MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng: Cần ‘cú đấm thép’ nào cho cơ giới hóa, chế biến nông sản?

Ngày 21/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến về thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp, những lĩnh vực quan trọng giúp kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng bình quân khoảng 8-10%/năm.

Hội nghị được tổ chức để đánh giá thực trạng, xác định giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa trong nông nghiệp gắn với chương trình khoa học công nghệ quốc gia.

Phát biểu mở đầu hội nghị, Thủ tướng cho rằng Hội nghị trực tuyến có quy mô toàn quốc với sự tham gia của 63 tỉnh, thành phố và các công ty, tập đoàn lớn trong nông nghiệp, vì vậy, "phải bàn vấn đề thiết thực vì sao chưa làm tốt cơ giới hóa, vì sao có địa phương làm tốt, có địa phương chưa làm được". Do đó, Thủ tướng đề nghị các tập đoàn, doanh nghiệp phát biểu trước, nêu rõ các tồn tại, khó khăn, nhất là vướng mắc về cơ chế chính sách.

"Thời gian qua, chúng ta ban hành nhiều chính sách cho lĩnh vực này nhưng chưa tập trung, vậy từ Hội nghị hôm nay, Nhà nước cần tập trung vào chính sách nào được coi là 'cú đấm thép' của Nhà nước để tháo gỡ vướng mắc, phát triển công nghiệp cơ giới hóa và chế biến nông sản tốt hơn nữa", Thủ tướng nói.

Từ thực tiễn sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, doanh nghiệp đã thành công, Thủ tướng mong muốn được nghe các ý kiến góp ý về các tồn tại, vướng mắc để hình thành tư duy chính sách tháo gỡ sát thực. Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu nói ngay vào các điểm then chốt, các chính sách cần tập trung tháo gỡ...

Thủ tướng cho rằng xuất khẩu nông sản rất quan trọng nhưng thị trường trong nước gần 100 triệu dân càng quan trọng mà nếu ta không quan tâm, không lo thị trường trong nước thì sẽ là thiếu trách nhiệm với người dân. Vậy cần có chính sách, biện pháp gì để tháo gỡ cho chế biến, nhất là chế biến sâu, cho cơ khí hóa khi mà hiện nay, số lao động nông nghiệp còn đông, chủ yếu làm thủ công, mức độ cơ giới hóa còn thấp nên năng suất thấp.

Nhắc đến việc Nghị viện châu Âu vừa thông qua Hiệp định EVFTA và EVIPA, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường 20.000 tỷ USD có yêu cầu cao, Thủ tướng cho rằng cần thảo luận cả vấn đề thị trường đối với nông sản.

Theo Bộ NN&PTNT, trong 10 năm trở lại đây, cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản của nước ta đã có những bước phát triển đáng kể. Hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có công suất thiết kế khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm đã được hình thành.

Hệ thống công nghiệp chế biến bảo quản nông sản có trên 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ lẻ, hộ gia đình.

Công nghệ chế biến nông sản Việt Nam đã đạt mức độ trung bình của thế giới. Một số ngành hàng có công nghệ và thiết bị chế biến tương đối hiện đại mang tầm khu vực và thế giới, như chế biến hạt điều, cà phê, lúa gạo, tôm, cá tra... Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của công nghiệp chế biến nông sản đạt khoảng 5-7%/năm. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng mạnh, bình quân tăng khoảng 8-10%/năm. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 41,3 tỷ USD, xuất khẩu tới hơn 186 nước và vùng lãnh thổ.

Công nghiệp chế biến nông sản giải quyết việc làm trực tiếp cho khoảng 1,6 triệu lao động, trong đó phần lớn là con em nông dân, với mức thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/tháng.

Về cơ giới hóa nông nghiệp, đến nay, trang bị động lực bình quân trong sản xuất nông nghiệp cả nước đạt khoảng 2,4 mã lực/ha canh tác.

Cả nước hiện có hơn 7.800 doanh nghiệp cơ khí (có 95 doanh nghiệp có vốn trên 500 tỷ đồng); gần 100 cơ sở chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp.

Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT nhìn nhận vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như nhiều cơ sở chế biến của nhiều ngành hàng có tuổi đời trên 15 năm (chiếm trên 70%) với thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu, năng suất thấp (chè, cao su, sắn); hệ số đổi mới thiết bị chỉ ở mức 7%/năm (bằng 1/2 - 1/3 mức tối thiểu của các nước khác). Tổn thất sau thu hoạch còn lớn (10-20%) do thiếu cơ sở vật chất bảo quản đáp ứng yêu cầu.

Sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế có giá trị gia tăng thấp (chiếm 70-85%); sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao chiếm khoảng 15-30% (thủy sản khoảng30%, các loại nông sản khác khoảng 10-20%, sản phẩm bao gói nhỏ cung cấp cho bán lẻ chỉ chiếm khoảng 10%).

Mức độ cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp một số khâu còn thấp, chưa toàn diện; trình độ trang bị máy động lực còn lạc hậu, hầu hết các máy làm đất công suất nhỏ, chỉ thích hợp với quy mô hộ và đất manh mún.

Cơ chế chính sách chưa đủ hấp dẫn việc đầu tư vào chế biến nông sản. Một số chính sách về đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học công nghệ… chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn sản xuất kinh doanh. Nguồn lực để triển khai các chính sách đã ban hành còn hạn chế nên hiệu quả chính sách không cao.

Thủ tướng: Cần ‘cú đấm thép’ nào cho cơ giới hóa, chế biến nông sản? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Bộ NN&PTNT phấn đấu đến năm 2030 đưa công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản Việt Nam "đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới", là trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu, đồng thời có đủ năng lực chế biến, đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp.

Theo Bộ NN&PTNT, mục tiêu "Việt Nam phải đẩy mạnh nâng cao năng lực công nghiệp chế biến nông sản và thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp" được xác định là nội dung căn bản góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho nông sản.

Cổng TTĐT Chính phủ sẽ cập nhật thông tin về Hội nghị này.

Theo Đức Tuân

VGP

Trở lên trên