Thủ tướng Chính phủ kiểm tra công tác thi công dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng
EVN báo cáo tiến độ thi công với Thủ tướng và đoàn công tác
Chiều ngày 25/2, trong chuyến công tác tại tỉnh Hòa Bình, Thủ tướng Chính phủ đã đến kiểm tra công tác thi công dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng.
- 25-02-2023ASEAN là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 4 của Việt Nam trong tháng 1/2023
- 25-02-2023Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc lá có hợp lý?
- 25-02-2023Vẫn còn 5.493 người lao động bị nợ lương hơn 56 tỷ đồng
Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 4/2018 và là công trình cấp đặc biệt.
Báo cáo với Thủ tướng cùng đoàn công tác, EVN cho biết, đến nay công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành và bàn giao cho Nhà thầu đáp ứng điều kiện thi công.
Bên cạnh đó, đối với hạng mục Cửa lấy nước đã đào được 1,8 triệu m3 đạt 100%; đào đá mới đạt tiến độ khoảng 3% do trước đó dự án phải dừng thi công để xử lý sạt trượt, sau khi được phép thi công trở lại mới được cấp phép nổ mìn từ 22/02/2023.
Các hạng mục khác như: Hố móng nhà máy thủy điện đến thời điểm hiện tại khối lượng thi công đào đất và đào đá, phá đá đạt 53,7%; hầm phụ hiện đã đào được 476 /551m dài, đạt 86% ; hầm tiêu nước mở rộng đạt 90%.
Đặc biệt công tác xử lý sạt sụt, hiện dự án đã hoàn thành hót sạt, xử lý được 226 neo dư ứng lực khung bê tông cốt thép vào nền đá, hoàn thành 8.415m3 bê tông tường chắn và đắp 50.000m3 đá gia cố mái dốc.
Kết quả quan trắc chuyển dịch 24 điểm do công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 1 quan trắc (tại các hạng mục công trình), đến nay đã được 30 chu kỳ. Kết quả cho thấy dịch chuyển tại các mốc quan trắc đều nằm trong giới hạn cho phép, đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó, dự án đã bố trí 08 trạm quan trắc trực tuyến rung chấn do nổ mìn được tại vị trí các công trình hiện hữu (Đập thuỷ điện Hòa Bình, tượng đài Bác Hồ, cột điện 500kV, khu nhà UBND tỉnh, khu dân cư). Toàn bộ kết quả quan trắc trong quá trình thi công do Viện Vật lý Địa Cầu thực hiện cho thấy chỉ số rung chấn nhỏ hơn nhiều so với yêu cầu trong hồ sơ thiết kế…
Sau khi đi kiểm tra tình hình thực tế tại công trường và nghe báo cáo từ EVN, Thủ tướng biểu dương EVN và các cơ quan đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng về xử lý sự cố hiệu quả, nhanh chóng, qua đó trưởng thành hơn và có thêm nhiều kinh nghiệm.
Thủy điện Hòa Bình là "công trình thế kỷ" có ý nghĩa quan trọng, các thế hệ ngày nay rất xúc động và tự hào với sự hy sinh của những người đi trước, nên việc thi công mở rộng nhà máy phải với trách nhiệm cao nhất để tri ân những người đi trước, những người đã hy sinh, chống tiêu cực, tham nhũng; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thủ tướng lưu ý an toàn và chất lượng công trình phải được đặt lên hàng đầu, đồng thời bảo đảm tiến độ bằng việc thi công 3 ca 4 kíp, bù đắp lại thời gian xử lý sự cố, phấn đấu vượt tiến độ 6 tháng; bảo đảm môi trường sinh thái; bảo đảm an toàn lao động, các vấn đề xã hội và chăm lo đời sống công nhân. Các cơ quan, đơn vị và tỉnh Hòa Bình phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời, báo cáo cấp có thẩm quyền, nhất là trong xử lý vấn đề phát sinh.
Theo kế hoạch tiến độ thi công tiếp theo, chủ đầu tư và các nhà thầu đang tập trung để thi công công trình đáp ứng tiến độ phát điện tổ máy 1 vào tháng 6/ 2025, phát điện tổ máy 2 vào tháng 7/2025.
Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng có tổng mức đầu tư tư là 9.220 tỉ đồng, gồm 2 tổ máy với công suất 480 MW, nhà thầu xây lắp là Liên danh Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn-Công ty CP Xây dựng 47-Lilama10.
Dư án được đầu tư xây dựng với mục tiêu tăng cường công suất phủ đỉnh, tăng độ an toàn, ổn định và hiệu quả vận hành cho hệ thống điện quốc gia, giảm chi phí sản xuất điện, cung cấp thêm cho hệ thống điện quốc gia khoảng 495 triệu kWh điện mỗi năm.
Ngoài ra dự án cũng góp phần giảm cường độ làm việc của các tổ máy Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa; tận dụng khai thác tối đa nguồn nước xả thừa hàng năm vào mùa lũ của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hiện hữu để phát điện bổ sung điện năng từ tháng 5-8, đặc biệt là các tháng 7, 8.
Công Thương