Thủ tướng: Cải cách tiền lương công chức tiệm cận khu vực doanh nghiệp
Thủ tướng cho biết sẽ hoàn chỉnh vị trí việc làm, chỉ đạo nghiên cứu chính sách tiền lương khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước tiệm cận với nhau
Sáng 8-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Trong phiên chất vấn ngày 7-11, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM, đã gửi câu hỏi chất vấn Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chính sách cải cách tiền lương thời gian tới như thế nào?
Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn ngày 8-11
Trả lời đại biểu nội dung này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ tiền lương là vấn đề được cử tri, Quốc hội rất quan tâm. Tiền lương góp phần tái tạo sức lao động, đồng thời cũng là động lực cho người lao động thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Về chủ trương, Thủ tướng cho biết Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết 27 năm 2018 về về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Theo Thủ tướng, vừa qua chúng ta chưa thực hiện được chính sách cải cách tiền lương do nguồn lực còn khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Dù vậy, Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp tăng thu giảm chi, tiết kiệm các khoản để tạo nguồn cho cải cách tiền lương.
"Đến nay, ngân sách đã có khoảng 560 ngàn tỉ đồng để thực hiện cải cách tiền lương từ tháng 7-2024" - Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay.
Song song với cải cách tiền lương khu vực nhà nước, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng chính sách tiền lương khu vực ngoài Nhà nước. Theo Thủ tướng, định hướng xây dựng chính sách tiền lương cho công chức, viên chức khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước tiệm cận với nhau, theo tinh thần Nghị quyết 27 của Trung ương.
Bên cạnh việc cải cách tiền lương, Thủ tướng cho biết thời gian tới Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ ngành, cơ quan liên quan hoàn chỉnh vị trí việc làm, thục hiện tinh giản biên chế gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy. Cùng với đó, tiết kiệm các khoản chi để tạo nguồn cải cách tiền lương.
Cũng tại phiên chất vấn ngày 7-11, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn TP Hà Nội) nêu câu hỏi với Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc nhiệm kỳ này Chính phủ trình thí điểm nhiều cơ chế đặc thù có thể dẫn đến hệ thống pháp luật thiếu thống nhất và tham nhũng chính sách, cơ chế xin cho.
Đại biểu Thủy cũng đặt vấn đề việc thực hiện thí điểm quá nhiều cơ chế, chính sách pháp luật như vừa qua có phải là biểu hiện của sự bất cập, thiếu chủ động trong tầm nhìn và về năng lực đề xuất xây dựng chính sách của Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan hay không?
Trả lời nội dung này vào sáng 8-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết vừa qua Chính phủ đã trình các cơ chế đặc thù cho địa phương và ngành, xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu khách quan. Theo Thủ tướng, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, hội nhập, độ mở cao, khả năng chống chịu với các cú sốc bên ngoài còn hạn chế. Hơn nữa, thế giới và thực tiễn thay đổi rất nhanh nên các văn bản có nội dung theo kịp, có nội dung chưa theo kịp thực tiễn.
Thủ tướng nhấn mạnh những gì đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh đúng, có hiệu quả, đa số đồng tình thì quyết tâm thực hiện, có thể luật hóa. "Cái gì chưa rõ, chưa chín, có luật nhưng chưa phù hợp hoặc chưa có luật thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội" - Thủ tướng nêu rõ.
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng cho phép việc thí điểm. "Chúng tôi sẽ nghiên cứu đánh giá tác động kỹ hơn, lắng nghe ý kiến nhà khoa học, cơ quan có liên quan, đại biểu, người dân để điều chỉnh cho phù hợp, tiến tới hệ thống pháp luật bao trùm, xuyên suốt"- Thủ tướng trả lời đại biểu.
nld.com.vn