẳng bao giờ chừa".
Bên trong quả dâu da xanh lúc chín có màu vàng nhạt, cảm giác đặc ruột, dày cơm hơn quả bòn bon - cũng thuộc họ nhưng khác giống.
Phần hạt của quả dâu da rất to nhưng lại khá trơn nên chuyện tự dưng đang nhai mà hạt nó trôi tuột vào cuống họng lúc nào không hay là xảy ra như cơm bữa.
Cây gì mà "1 ông chồng phải có tới 10 bà vợ thì mới nhiều con"
Dâu da tuy không phải giống cây hiếm so với thế giới, nhưng tại Việt Nam thì miền Tây được xem là xứ sở của thứ quả này do hợp thổ nhưỡng lẫn khí hậu. Cũng chính vì thế mà các vườn dâu da lớn nhất đa số tập trung ở tỉnh này với số tuổi phải tính tới hàng chục năm, là ký ức tuổi thơ và cũng nuôi sống không biết bao nhiêu thế hệ người miền Tây.
Vào thời điểm cuối tháng 3, đầu tháng 4 âm lịch là mùa dâu da chín rộ nhất. Lúc này vườn dâu vô cùng trĩu quả, nhất là với vườn dâu da vàng thì phải nói là đẹp đến say đắm lòng người. Quả dâu mọc thành chùm đung đưa trên cành, có khi mọc kín cả thân chạy dài từ gốc lên tới ngọn tạo nên khung cảnh mà theo người nhà vườn gọi là "thấy thôi đã sướng"!
1 cây dâu da đực phải được 10 "bà vợ" bao vây thế này thì mới có thể đậu trái và năng suất cao.
Nhưng đừng nhìn thấy cây dâu trĩu quả như thế mà tưởng chăm dễ. Theo chú Huân - một chủ vườn dâu da tại miền Tây chia sẻ: "Dâu da nó có đực, có cái. Lúc trồng thì 1 cây đực phải đan xen với 10 cây cái bao quanh. Giống 1 ông chồng phải có tới 10 bà vợ ấy, rồi nhờ gió đưa, ông lượn giúp thụ phấn thì cây mới đậu quả".
Nhiều năm qua, các vườn dâu da ở miền Tây cực kỳ thu hút khách du lịch từ khắp nơi đổ về. Thậm chí còn có các tour du lịch cho khách nước ngoài vào vườn vừa ngắm cảnh, vừa hái dâu ăn tại chỗ hoặc mang về tùy ý. Chỉ 50 - 60k/người mà ta nói ăn dâu thoải mái, đã đời, chán chê rồi mới về!
Còn với chủ vườn thì mỗi ngày vào vườn dâu đều rất thích.
Ăn dâu tốt xương tốt răng, giảm cân ngon lành!
Cũng như Thanh Trà, dâu da ngoài là một loại trái cây càng ăn càng dễ bị cuốn, nhất là với chị em phụ nữ vì hương vị chua ngọt chan hòa thì nó cũng có rất nhiều công dụng khác cực tốt cho sức khỏe.
Trong đó nổi bật nhất là việc trong dâu da có một lượng canxi tốt cho răng, giúp ngăn ngừa loãng xương, làm xương chắc khỏe, cực tốt cho các em nhỏ đang trong độ tuổi phát triển.
Các công dụng khác của dâu da:
- Kích thích hệ tiêu hóa.
- Giúp hỗ trợ giảm cân.
- Nguồn cung cấp Vitamin A và C dồi dào.
- Bổ máu vì có lượng sắt dồi dào trong quả.
Pháp luật và bạn đọc