MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng: Chống dịch tả lợn châu Phi như chống giặc

04-03-2019 - 14:07 PM | Thị trường

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi sáng 4-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chống dịch như chống giặc, các cấp, các ngành phải xắn tay áo, ngăn chặn có hiệu quả.

Sáng 4-3, tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP).

 Thủ tướng: Chống dịch tả lợn châu Phi như chống giặc  - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi - Ảnh: Văn Duẩn

Cùng dự và chủ trì có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường; các bộ, ngành và nhiều địa phương đã có dịch cũng như các địa phương có nguy cơ cao.

Trước khi hội nghị chính thức diễn ra, Thủ tướng nhắc nhở ở tất cả các đầu cầu, lãnh đạo tỉnh phải trực tiếp tham dự và chủ trì "chứ không phải để mấy ông thú y chủ trì ở các đầu cầu vì đây là dịch bệnh rất nguy hiểm".

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Chống dịch như chống giặc".

Một khẩu hiệu đặt ra là chống dịch như chống giặc để chúng ta huy động các cấp, các ngành xắn tay áo, ngăn chặn có hiệu quả dịch tả lợn châu Phi, hiện đã xâm nhập vào 7 tỉnh của Việt Nam

"Một khẩu hiệu đặt ra là chống dịch như chống giặc để chúng ta huy động các cấp, các ngành xắn tay áo, ngăn chặn có hiệu quả dịch tả lợn châu Phi, hiện đã xâm nhập vào 7 tỉnh của Việt Nam" - Thủ tướng nêu rõ. Người đứng đầu Chính phủ cho rằng nếu chúng ta có biện pháp mạnh, ngăn chặn tốt, kịp thời hơn thì dịch không lây lan rộng. Trung Quốc với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, đến nay họ đã khống chế dịch được đến 90%. Đây là bài học kinh nghiệm cho chúng ta.

Video clip Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị

Thủ tướng yêu cầu cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người chăn nuôi phải thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 20/2/2019 của Thủ tướng về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Thủ tướng về kết quả phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại địa phương mình quản lý.

Nhắc nhở một số địa phương chỉ cử chi cục thú ý dự hội nghị, Thủ tướng nêu rõ không phải đơn thuần là việc của chi cục thú y, Bộ NN-PTNT mà mỗi địa phương đều phải ra tay thì mới hiệu quả. Do đó, các cấp, các ngành, theo chức năng được phân công, phải xắn tay áo vào cuộc, bao gồm cử cán bộ, cung cấp phương tiện, không chỉ ra văn bản chỉ đạo mà có những biện pháp, hướng dẫn hành động kịp thời.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phải có hướng dẫn thanh toán kịp thời cho các địa phương. Bộ Thông tin và Truyền thông cần đẩy mạnh tuyên truyền về vấn đề này, để không gây hoang mang và quay lưng với thịt lợn sạch, không để do vấn đề này mà ngành chăn nuôi ở Việt Nam bị ứ đọng, đình trệ.

 Thủ tướng: Chống dịch tả lợn châu Phi như chống giặc  - Ảnh 3.

Thủ tướng: Chống bệnh dịch tả lợn châu Phi phải như chống giặc - Ảnh: VGP

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý cần tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm khắc địa phương nào không làm. Từ Chỉ thị 04, các cấp, các ngành cần cụ thể hóa, triển khai rõ ràng hơn, chứ không chung chung, đại khái.

Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành phải tốt công tác thông tin, tuyên truyền để không gây hoang mang, bán tháo lợn, cần vận động người chăn nuôi cam kết và thực hiện 5 không: Không giấu dịch; Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; Không vứt lợn chết ra môi trường; Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

Báo cáo về tình hình dịch bệnh DTLCP, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết từ ngày 1-2 đến 3-3-2019, bệnh DTLCP xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương); tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn.

 Thủ tướng: Chống dịch tả lợn châu Phi như chống giặc  - Ảnh 4.

Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tạo cuộc họp trực tuyến chống bệnh dịch tả lớn châu Phi - Ảnh: Văn Duẩn


Cục Thú y đã tổ chức lấy tổng cộng 388 mẫu của 98 hộ nuôi lợn xung quanh các hộ có lợn bệnh để xét nghiệm. Kết quả đã phát hiện đại đa số lợn của các hộ xung quanh âm tính, có một số hộ có lợn dương tính đã được chính quyền và các cơ quan chuyên môn thú y xử lý tiêu hủy ngay lập tức.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ NN-PTNT kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ đưa vào nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ cho phép hỗ trợ 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và tăng gấp 1,5 đến 1,8 lần đối với lợn nái và lợn đực giống buộc phải tiêu hủy; bỏ điều kiện phải khai báo và có xác nhận của UBND cấp xã khi nuôi lợn vì không khả thi; kinh phí lấy từ quỹ phòng, chống thiên tai của địa phương. Trong quá trình triển khai phải đảm bảo tính công khai, minh bạch và kịp thời hỗ trợ cho người chăn nuôi.

Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tổ chức ngăn chặn, khống chế bệnh DTLCP; đặc biệt là các ngành công an, quân đội, Ban Chỉ đạo 389, cơ quan hải quan các cấp,... siết chặt tình trạng buôn bán, vận chuyển lậu lợn, sản phẩm lợn; đồng thời sẵn sàng tham gia ứng phó, hỗ trợ việc xử lý ổ dịch, tiêu hủy lợn khi dịch bệnh lây lan diện rộng, tiêu hủy lợn với số lượng lớn; chỉ đạo các bộ, ngành thành lập các đoàn công tác đến các địa phương để kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nội dung của Chỉ thị số 04/CT-TTg và công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương và các văn bản của Bộ NN-PTNT.

Kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương xây dựng và ban hành kịch bản cho các tình huống dịch bệnh xuất hiện ở quy mô và phạm vi khác nhau tại địa phương để tổ chức thực hiện; phải chịu trách nhiệm trong việc ngăn chặn bệnh DTLCP xâm nhiễm và lây lan trên diện rộng tại địa phương; xây dựng và phê duyệt kế hoạch chủ động phòng, chống dịch bệnh động vật hằng năm để bảo đảm có đầy đủ nguồn lực (kinh phí, nhân lực, hóa chất,...) cho công tác phòng, chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả; duy trì, tăng cường nguồn lực cho hệ thống thú y các cấp theo đúng quy định của Luật Thú y, đối với các địa phương đã thực hiện việc sáp nhập cơ quan thú y các cấp với các ngành nghề khác cần khẩn trương kiện toàn lại theo đúng quy định của Luật Thú y.

Đề nghị các tổ chức quốc tế (FAO, OIE) và các nước (Mỹ, Úc, EU,...) xem xét, hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi và các loại dịch bệnh động vật khác.

Bộ NN-PTNT đề nghị cần thông tin, truyền thông sâu rộng để mọi người chăn nuôi, người tham gia buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn và cả xã hội cùng vào cuộc để kiểm soát tốt và không để dịch bệnh lây lan.

Tuyên truyền, vận động người chăn nuôi, buôn bán thực hiện nghiêm túc 5 không theo quy định của Luật Thú y (các Điều 13, 25 và 27); phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm và không thực hiện các biện pháp chống dịch dẫn đến dịch bệnh lây lan; bệnh không lây sang người nên người tiêu dùng không nên quay lưng với các sản phẩm thịt lợn an toàn và bảo đảm chất lượng.

Theo Văn Duẩn

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên