Thủ tướng chỉ đạo, sao không thực hiện?
“Quốc hội có nghị quyết, Chính phủ đã chỉ đạo, tại sao không làm? Trách nhiệm thuộc về ai và sẽ xử lý trách nhiệm như thế nào? Tất cả cần được làm rõ, không thể để nghị quyết ban hành mà như ném vào không khí”, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu quan điểm khi trao đổi với PV Tiền Phong về thực trạng chậm triển khai ETC.
Vì sao không thực hiện?
Cùng với yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ đã đặt ra lộ trình cụ thể, đến hết năm 2018, tất cả trạm thu phí sử dụng đường bộ trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên thực hiện thu phí không dừng; hết năm 2019 sẽ áp dụng cho tất cả các trạm còn lại. Tuy nhiên đến nay việc triển khai rất chậm ông nghĩ sao về thực tế này?
Trước tiên tôi cho rằng, yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ như vậy là rất đúng, rất quyết liệt. Điều quan trọng nhất khi thực hiện thu phí không dừng sẽ đảm bảo được nhiều lợi ích, mà trước tiên sẽ đảm bảo sự minh bạch. Điều này vô cùng quan trọng, bởi nếu không có sự minh bạch thì người dân sẽ thiếu tin tưởng, còn việc quản lý sẽ rất mù mờ.
"Nghị quyết của Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ phải sớm triển khai việc thu phí không dừng để đảm bảo sự minh bạch, tránh lãng phí nguồn lực. Tôi tin rằng, trong năm 2019 này, Ủy ban Kinh tế sẽ tiếp tục có chương trình giám sát việc thực hiện các nghị quyết, trong đó có Nghị quyết của Quốc hội về BOT, đặc biệt về BOT giao thông”, Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Sinh.
Áp dụng thu phí không dừng, tất cả các phương tiện đi lại sẽ nhanh chóng, thuận tiện hơn và nguồn lực để kiểm soát trạm thu phí sẽ giảm đi rất nhiều, qua đó sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí. Nói tóm lại, việc áp dụng thu phí không dừng sẽ giảm đi rất nhiều phiền toái cho xã hội, tạo ra sự minh bạch, tin tưởng cho người dân.
Tuy nhiên, tôi cũng không hiểu vì sao việc triển khai thu phí không dừng lại đang trục trặc, khó khăn như vậy. Tôi cho rằng, việc này cần phải được phân tích, mổ xẻ trong thời gian tới, xem có phải do thiếu quyết liệt hay không? Vì sao Thủ tướng đã chỉ đạo như vậy mà lại không thực hiện? Các bộ, đặc biệt Bộ GTVT phải vào cuộc, Tổng cục Đường bộ cũng phải có sự kiên quyết về việc này.
Cần xem trách nhiệm thuộc về cơ quan, đơn vị nào, từ đó mới chỉ ra được trách nhiệm cụ thể. Chúng tôi cũng mong thời gian tới báo chí cùng vào cuộc để tìm ra nguyên căn tại đâu, trách nhiệm của ai để triển khai cho tốt thu phí tự động không dừng.
Quốc hội có cần tái giám sát khi việc triển khai Nghị quyết chưa hiệu quả, thưa ông?
Khi giám sát về BOT nói chung và BOT giao thông nói riêng, nghị quyết của Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ phải sớm triển khai việc thu phí không dừng để đảm bảo sự minh bạch, tránh lãng phí nguồn lực. Tôi tin rằng, trong năm 2019 này, Ủy ban Kinh tế sẽ tiếp tục có chương trình giám sát việc thực hiện các nghị quyết, trong đó có Nghị quyết của Quốc hội về BOT, đặc biệt về BOT giao thông.
Chính phủ và Bộ GTVT hiện đã biết có những trạm nào thu được phí tự động, trạm nào chưa thu được, nên không cần phải đi từng trạm giám sát nữa. Ở đây sẽ giám sát việc triển khai của Chính phủ, các bộ và Tổng cục Đường bộ, rồi xuống các chủ đầu tư. Cá nhân tôi cho rằng, việc này cần phải làm quyết liệt trong thời gian tới.
Không để nghị quyết ném vào không khí
Vụ việc một trạm phu phí BOT bị mất trộm tiền tỷ vừa qua đã đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có sự minh bạch giữa báo cáo thống kê và doanh thu thực tế của các trạm thu phí, quan điểm của ông ra sao?
Đó cũng là một vấn đề phải quan tâm và nếu áp dụng thu phí không dừng, rõ ràng chúng ta sẽ tránh được những hệ lụy đó. Vì khi đó đã thu tiền qua thẻ rồi thì làm gì còn tiền mặt nữa.
Phải chăng vì doanh nghiệp không muốn minh bạch, muốn mập mờ để hưởng lợi nên các chủ đầu tư mới chậm trễ, không muốn áp dụng thu phí không dừng?
Đó cũng có thể là một trong những nguyên nhân, chính vì vậy càng phải làm minh bạch. Quốc hội đã có nghị quyết rồi, Chính phủ đã có chỉ đạo rồi, vậy tại sao không làm? Nguyên nhân do đâu? Nếu không làm như vậy thì trách nhiệm đến đâu và sẽ xử lý như thế nào?...
Tất cả cần được làm rõ. Phải bắt được bệnh thì chúng ta mới chữa được bệnh, còn nếu cứ chung chung thì rất khó. Thời gian tới, Quốc hội cũng phải làm quyết liệt việc này. Nghị quyết ban hành mà ném vào không khí thì sẽ không đáp ứng được sự kỳ vọng, mong muốn của nhân dân.
Theo ông, cần phải làm gì để triển khai hiệu quả chủ trương này?
Tôi cho rằng, bên cạnh sự quyết liệt cũng cần có sự đồng bộ trong toàn hệ thống. Ai cũng nói về cuộc cách mạng 4.0 và tôi cho rằng đây chính là vấn đề cụ thể của 4.0. Vậy thì chúng ta phải đồng bộ ngay từ hệ thống, ngay từ khâu triển khai về mặt kỹ thuật, rồi đến cơ sở dữ liệu và sự tuyên truyền cho người dân.
Bên cạnh trách nhiệm của nhà nước, bản thân các chủ phương tiện cũng phải tham gia tích cực vào việc này, bởi để vỗ tay được cần phải có hai bàn tay. Có bàn tay của nhà nước, chủ đầu tư rồi, thì phải có bàn tay của các chủ phương tiện. Như vậy chúng ta mới có được tiếng nói chung và hệ thống của chúng ta mới chạy đồng bộ được.
Cảm ơn ông!
Tiền phong