Thủ tướng Anh gây tranh cãi với hành động gác chân lên bàn khi gặp Tổng thống Pháp
Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson gây tranh cãi vì hành động đặt đế giày lên mép bàn khi tiếp chuyện với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Hình ảnh được phóng viên ảnh của Getty ghi lại trong cuộc hội đàm giữa lãnh đạo Anh-Pháp trong điện Élysée hôm 22/8.
Nhà văn Sonia Purnell, người viết tiểu sử cho chính ông Johnson là một trong những người đầu tiên chỉ trích hình ảnh này của tân Thủ tướng Anh.
"Thô lỗ và xấu hổ. Thử tưởng tượng xem thế nào nếu ông Macron đặt chân lên bàn tại Cung điện Buckingham", ông Purnell viết trên Twitter.
Nhiều nhà phê bình chính trị cũng khẳng định đây là hình ảnh không thể chấp nhận với một lãnh đạo quốc gia.
Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson và hành động gây tranh cãi. (Ảnh: Getty)
Tuy nhiên, một đoạn video xuất hiện sau đó cho thấy đây chỉ là trò đùa giữa 2 nhà lãnh đạo.
Cuộc gặp gỡ giữa 2 nhà lãnh đạo là một phần trong chuyến công du tới Đức và Pháp của Thủ tướng Johnson trong nỗ lực thuyết phục các nước đầu tàu ở lục địa già thay đổi quan điểm về Brexit. Một quan chức của Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết cuộc hội đàm diễn ra trên tinh thần xây dựng.
Sau cuộc gặp, ông Macron và ông Johnson có cuộc họp báo ngắn trước phóng viên tại Điện Elysee. Tại đây, Tổng thống Pháp nhấn mạnh Paris và các nước EU muốn thấy các đề xuất cụ thể của Anh về kế hoạch Brexit trong vòng một tháng. Tuy nhiên, ông khẳng định EU sẽ không đàm phán lại thỏa thuận “chia tay” giữa Anh và khối này.
Trước chuyến công du, Thủ tướng Johnson từng nhiều lần yêu cầu EU loại bỏ điều khoản chốt chặn ra khỏi Thỏa thuận Brexit đã ký dưới thời Thủ tướng tiền nhiệm Theresa May. Theo thỏa thuận này, Anh sẽ ở lại liên minh thuế quan cho tới khi 2 bên đạt được thỏa thuận mới, nhằm tránh một đường biên giới hiện hữu giữa vùng Bắc Irealand và CH Ireland.
Tuy nhiên, trong buổi họp báo, Tổng thống Macron khẳng định điều khoản này vừa là sự bảo đảm cần thiết cho sự ổn định của CH Ireland, vừa là biện pháp để bảo vệ sự toàn vẹn của thị trường đơn nhất EU.
(Nguồn: BI)
VnEconomy