Thứ trưởng Bộ KHCN: Chúng tôi đặt đề bài cho cộng đồng khởi nghiệp hãy giải quyết các vấn đề trong thời đại chúng ta chống chọi với Covid
Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề xuất cần hình thành một Mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia với chức năng cầu nối thu hút sự tham gia của các chuyên gia, trí thức, doanh nhân người Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ cho khởi nghiệp sáng tạo trong nước nói riêng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Phát biểu tại Hội thảo "Kết nối và phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ cho Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Việt Nam", Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ Trần Văn Tùng đã nhắn nhủ các startups giai đoạn hiện nay hãy tập trung giải quyết bài toán
Trong khuôn khổ Đề án 844, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị xã hội triển khai nhiều chương trình, hoạt động để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia. Đã có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam với sản phẩm, giải pháp đổi mới sáng tạo đã bước ra sân chơi quốc tế, chứng minh được năng lực và được cộng đồng quốc tế công nhận; nhiều doanh nghiệp, chuyên gia với thời gian làm việc ở nước ngoài cũng đã quay về Việt Nam hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam và tạo được những tác động đáng ghi nhận.
Mặc dù dịch bệnh Covid-19 đang tác động tiêu cực lên toàn thế giới, tuy nhiên bối cảnh này lại cho thấy thời cơ vàng cho nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với các giải pháp khác biệt. Chúng ta đã thấy sự xuất hiện và nổi lên của nhiều các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với các nền tảng quản trị, giải pháp kết nối trực tuyến, các ứng dụng với công nghệ AI, Robot, IoT… Nhiều giải pháp trên được xây dựng và phát triển bởi những doanh nhân, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài và có những đóng góp cho công tác phòng, chống dịch của Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, có một đề bài đặt ra với cộng đồng khởi nghiệp là những người làm khởi nghiệp hãy chung sống, thích nghi và giải quyết vấn đề kinh tế xã hội trong thời đại mà chúng ta phải chống trả với dịch Covid-19.
"Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo quốc gia – Techfest năm 2022, dự kiến tổ chức vào tháng 12/2022, chúng tôi đã nói với các đơn vị như Cục thị trường, văn phòng Đề án 844 là hãy tổ chức các sự kiện ngay từ đầu năm liên quan đến các làng công nghệ, chúng tôi đặt hàng tất cả ý tưởng phải giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế xã hội trong thời đại chúng ta phải chống trả với Covid-19.
Chính phủ đang đặt hàng cho các nhà khoa học phải làm chủ, tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine trong nước, sắp tới đây chúng ta phải sản xuất thuốc điều trị Covid, để cho sinh hoạt cuộc sống trở lại bình thường. Dịch Covid còn kéo dài, chúng ta phải thích nghi, vừa tồn tại vừa phát triển kinh tế xã hội đây là đề bài cho cộng đồng khởi nghiệp, tôi hi vọng nhiều ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo nhưng hãy giải quyết vấn đề cuộc sống đang đòi hỏi", Thứ trưởng ra đề bài với cộng đồng khởi nghiệp.
Trong bối cảnh này, Bộ Khoa học và Công nghệ xác định những hoạt động trong hệ sinh thái cũng cần có điều chỉnh để phù hợp tình hình thực tế.
Trong năm 2021, Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo quốc gia - Techfest sẽ tiếp tục được tổ chức với mục tiêu nâng cao vai trò của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong ứng phó với đại dịch và góp phần phục hồi nền kinh tế. Phương thức tổ chức sẽ được tổ chức theo hình thức giảm tập trung với sự kết hợp của các nền tảng trực tuyến để vẫn có thể kết nối hiệu quả giữa các chủ thể trong hệ sinh thái trong và ngoài nước. Hệ sinh thái của các lĩnh vực công nghệ khác nhau sẽ được triển khai trong suốt thời gian từ nay đến cuối năm.
"Ngay trong buổi sáng ngày hôm nay, chúng tôi đã bế mạc việc triển khai tổ chức ngày hội khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ giáo dục (Edtech Festival) với sự tham gia của hơn 1500 chuyên gia, diễn giả, nhà đầu tư trong đó rất nhiều đến từ các quốc gia trên thế giới. Trong thời gian tới, các hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ Nông nghiệp, Y tế, Tài chính, Du-lịch ẩm thực, công nghệ tiên phong, công nghệ an toàn an ninh mạng cũng sẽ được triển khai một cách đồng bộ. Chúng tôi mong muốn kết nối và thu hút được sự tham gia của đông đảo lực lượng chuyên gia, trí thức, doanh nhân là người Việt Nam tại nước ngoài để đóng góp chung vào sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam", Thứ trưởng Trần Văn Tùng chia sẻ.
Thu hút sự tham gia của các chuyên gia, trí thức, doanh nhân người Việt Nam tại nước ngoài vào mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia
Trong phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại Ngày hội Khởi nghiệp ĐMST Quốc Gia – TECHFEST 2018 tại Đà Nẵng: "Đã đến lúc phải đi ra thế giới, chinh phục thế giới, mang thế giới về Việt Nam". Việc đưa startup Việt ra thế giới tiếp cận với các hệ sinh thái phát triển trên thế giới cũng như việc thu hút các chuyên gia, trí thức, kiều bào người Việt Nam ở nước ngoài chung tay xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam là đặc biệt quan trọng.
Chính bởi vậy, trong thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua Đề án 844 đã có nhiều hoạt động phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài nhằm gắn kết trí thức, kiều bào Việt hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, trong đó phải kể đến: Diễn đàn Kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của người Việt tại Hoa Kỳ và Việt Nam" (San Francisco, Hoa Kỳ, tháng 12/2017) và "Diễn đàn kết nối Startup Việt trong và ngoài nước" (Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 6/2018). Năm 2019, TECHFEST Quốc tế tại Hoa Kỳ, Singapore, Hàn Quốc do Bộ Khoa học và Công nghệ lần đầu tiên tổ chức cũng đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của chuyên gia, doanh nhân, nhà đầu tư ở tại các quốc gia này.
Những hoạt động trên là cơ sở tiền đề để Bộ Khoa học và Công nghệ nắm bắt được thực trạng, các vấn đề khó khăn, vướng mắc của cộng đồng người Việt ở nước ngoài trong việc triển khai các dự án, doanh nghiệp ĐMST, đưa các giải pháp này về Việt Nam và hỗ trợ cho Hệ sinh thái KNĐMST Việt Nam.
Tuy nhiên, từ góc độ hoạch định chính sách để phát huy hơn nữa sự tham gia của trí thức, chuyên gia, doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài với khởi nghiệp sáng tạo trong nước thì cần phải tìm hiểu sâu hơn những nhu cầu thực chất của kiều bào, trí thức Việt khi tham gia vào hoạt động trong nước, từ đó xây dựng và triển khai các chính sách thu hút một cách toàn diện và có hệ thống.
Xuất phát từ thực tiễn đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề xuất Chính phủ điều chỉnh, bổ sung 1 số trọng tâm hoạt động trong việc triển khai Đề án 844 tại quyết định số 188 của Thủ tướng Chính phủ ngày 09 tháng 02 năm 2021 về việc Sửa đổi quyết định số 844, cụ thể là cần hình thành một Mạng lưới hỗ trợ KNĐMST Quốc gia với chức năng cầu nối thu hút sự tham gia của các chuyên gia, trí thức, doanh nhân người Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ cho khởi nghiệp sáng tạo trong nước nói riêng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Mạng lưới này sẽ góp phần thúc đẩy liên kết giữa cộng đồng KNĐMST trong và ngoài nước, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST trong nước mở rộng thị trường kinh doanh, thị trường vốn, tiếp cận vốn nguồn lực, nguồn trí tuệ của toàn cầu.
Đồng thời, Mạng lưới cũng sẽ lắng nghe phản hồi từ Kiều bào để kiến nghị các giải pháp góp phần giải quyết khó khăn, vướng mắc của cộng đồng người Việt ở nước ngoài khi phát triển doanh nghiệp, tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Với mục tiêu trên, Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua Đề án 844 chính thức đặt quan hệ hợp tác với Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam tại nước ngoài ngày hôm nay.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, việc ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Ban điều hành Đề án 844 và Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam tại nước ngoài sẽ mở ra hướng đi mới cho việc tăng cường kết nối mạng lưới chuyên gia, người Việt tại nước ngoài và tối ưu hóa nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, với hai định hướng chính: Thứ nhất, thông tin về hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam sẽ được truyền tải một cách đầy đủ, liên tục và cập nhật nhất đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Thứ hai, sự hợp tác giữa 2 bên sẽ là đòn bẩy giúp thu hút và thúc đẩy vai trò, sự tham gia của các chuyên gia người Việt Nam tại nước ngoài với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong nước.