Thủ tướng: Chưa cho phép mở cửa đối với khách du lịch vào Việt Nam
Đây là quan điểm nhất quán và Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải hết sức cảnh giác để đảm bảo sức khỏe của nhân dân.
- 20-06-2020Hà Nội tập trung kích cầu du lịch
- 14-06-2020Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện mời người dân đi du lịch trong nước
- 14-06-2020Các quốc gia và khu vực ở châu Á đang nới lỏng việc hạn chế du lịch do Covid-19 ra sao?
Chiều 24/6, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ về biện pháp phòng, chống Covid-19.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19, đến nay cả nước ghi nhận 329 trường hợp điều trị khỏi (chiếm 94% số mắc), hiện còn 23 bệnh nhân đang được tiếp tục điều trị. Về tình hình bệnh nhân số 91, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và chuyển sang giai đoạn phục hồi chức năng tích cực.
Báo cáo tại phiên họp, lãnh đạo Thành phố Hà Nội cho biết, vừa qua đã phát hiện 15 trường hợp vào Việt Nam nhưng không làm thủ tục nhập cảnh, không được cách ly. Các trường hợp này đã được phát hiện kịp thời, đưa đi cách ly và xét nghiệm đều cho kết quả âm tính với Covid-19.
Do đó, Thành phố Hà Nội kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương có giải pháp kiểm soát nhập cảnh qua biên giới đường bộ, nếu không trong trường hợp những người này mắc bệnh, quá trình di chuyển sẽ lây nhiễm ra cộng đồng.
Các hành khách làm thủ tục tại sân bay Narita (Tokyo), Nhật Bản. (Ảnh minh họa).
Từ ngày 15/4 đến nay, Bộ Ngoại giao đã phối họp với các Bộ liên quan, Các cơ quan chức năng, Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài và các hãng hàng không tổ chức 33 chuyến bay đưa khoảng 8.000 công dân từ 42 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước. Bên cạnh đó, xây dựng tiêu chí và kế hoạch đưa công dân về nước trong thời gian 2 tháng tới đây.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, không chỉ người Việt Nam từ nước ngoài muốn về nước mà hiện người Việt Nam có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài cũng rất lớn.
Đối với việc triển khai gói cho doanh nghiệp vay vốn trả lương công nhân thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, đến nay chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận, do việc áp dụng đồng thời hai tiêu chí là không có doanh thu và không có tài chính để trả lương người lao động. Do đó theo đề nghị của Bộ thì chỉ nên quy định một quy định giảm doanh thu 20% trở lên của quý 1/2020 so với quý 4 năm 2019 thì sẽ được tiếp cận vốn vay.
Chưa mở cửa đối với khách du lịch vào Việt Nam
Kết luận phiên họp, Thủ tướng hoan nghênh Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, các cơ quan liên quan, trong đó có cơ quan truyền thông, báo chí trong việc tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề phòng, chống Covid-19, thực hiện mục tiêu kép của đất nước.
Thủ tướng đánh giá, thời gian qua, khi trạng thái bình thường mới thì sản xuất kinh doanh, dịch vụ đã hồi phục khá nhanh. Chính phủ đã có chủ trương tổng kết bước đầu về công tác phòng, chống Covid-19, ghi nhận những lực lượng đã đóng góp tích cực và trách nhiệm. Thủ tướng giao Bộ Y tế chuẩn bị, báo cáo Thủ tướng để triển khai.
Nhấn mạnh việc bảo vệ sức khỏe nhân dân là rất cần thiết, do đó để thực hiện mục tiêu kép thì Chính phủ đã chấp thuận mở cửa cho các chuyên gia, nhà đầu tư vào Việt Nam cũng như đưa người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài. Kèm theo đó là quản lý, giám sát chặt chẽ, không để dịch lây lan ra cộng đồng. Theo đó, phải có những hình thức cách ly phù hợp, nghiêm túc.
Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ chưa cho phép mở cửa đối với khách du lịch vào Việt Nam. Đây là quan điểm nhất quán và Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải hết sức cảnh giác để đảm bảo sức khỏe của nhân dân, tránh nôn nóng dẫn đến xóa đi những thành quả quan trọng trong phòng, chống Covid-19.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục các biện pháp sẵn sàng cho việc truy vết nhanh nếu có ca bệnh; yêu cầu đeo khẩu trang ở nơi đông người. Ngoài biện pháp cách ly hiện nay thì có thể thực hiện cách ly ngắn ngày đối với các chuyên gia, nhà đầu tư vào Việt Nam. Các khu cách ly tập trung cũng phải luôn sẵn sàng để thực hiện nhiệm vụ.
Tăng chuyến bay đưa người Việt Nam về nước
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu tăng tần suất các chuyến bay để đưa người Việt Nam và đưa các nhà đầu tư, chuyên gia, công nhân lành nghề nước ngoài vào Việt Nam cũng như đưa người Việt Nam ra nước ngoài lao động, học tập, nếu nước đó chấp thuận. Nếu các nước đồng ý, có thể cho phép đưa người Việt Nam đi lao động và học tập tại nước ngoài.
Với 35.000 người Việt Nam có nhu cầu về nước, Thủ tướng đồng ý bước đầu tạo điều kiện cho 14.000 người đáp ứng tiêu chí về nước sớm bằng các chuyến bay từ nhiều nơi.
Do đó, quy trình, thủ tục để giải quyết cho những người này, các chuyên gia và nhà đầu tư nước ngoài cần phải công khai hóa, nhất là các lại giấy tờ cần thiết với tinh thần tạo thuận lợi nhiều hơn, kể cả công khai cách cách ly linh hoạt, an toàn.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, xử lý vấn đề này cũng với Bộ Ngoại giao. Bộ Giao thông vận tải bố trí đủ các loại máy bay, các hãng hàng không.
Cho biết tương lai không loại bỏ việc mở một số chuyến bay thương mại quốc tế nhưng thời điểm phải được xem xét hết sức kỹ lưỡng với tính thần đảm bảo không để dịch lây lan từ bên ngoài vào Việt Nam.
Các vùng có dịch phức tạp thì ngành hàng không Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của ngành giao thông, chuẩn bị phòng dịch kỹ lưỡng các chuyến bay thương mại đi và đến một số nơi đáp ứng yêu cầu trong Thông báo 203/TB-VPCP ngày 10/6. Nếu dịch diễn biến phức tạp phải báo cáo kịp thời để dừng các chuyến bay.
Cùng với đó, ngành y tế và Ban Chỉ đạo theo dõi, bám sát mọi diễn biến để kiên trì thực hiện 5 nguyên tắc gồm: ngăn chặn, phát hiện, cách ly phù hợp, khoanh vùng và dập dịch.
Đề cao cảnh giác, bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhưng Thủ tướng cũng nhấn mạnh nhiệm vụ bảo đảm các mục tiêu khác. Bộ Y tế duy trì đảm bảo năng lực đáp ứng cho mọi tình huống xấu xảy ra; Bộ Y tế có hướng dẫn, tập huấn quy trình chuẩn cho các địa phương và người dân.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an cần hướng dẫn các cơ quan tổ chức làm thủ tục mời, đón, bảo lãnh, cung cấp hành trình của khách tại Việt Nam để việc cấp thị thực nhanh chóng, thuận lợi, không được lấy lý do phòng dịch mà gây khó khăn.
UBND TP HCM, Hà Nội và các địa phương có cửa khẩu hàng không, cửa khẩu đường bộ quốc tế cần lựa chọn các địa điểm thuận lợi cho các chuyên gia, các nhà đầu tư, công nhân lành nghề vào Việt Nam, đảm bảo yêu cầu y tế nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu công việc.
Bộ Quốc phòng, UBND các địa phương tiếp tục chuẩn bị các khu cách ly tập trung, đáp ứng việc cách ly đối với người Việt Nam ở nước ngoài về nước; tiếp tục tăng cường giám sát, kiểm tra chặt chẽ biên giới đường bộ, nhất là đường mòn, lối mở.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước phối hợp thúc đẩy triển khai các gói hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do Covid-19, nhất là gói 62.000 tỷ đồng. Các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất Chính phủ sửa đổi các điều kiện để giúp doanh nghiệp tiếp cận được gói vay 16.000 tỷ đồng trả lương công nhân.
Bộ Tài chính đề xuất mức thu phí cách ly và hỗ trợ cho các lực lượng quân đội, nhân viên y tế đảm bảo động viên lực lượng này làm việc./.
VOV