MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng: An Giang xuất hiện 'ổ dịch' với diễn biến rất nhanh

21-10-2021 - 15:51 PM | Xã hội

Thủ tướng: An Giang xuất hiện 'ổ dịch' với diễn biến rất nhanh

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, trong tối qua (20/10) đã trực tiếp gọi điện cho Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, khi địa phương này xuất hiện “ổ dịch” với diễn biến rất nhanh.

Phát biểu tại thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế- xã hội, công tác phòng, chống dịch và ngân sách Nhà nước, ngày 21/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, công tác phòng, chống dịch COVID-19 là vấn đề được người dân quan tâm, đặc biệt khi xuất hiện chủng Delta.

Thủ tướng cho biết, trong tối qua, ông đã trực tiếp gọi điện cho Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, khi địa phương này xuất hiện “ổ dịch” với diễn biến rất nhanh. Ngay sau đó, Bộ Y tế đã phải trực tiếp xuống địa phương nắm tình hình, chỉ đạo.

Theo Thủ tướng, biến chủng Delta hiện vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ, nhưng thực tế cho thấy, biến chủng này có nồng độ virus rất cao, chu kỳ lây lan nhanh hơn, khi chủng cũ thời gian lây lan 3 - 4 ngày, thì chủng mới chỉ từ 4 - 8 tiếng.

Đáng lưu ý, các ca nhiễm gần như không có biểu hiện, khó phát hiện lâm sàng nên gây khó khăn trong công tác cách ly, điều trị. Việc đào thải mầm bệnh cũng có chu kỳ dài hơn so với 14 ngày trước đây, lây lan trong không khí.

Tại Hà Nam, có trường hợp đã cách ly đủ ngày, nhưng khi đi làm thì nhiễm bệnh và lây lan; hoặc ở TPHCM cả dãy nhà cách ly, chỉ mở cửa sổ thôi nhưng cả khu vẫn bị lây nhiễm. Những đặc điểm như vậy gây ra sự bất ngờ, lúng túng, không kịp phản ứng. Không chỉ với chúng ta mà nhiều nước cũng bất ngờ, bị động với biến chủng này.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh, công tác chống dịch phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đúc rút ra ba trụ cột chính để chống dịch, bao gồm: giãn cách, cách ly; xét nghiệm; điều trị trên tinh thần cách ly nhanh và điều trị tích cực.

Cụ thể, trong giãn cách, cách ly phải nhanh nhất, hẹp nhất, chặt nhất có thể, để nguồn lây không lây lan rộng. Xét nghiệm phải thần tốc, nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh nhưng phải khoa học, hợp lý, hiệu quả và tiết kiệm. Việc xét nghiệm cũng phải khoa học, hợp lý và tiết kiệm để sớm phát hiện người bệnh đi điều trị, chăm sóc hợp lý.

Bên cạnh đó, việc điều trị phải trên cơ sở điều trị tích cực, từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở để người bệnh được tiếp cận nhanh với y tế, giúp bệnh nhân không chuyển nặng và giảm ca tử vong.

Đáng lưu ý, người đứng đầu Chính phủ cho biết, ban đầu xác định tập trung vào “5K”, nhưng với biến chủng lây lan nhanh thì phải thêm vắc xin để bảo vệ. Tiếp đến, với yêu cầu quản lý trên diện rộng, không thể làm thủ công nên phải đưa vào ứng dụng khoa học công nghệ. Gắn với đó là các biện pháp điều trị tích cực, kịp thời, hiệu quả.

Cuối cùng, để công tác chống dịch toàn diện hiệu quả, Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu đề cao ý thức nhân dân trong công tác phòng, chống dịch.

Với những khu vực bùng phát dịch, Thủ tướng nhấn mạnh, phải tập trung lực lượng. Theo đó, khi một tổ dân phố có ca nhiễm thì cả xã dồn nguồn lực, một xã có ca nhiễm thì cả huyện dồn lực, khi huyện bùng phát dịch thì cả tỉnh phải dồn lực và khi một tỉnh có dịch thì nhiều tỉnh phải chung sức hỗ trợ.

Với cách làm như vậy, đã giúp chuyển hướng rất nhanh trong công tác phòng, chống dịch. Dẫn chứng, trong đợt dịch vừa qua tại các tỉnh phía Nam và TPHCM, Chính phủ đã điều động lực lượng rất lớn, xây dựng tới 500 trạm xá lưu động, với khoảng hơn 130.000 lượt người vào Nam hỗ trợ phòng chống dịch.

Đặc biệt, trong bối cảnh các nguồn lực và điều kiện hệ thống y tế có hạn, nhất là y tế cơ sở chưa được đầu tư thỏa đáng cả về lãnh đạo chỉ đạo, nguồn lực con người, cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế, thì việc điều động, hỗ trợ lực lượng là rất cần thiết.

Theo Luân Dũng

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên