MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng cho TP.HCM chuyển 26.000 ha đất nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ

10-07-2018 - 14:17 PM | Bất động sản

"Thủ tướng vừa cho chuyển 26.000 ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, dịch vụ. Đây là nguồn lực rất to lớn, tạo nguồn vốn cho TP.HCM phát triển. Giá trị ước tính sơ bộ là 1,5 triệu tỉ đồng nếu đem đấu giá"- Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho hay.

Sáng 10-7, phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, HĐND TP.HCM khóa IX, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã thông tin như thế.

Ông Nhân cho rằng nhìn lại hai năm rưỡi nhiệm kỳ, cần trả lời được câu hỏi vị trí của TP.HCM, đóng góp của TP trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, TP là đầu tàu của cả nước. Hai năm rưỡi qua, TP.HCM đã giữ vững được vị trí đóng góp 22% kinh tế cả nước, giữ được vai trò trung tâm kinh tế nói chung và trung tâm dịch vụ cả nước.

Thủ tướng cho TP.HCM chuyển 26.000 ha đất nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9. Ảnh: HOÀNG GIANG

Đối với việc đánh giá về 7 chương trình đột phá, ông Nhân cho biết chương trình phát triển nguồn nhân lực có thể đạt được theo chỉ tiêu đề ra đến năm 2020. Riêng đối với các chỉ số cải cách hành chính có nhiều tiến bộ nhưng so với cả nước phải còn phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, nâng cao sự hài lòng của người dân.

“Về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, chúng ta đứng thứ 58/63. Chúng ta chỉ đứng trên Bình Thuận, Cao Bằng, Nam Định, Kon Tum còn lại thua các tỉnh khác. Cần làm quyết liệt hơn”- ông Nhân đánh giá.

Đối với chương trình giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, ông Nhân đánh giá mặc dù đã đạt được một số kết quả nhưng một số chỉ tiêu chính còn thấp như đất dành cho giao thông, hành khách công cộng. “Chương trình giảm ùn tắc và tai nạn giao thông có nguy cơ không hoàn thành năm 2020 nếu không đổi mới quyết liệt cách làm”- ông Nhân nói.

Đối với chương trình giảm ngập nước , ông Nhân cũng nhìn nhận có kết quả nhất định, thể hiện một số tuyến đường nhưng một số chỉ tiêu thấp như: làm kênh rạch thông thoáng, không lấn chiếm cửa cống. “Chúng ta cần trao đổi và vận động nhân dân, mỗi người cần phải làm sao kênh rạch cống gần nhà không được xả rác. Chúng tôi thiết tha kêu gọi Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM và HĐND TP có một cuộc vận động, kêu gọi mỗi người dân TP làm cho TP bớt ngập bằng việc làm của mình”- ông Nhân đề nghị.

Đối với chương trình giảm ô nhiễm môi trường, ông Nhân cho biết chỉ tiêu nước thải sinh hoạt mới đạt 21%, cần làm quyết liệt xã hội hóa trong vấn đề rác, cuối năm TP sẽ đấu thầu rác. Nếu làm quyết liệt thì có thể làm hoàn thành được mục tiêu.

“Trong 7 chương trình đột phá, có chương trình triển vọng hoàn thành, có chương trình không hoàn thành và có chương trình có nguy cơ không hoàn thành cao”- ông Nhân đúc kết.

Để khắc phục những khó khăn, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã đưa ra nhiều giải pháp. Một trong những giải pháp lớn mà TP đang triển khai là xây dựng trung tâm hạt nhân thực hiện cách mạng 4.0, đã khởi động quy hoạch khu đô thị sáng tạo phía Đông TP gồm 3 quận: 9, 2 và Thủ Đức. Ông Nhân cho biết, sau kì họp này, TP sẽ tổ chức hội thảo quốc tế để bàn giải pháp xây dựng khu đô thị sáng tạo này.

Một giải pháp khác, ông Nhân cho biết Thủ tướng vừa đồng ý cho TP.HCM  chuyển 26.000 ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, dịch vụ . Ông Nhân cho rằng đây là nguồn lực rất to lớn, tạo nguồn vốn cho TP.HCM phát triển. Giá trị ước tính sơ bộ là 1,5 triệu tỉ đồng nếu đem đấu giá.

Lý giải về việc chuyển đổi đất, ông Nhân cho biết nguồn lực đất đai của TP dành cho công nghiệp, dịch vụ, đô thị chưa tương xứng, trong khi đó nguồn lực đất đai dành cho nông nghiệp còn nhiều nhưng chưa biết cách khai thác. Cho nên TP đã kiến nghị giảm tỷ lệ đất nông nghiệp và tăng đất cho công nghiệp.

Để thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội, ông Nhân lưu ý cần xem lại quy trình và cách thực hiện việc đền bù giải phóng mặt bằng tái định cư, có cách nào làm nhanh hơn không, có cách nào làm hiệu quả hơn không, vì đây là khâu cản trở rất nhiều lĩnh vực. Phải có chuyên đề, đề xuất cơ chế về việc này.

“Mong qua kỳ họp HĐND lần này, cần thay đổi cách làm, tìm giải pháp mới. Mỗi quận, huyện đặt hàng mỗi công việc gì cần thay đổi cách làm”- ông Nhân nói.

Theo Tá Lâm - lê Thoa

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên