MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thư từ nước Mỹ: Mỹ "không để ai bị bỏ lại phía sau", trừ khi... họ muốn như vậy

06-09-2021 - 10:11 AM | Tài chính quốc tế

Không để ai bị bỏ lại trên chiến trường là một truyền thống lâu đời, không chỉ đối với quân đội Mỹ mà cả với các đội ứng cứu khẩn cấp.

Thứ Hai, ngày 30 tháng 8, Thiếu tướng Christopher Donahue, Tư lệnh Sư đoàn Dù 82 lừng danh, là người lính Mỹ cuối cùng lên chiếc máy bay quân sự cuối cùng rời Kabul, kết thúc cuộc chiến kéo dài 20 năm ở Afghanistan, đồng thời duy trì một truyền thống quân sự tối quan trọng: ông là người rút cuối cùng. Nhưng trong trận chiến lần này, ông lại không thực sự là người cuối cùng.

Chính quyền Mỹ quyết tâm rút khỏi Afghanistan vào tháng 4, với mục tiêu rút quân hoàn toàn vào ngày 11/9, đúng dịp kỷ niệm 20 năm vụ khủng bố Al Qaeda nhằm vào Trung tâm Thương mại thế giới ở New York và Lầu Năm Góc, khiến 3.000 người chết và 6.000 người bị thương. Những kẻ khủng bố người Afghanistan – lực lượng phiến quân Taliban - đã hỗ trợ và tiếp tay cho những kẻ khủng bố Al Qaeda do Osama bin Laden cầm đầu. Với việc rút quân của Mỹ, Taliban lại một lần nữa kiểm soát Afghanistan.

Việc Mỹ rút quân là một thảm họa từ đầu đến cuối. Trước đó, Mỹ đã rút phần lớn binh sĩ khỏi Afghanistan, chỉ để lại 2.500 quân, đóng cửa 7 căn cứ quân sự, trong đó có một căn cứ không quân lớn. Quân đội Afghanistan ngay lập tức sụp đổ mà không cần chiến đấu, bỏ lại số trang thiết bị quân sự trị giá 85 tỷ đô la. Với quân số ít ỏi còn lại, Mỹ đã không thể sơ tán hết 10.000 - 15.000 người Mỹ, 200.000 người Afghanistan đã giúp các lực lượng Mỹ và các đồng minh NATO.

Theo trang Military Times, trước tình hình hỗn loạn xảy ra sau đó, Mỹ đã phải tái triển khai 6.000 quân sĩ đến Afghanistan. Chính quyền Mỹ đã nhường lại quyền lực cho Taliban, để lực lượng này được toàn quyền quyết định các sắp xếp an ninh, tiếp quản các toà nhà chính phủ và phê chuẩn các điều khoản rút quân.

Quân đội Mỹ đã sơ tán được 124.000 người Afghanistan có thị thực nhập cư đặc biệt và những người đã làm việc cho các lực lượng Mỹ trong hơn 20 năm qua, cùng với 5.500 công dân Mỹ đang làm việc ở Afghanistan. Đây là cuộc di tản lớn nhất và phức tạp nhất trong lịch sử chiến tranh của Mỹ.

Với kết quả đó, chính quyền Biden, Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao và cộng đồng tình báo tuyên bố rằng họ đã có công hoàn thành sứ mệnh này.

Thư từ nước Mỹ: Mỹ không để ai bị bỏ lại phía sau, trừ khi... họ muốn như vậy - Ảnh 1.

Mặc dù cuộc rút quân bị chỉ trích gay gắt, các binh sỹ Mỹ tại Afghanistan đã khiến nước Mỹ tự hào khi họ giữ vững sân bay dân sự, giúp hàng ngàn người Afghanistan và nhiều người Mỹ đang mắc kẹt tại đây. 13 binh sỹ Mỹ đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công khủng bố vào sân bay Kabul – khi đó những người lính này đang giúp người dân sơ tán và họ chỉ còn một ngày nữa là lên đường về nhà.

Thư từ nước Mỹ: Mỹ không để ai bị bỏ lại phía sau, trừ khi... họ muốn như vậy - Ảnh 2.

Nhưng có một vấn đề, một vấn đề nghiêm trọng: Cuộc rút quân lần này đã bỏ lại phía sau vài trăm công dân Mỹ đang tìm mọi cách để rời khỏi đây cùng với ít nhất là 100.000 người Afghanistan đã giúp lực lượng Mỹ đánh bại Taliban. Những người này đã không thể đến được sân bay, trừ một vài trường hợp ngoại lệ. Và những vị dân biểu mà chính họ lựa chọn ra đã không đến để giải cứu họ. Các quan chức Mỹ đổ lỗi cho các nạn nhân, rằng lý do là vì những người này đã không đến được sân bay.

Việc bỏ lại phía sau những công dân Mỹ, những người Afghanistan đã giúp đỡ lực lượng Mỹ và đồng minh đã khiến không chỉ nhiều người Mỹ mà cả các nhà lãnh đạo châu Âu cảm thấy bị xúc phạm và tức giận. Trong một cuộc thăm dò mới đây, 85% số người được hỏi tin rằng lẽ ra quân đội Mỹ phải ở lại cho đến khi những công dân Mỹ cuối cùng rời khỏi Afghanistan. Khoảng 71% tin rằng quân đội Mỹ nên ở lại cho đến khi cả người Afghanistan cũng được sơ tán. Đáng chú ý, các đảng viên Dân chủ, những cử tri độc lập và đảng viên Cộng hòa đều có chung một đánh giá về việc sơ tán. Các nhà lãnh đạo thì lại không có cùng quan điểm này với người dân.

Thư từ nước Mỹ: Mỹ không để ai bị bỏ lại phía sau, trừ khi... họ muốn như vậy - Ảnh 3.

Các nhà lãnh đạo châu Âu, hầu như không ngoại trừ ai, đã chỉ trích Mỹ rút quân mà không tham vấn các đồng minh và khiến quá trình này trở thành một mớ hỗn độn. Nhiều người công khai đặt câu hỏi liệu Mỹ có phải là đồng minh đáng tin cậy hay không.

Rất nhiều người không đồng ý với quyết định bỏ lại người dân ở phía sau. Các nhân viên của Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao, bất chấp lệnh trên đưa ra, đã đứng ra hỗ trợ đưa các công dân Mỹ và người dân Afghanistan rời khỏi nơi khói lửa. Các cựu chiến binh, nhiều người trong số đó từng chiến đấu ở Afghanistan, đã tổ chức các chuyến giải cứu và đã sơ tán được nhiều người đang mắc kẹt. Các tổ chức phi chính phủ đã sắp xếp các chuyến bay riêng để sơ tán người ra khỏi Afghanistan. Các nước đồng minh NATO đã ở lại để giải cứu người của mình.

Chính sách này của Mỹ đặc biệt gây bất bình cho những binh sỹ đang chiến đấu tại đây bởi họ được lệnh không rời khỏi sân bay Kabul và điều đó khiến họ không thể xông pha vào thành phố để sơ tán những người dân đang mắc kẹt, bao gồm cả những người đang là đối tượng bị Taliban truy lùng.

Việc rút quân đội khỏi Afghanistan trước khi đưa công dân Mỹ và công dân của các nước đồng minh ra khỏi biên giới đã được thực hiện đầu tiên là dưới thời của Tổng thống Donald Trump, sau đó là Tổng thống Joe Biden – đây là cách thức thực hiện chưa ai từng nghe nói, là cách làm sai lầm và cực kỳ đáng chê trách. Rõ ràng, việc lên kế hoạch cho nhiệm vụ Afghanistan đã không có giá trị gì khi nhiệm vụ được thực hiện mà không có kế hoạch B.

Thư từ nước Mỹ: Mỹ không để ai bị bỏ lại phía sau, trừ khi... họ muốn như vậy - Ảnh 4.

Không để ai bị bỏ lại trên chiến trường là một truyền thống lâu đời, không chỉ đối với quân đội Mỹ mà cả với các đội ứng cứu khẩn cấp. Đây cũng là truyền thống của quân đội hầu hết các quốc gia toàn cầu. Người Hy Lạp cổ đại, trong vở kịch Antigone do Sophocles viết vào năm 400 trước công nguyên, cũng đã thấm nhuần truyền thống này.

Thư từ nước Mỹ: Mỹ không để ai bị bỏ lại phía sau, trừ khi... họ muốn như vậy - Ảnh 5.

Truyền thống này được bắt đầu từ một quy tắc cho Chỉ huy quân sự Robert Rogers đặt ra cho Đội Kỵ binh của ông trong Chiến tranh Pháp và Ấn Độ năm 1757. Mệnh lệnh này vẫn được tiếp tục duy trì cho đến ngày nay trong các hoạt động huấn luyện các đội kỵ binh cũng như các binh sỹ quân đội Mỹ.

Mệnh lệnh này thậm chí còn được áp dụng cho các đội cứu hoả, cảnh sát và nhân viên cứu hộ. Ngày 11/9/2001, anh Stephen Stiller, một lính cứu hỏa ở New York đang tận hưởng ngày nghỉ thì nghe thấy trên bản tin phát thanh trong ô tô về cuộc tấn công khủng bố của Al Qaeda do Taliban hỗ trợ đánh vào Trung tâm Thương mại Thế giới. Anh lập tức quay xe hướng về phía toà tháp đôi đang bốc cháy. Nhưng anh không thể lái xe xuyên qua đường hầm dẫn đến khu Manhattan. Anh liền tóm lấy thiết bị cứu hỏa của mình và chạy bộ qua đường hầm dài hàng dặm đến toà tháp để chung tay cùng các lính cứu hoả khác giải cứu những người dân đang bị mắc kẹt. Stiller đã không thể thoát khỏi được đống lửa và khói bụi bùng lên khi đang cố gắng giải cứu những người cuối cùng còn sót lại. Khoảng 412 nhân viên ứng cứu khẩn cấp đã thiệt mạng, trong đó có 343 lính cứu hoả.

Thư từ nước Mỹ: Mỹ không để ai bị bỏ lại phía sau, trừ khi... họ muốn như vậy - Ảnh 6.

Quân đội, lính cứu hỏa, cảnh sát và nhân viên cứu hộ - tất cả họ đều luôn trong tinh thần lao mình về nơi đang phát ra những âm thanh của sự cố: tiếng súng nổ, tòa nhà bốc cháy, bạo loạn, thương vong hàng loạt. Họ liều mạng để bảo vệ, giải cứu hoặc giành giật lại sự sống cho những người khác. Đối với những người anh hùng này, đó là vấn đề danh dự và nghĩa vụ, không chỉ đơn thuần là công việc.

Tại sao họ làm điều đó? Bởi họ hiểu rõ nỗi kinh hoàng mà một người phải trải qua khi bị bỏ lại giữa kẻ thù, bị mắc kẹt trong một tòa nhà đang bốc cháy, bị bao vây bởi những kẻ bạo loạn trong cơn cuồng sát, hoặc phải chết một mình với những vết thương chí mạng. Họ không muốn trở thành người chỉ biết lo cho bản thân mình mà quên đi việc cứu người.

Thư từ nước Mỹ: Mỹ không để ai bị bỏ lại phía sau, trừ khi... họ muốn như vậy - Ảnh 7.

Tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo, bao gồm các lãnh đạo trong vụ rút quân khỏi Afghanistan, đã phá vỡ truyền thống này, khiến chính bản thân họ sẽ vĩnh viễn không xoá được niềm hổ thẹn với lương tâm mình.

Việc tương tự đã xảy ra trước đó trong cuộc chiến chống khủng bố. Ngày 11 và 12 tháng 09 năm 2012, nhóm phiến quân Hồi giáo đã tấn công Văn phòng Lãnh sự Mỹ ở Benghazi, Libya. Đại sứ Mỹ Christopher Stevens và ba người khác bị mắc kẹt trong văn phòng của họ giữa vòng vây của những kẻ khủng bố không ngừng nổ súng nhắm vào họ. Họ liên lạc với quân đội Mỹ để được giúp đỡ và các máy bay chiến đấu của lực lượng không quân đã được điều động từ Italia sang cứu viện. Tuy nhiên, quan chức Bộ Ngoại giao đã lệnh cho quân đội không thực hiện nhiệm vụ giải cứu. Bốn người, trong đó có đại sứ Stevens đã thiệt mạng.

Lý do của quyết định này là các nhà lãnh đạo lo ngại việc giải cứu có thể dẫn đến chết chóc và thương vong, và họ không muốn gánh trách nhiệm đó. Và trong cả hai trường hợp ở Afghanistan và Bengazhi, các binh sỹ đã tử trận.

Đáng ngạc nhiên là không một nhà lãnh đạo nào trong số này tính đến việc cho phép các chỉ huy quân sự huy động tình nguyện viên tham gia giải cứu. Nhưng dù không có việc đó, một số cựu binh của các đội đặc nhiệm đã từng chiến đấu ở Afghanistan vẫn tự mình đến đó và giải cứu được nhiều người.

Lý do mà các nhà lãnh đạo chính quyền Mỹ đưa ra hiện giờ là họ sẽ tìm kiếm một giải pháp ngoại giao để đưa những người đang bị mắc kẹt ra khỏi Afghanistan. Nhưng xin hãy lưu lý là từ ngày 30/8/2021, Mỹ đã hoàn toàn không có đại sứ quán, không có quân đội hoặc không có bất kỳ sự hiện diện nào ở đất nước này. Ngoài ra, Mỹ cũng đã trao cho Taliban quyền quyết định về việc đưa người dân ra khỏi đây.

Thư từ nước Mỹ: Mỹ không để ai bị bỏ lại phía sau, trừ khi... họ muốn như vậy - Ảnh 8.

Giải pháp ngoại giao tương tự như thế này đã được vận dụng lần cuối cùng là trong vụ khủng hoảng con tin Iran khi hàng trăm sinh viên Hồi giáo xông vào Đại sứ quán Mỹ ở trung tâm thủ đô Tehran và bắt giữ 50 nhà ngoại giao trong suốt 444 ngày đêm. Vụ việc đó đã khiến Tổng thống Jimmy Carter không giữ được chiếc ghế của mình tại Nhà Trắng trong kỳ bầu cử sau đó.

Tôi nghĩ thế này: Hãy để các lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng đổi chỗ cho những công dân đang bị mắc kẹt tại Afghanistan. Vậy là mọi vấn đề sẽ được giải quyết.

Theo Tiến sỹ Terry F. Buss – Chuyển ngữ: Đào Thuý

Doanh nghiệp và tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên