MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam khiến thế giới kinh ngạc

23-05-2019 - 06:31 AM | Tài chính quốc tế

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cũng nhấn mạnh Việt Nam có thể tận dụng được những cơ hội từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Ông Bùi Thanh Sơn cho hay, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, Việt Nam đang gắn chặt với kinh tế thế giới. Những biến động của thế giới cũng tác động rất lớn và nhiều chiều đến Việt Nam kể cả những vấn đề về chính trị và an ninh quốc phòng. Nếu xảy ra những biến động thì cũng tác động trực tiếp đến Việt Nam.

"Tôi cho rằng chúng ta đã bám sát được những diễn biến của tình hình thế giới và khu vực, sự quản lý của các nhà lãnh đạo đã giúp chúng ta giữ vững nền độc lập tự chủ, ứng phó được với những biến động trên thế giới."

Việc này thể hiện trên những điểm như sau:

Bối cảnh chung của kinh tế thế giới năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 có những sự kiện tác động lớn tới Việt Nam. Thứ nhất là, kinh tế thế giới sau một thời gian phục hồi thì đến đầu năm 2019 bắt đầu chậm lại. Đây là một điều mà các nước đều lo ngại. Việt Nam năm 2018 vẫn giữ tốc độ tăng trưởng cao, đầu năm 2019 vẫn là cao so với thế giới, nhưng mặt bằng chung của thế giới hiện đang giảm xuống.

Thứ hai là, bảo hộ mậu dịch tăng mạnh. Trong đó đặc biệt là sự cạnh tranh giữa các nước lớn và chiến tranh thương mại giữa các nước lớn, tác động mạnh đến tình hình kinh tế thế giới cũng như Việt Nam. Chiến tranh thương mại hiện không chỉ là giữa Mỹ và Trung Quốc, mà diễn ra giữa Mỹ và các nước châu Âu. Như vậy, xu thế bảo hộ mậu dịch tăng lên rất nhiều.

Cạnh tranh thương mại cũng mang đến nhiều cái lợi cho Việt Nam chứ không hoàn toàn là bất lợi. Tuy nhiên, nếu chiến tranh thương mại diễn ra lâu dài thì cũng tác động rất lớn đến Việt Nam, bởi tổng cầu thương mại thế giới cũng sẽ giảm xuống. Nhưng trước mắt, trong bối cảnh hiện nay, với các số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), đều cho thấy rằng nếu các doanh nghiệp tận dụng tốt thì vẫn tăng được lượng xuất khẩu sang các nước khác, trong đó có Mỹ và Trung Quốc.

Gần đây, Mỹ và Trung Quốc bắt đầu vòng áp thuế mới. Theo đó, các nước có xuất khẩu hàng hoá sang Mỹ và Trung Quốc như Việt Nam thì vẫn có thể tận dụng để xuất khẩu được trong mức thuế có lợi là khoảng 120 tỷ, còn tận dụng được hay không thì là chuyện khác. Đây cũng là một điểm mà chúng ta cần lưu ý.

Thứ ba, giá dầu thế giới cũng đang biến động mạnh, việc này liên quan đến tỷ giá đồng USD với các đồng tiền khác trong đó có Việt Nam và USD đối với NDT của Trung Quốc. Như vậy nó cũng sẽ tác động đến tình hình kinh tế Việt Nam, đặc biệt là tỷ giá VND với các đồng tiền khác, cũng như chính sách điều hành tỷ giá và tình hình tiền tệ của chúng ta cũng sẽ bị tác động.

Thứ tư, những điểm nóng trên thế giới cũng tác động nhiều đến VN, đặc biệt là khu vực bán đảo Triều Tiên, khu vực Trung Đông, Châu Phi, Syria, Israel cũng rất căng thẳng, khiến giá dầu biến động. Khu vực biển Đông của chúng ta cũng rất phức tạp, đặc biệt là ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai các hoạt động hợp tác trên lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh: "Với bức tranh chung như vậy, tôi cho rằng sự điều hành của chính phủ trong thời gian qua rất quyết liệt và bám sát thực tế, đáp ứng được với kỳ vọng. Đặc biệt là các nước, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế thế giới đánh giá rất cao chính sách điều hành của chúng ta. Chúng ta đã giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô - đây là một điểm sáng bởi các nước, tổ chức quốc tế cho rằng tình hình thế giới đang biến động rất mạnh như vậy mà chúng ta vẫn làm được."

Hương Giang

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên