Thủ tướng bổ nhiệm Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia
Nguyên Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) Lê Triệu Dũng được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia
- 24-03-2023Hà Nội điều động nhân sự để bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Nội vụ
- 23-03-2023Hà Nội: Điều động Chủ tịch quận Nam Từ Liêm để bổ nhiệm làm Giám đốc Sở TN
- 22-03-2023Thủ tướng bổ nhiệm lại Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Ngày 29-3, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương về công tác cán bộ của Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia.
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Lê Triệu Dũng, nguyên Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trao quyết định bổ nhiệm cho ông Lê Triệu Dũng
Thủ tướng Chính phủ cũng bổ nhiệm các Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, gồm: bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng; bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên và ông Ngô Đức Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế.
Tại hội nghị công bố quyết định, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cần tập trung nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch.
Đồng thời, khẩn trương tham mưu kiện toàn các tổ chức đoàn thể và bộ máy giúp việc; xây dựng kế hoạch hành động, chương trình công tác, quy chế hoạt động cụ thể để triển khai công việc hiệu quả ngay từ những ngày đầu hoạt động, góp phần tích cực vào việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo chủ trương của Đảng, Nhà nước đã đề ra.
Ông Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu cơ quan này tham mưu thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng về lĩnh vực cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp.
Bên cạnh đó, tập trung triển khai thực hiện tốt các hoạt động về tố tụng cạnh tranh và quản lý nhà nước về cạnh tranh để bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và góp phần nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế đất nước.
Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động bán hàng đa cấp; tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, cảnh báo, giúp người dân, doanh nghiệp nâng cao nhận thức và ý thức phòng ngừa trước các biểu hiện của kinh doanh đa cấp bất hợp pháp.
Ngày 10-2-2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 03/NĐ-CP về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Hội đồng và Văn phòng Hội đồng Cạnh tranh.
Ủy ban Cạnh tranh quốc gia được xem là mô hình cơ quan đặc biệt, duy nhất trong hệ thống cơ quan hành pháp hiện nay cùng lúc thực hiện chức năng quản lý nhà nước và tố tụng, tài phán. Chủ tịch Ủy ban do Thủ tướng bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Công Thương, nhiệm kỳ 5 năm.
Ủy ban là cơ quan thuộc Bộ Công Thương có chức năng tiến hành tố tụng cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế, quyết định việc miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật; tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
nld.com.vn