Thu thuế hộ kinh doanh: Ngưỡng chịu thuế quá lạc hậu
Ngưỡng xác định chịu thuế 100 triệu đồng từ nhiều năm nay được xem là quá thấp, bởi chỉ cần đạt doanh thu hơn 273.000 đồng/ngày là tới ngưỡng chịu thuế.
Dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến nhận phải nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia kinh tế cũng như hàng triệu người nộp thuế với lý do lạc hậu, bất hợp lý, chưa điều chỉnh đã lỗi thời... Sự bất hợp lý càng gia tăng khi Bộ Tài chính chưa điều chỉnh ngưỡng chịu thuế đối với hộ kinh doanh.
Theo quy định hiện hành, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên sẽ nộp các loại thuế, phí như lệ phí môn bài, thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên (nếu có), thuế bảo vệ môi trường (nếu có), phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản (nếu có).
Bộ Tài chính vẫn chưa điều chỉnh ngưỡng chịu thuế với hộ kinh doanh. (Ảnh minh họa: KT)
Bán 7 bát phở/ngày cũng phải nộp thuếNgưỡng xác định chịu thuế 100 triệu đồng từ nhiều năm nay được xem là quá thấp, bởi như vậy, doanh thu mỗi ngày chỉ cần đạt 273.000 đồng là phải đóng thuế. Thực tế, với mức ngưỡng này các hộ kinh doanh đều vượt xa. Thậm chí, có những hộ kinh doanh nhỏ lẻ, những người bán bánh mì, bán phở dạo cũng đã vượt.
Anh Nguyễn Văn Hùng, chủ quán cơm bình dân ở Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, trung bình mỗi ngày bán được khoảng 50-60 suất. Giá mỗi suất 30.000 – 35.000 đồng. Doanh thu mỗi ngày khoảng 1,6 – 2 triệu đồng. Theo quy định hiện hành thì hộ kinh doanh này bắt buộc phải đóng thuế.
“Người đi làm công ăn lương thì được miễn trừ gia cảnh 9 triệu đồng/tháng và sắp tới là 11 triệu đồng/tháng rồi mới tính thuế, chưa kể còn được tính thêm giảm trừ cho con cái. Như tôi bán hàng như thế này không được khấu trừ chi phí cho mình, trong khi tôi còn phải bỏ tiền mua thực phẩm, thuê cửa hàng, người làm… đủ thứ tiền”, anh Hùng than thở.
Theo bà Phạm Thị Dung, chủ quán phở ở phố Thọ Lão (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), thời gian gần đây, giá thịt bò cũng như nhiều loại thực phẩm khác đều tăng nên bà đã tăng mỗi bát phở từ 30.000 đồng/bát lên 40.000 đồng/bát. Như vậy, chỉ cần bán 7 tô phở/ngày là bà phải nộp thuế dù lãi hay lỗ. Điều đáng nói là bà không được trừ các khoản tiền mua thịt bò, bánh phở hay trả công người phụ bếp, dọn dẹp…
“Bộ Tài chính đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh cho TNCN lên 11 triệu đồng đối với người nộp thuế và 4,4 triệu đồng cho người phụ thuộc. Tại sao những người đi làm công ăn lương thì được giảm trừ gia cảnh mà những người kinh doanh như chúng tôi lại không dược khấu trừ?”, bà Dung đặt câu hỏi.
Cần công bằng giữa các đối tượng nộp thuế
Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, do sự tăng trưởng của nền kinh tế nên mức thu nhập bình quân đầu người cũng tăng lên, chi tiêu của các cá nhân và hộ gia đình cũng tăng lên. Do đó, mức doanh thu 100 triệu đồng đối với các hộ kinh doanh được quy định từ năm 2014, đến nay 6 năm là lạc hậu. Rõ ràng mức doanh thu hơn 8 triệu/tháng so với thời điểm hiện nay là quá thấp so với một cơ sở kinh doanh cá nhân hoặc hộ gia đình.
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, nên coi hộ kinh doanh là dạng tiền khởi nghiệp, gia đình có chút vốn nhàn rỗi, có chút lao động, người già về hưu, sinh viên mới ra trường... Họ tận dụng năng lực trong gia đình để sản xuất kinh doanh.
“Hộ kinh doanh là những người thử nghiệm, tự làm và trả học phí cho giai đoạn tiền khởi nghiệp. Nếu thành công, họ sẽ tự lớn lên thành doanh nghiệp. Quản họ như doanh nghiệp cho dù thu thuế khoán, nhưng đòi hỏi máy móc tăng về bảo hiểm, kế toán, sổ sách, lao động... cũng khiến hộ kinh doanh thấy mệt mỏi thêm”, ông Thịnh nói.
Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, tốc độ mất giá của lạm phát nhiều nên cần phải tính lại mức doanh thu như thế nào cho hợp lý, để cho người kinh doanh khi nộp thuế họ sẵn sàng chấp nhận và đặc biệt, để chống tiêu cực, chính sách thuế đối với hộ kinh doanh cần phải minh bạch, rõ ràng.
“Chi phí để quản lý, theo dõi các cá nhân và hộ gia đình cũng cần phù hợp, vừa đảm bảo không sót nguồn thu. Chúng ta cũng nên thu những cái đáng thu, những cái quá bé, hộ kinh doanh nhỏ lẻ, mang hình thức kinh doanh cải thiện thì chúng ta cần phải linh hoạt và nhân văn”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến.
Chia sẻ trên báo Thanh Niên, TS. Nguyễn Anh Phong, Trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM) phân tích, luật Thuế TNCN liệt kê đến 10 loại hình có thu nhập chịu thuế, nhưng chỉ điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người có thu nhập từ tiền lương tiền công là bỏ sót các đối tượng còn lại.
Theo nguyên lý tính thuế bao giờ cũng lấy thu trừ chi, tương tự tính thuế thu nhập đối với doanh nghiệp. Chính sách về thuế TNCN cũng phải theo nguyên lý này mới phù hợp với xu hướng chung cũng như đảm bảo cho đời sống người dân. Việc chỉ nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc mà không thay đổi ngưỡng chịu thuế với các đối tượng khác là không hợp lý.
Ông Phong nêu rõ: Chính sách thuế phải được áp dụng đồng bộ và thống nhất. Nếu chỉ tăng cho người có thu nhập từ tiền công tiền lương thì chưa công bằng giữa các đối tượng chịu thuế khác.
Theo nhiều chuyên gia về thuế, hộ kinh doanh mà doanh thu 100 triệu đồng/năm là quá thấp, mức này đã quá lỗi thời từ nhiều năm nay. Mức giảm trừ gia cảnh được tiếp tục tăng lên trong thời gian tới mà chưa điều chỉnh ngưỡng chịu thuế cho hộ kinh doanh sẽ càng thấy rõ hơn sự bất cập trong chính sách thuế. Do đó, cần sớm điều chỉnh tăng ngưỡng chịu thuế của hộ kinh doanh để đảm bảo chính sách thuế được áp dụng đồng bộ và thống nhất. Nếu chỉ tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người có thu nhập từ tiền công tiền lương thì chưa công bằng giữa các đối tượng chịu thuế khác đặc biệt là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ./.
VOV