Thủ tướng: "Chúng ta không được vấp ngã để kinh tế tụt dốc"
Chiều 19/1, tại cuộc họp với Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia và Tổ tư vấn kinh tế, Thủ tướng cho rằng, con đường phía trước không chỉ là con đường cao tốc mà còn phải gặp những "ổ gà", "ổ trâu" trong quá trình phát triển. "Chúng ta không được vấp ngã để kinh tế Việt Nam tụt dốc".
- 20-01-2021Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2025
- 20-01-2021NCIF: Việt Nam cần tìm 'lối thoát' trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu để tìm bạn hàng mới
- 19-01-2021Đại sứ EU: EVFTA là yếu tố giúp Việt Nam như ‘Hổ mọc thêm cánh’
2020 LÀ MỘT NĂM ĐẶC BIỆT
Mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Nhiệm vụ của Chính phủ là phải điều hành để đưa đất nước tiến bước, thực hiện cho được mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ họp vào ngày 25/1 tới. Chúng ta sẽ phấn đấu đến năm 2025 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
"Tại cuộc họp này, trong thời lượng cho phép, chúng tôi muốn nghe sự hiến kế góp phần hiện thực hóa các mục tiêu, tầm nhìn lớn của đất nước, trước hết trong năm 2021, một năm mà chúng ta phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép, đó là kiểm soát tốt dịch bệnh, đồng thời phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân", Thủ tướng nói.
Trong thời gian tới, chúng ta phải đi lên bằng cách nào với "đôi cánh" một bên là khát vọng cường thịnh, một bên là chính sách, cơ chế phát triển và đi liền với đó là công nghệ; "sức mạnh tinh thần của dân tộc cùng với những giải pháp chỉ đạo, điều hành của các cơ quan với sự tham mưu của nhiều đồng chí có kinh nghiệm để đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước".
Phát biểu tại cuộc họp, các chuyên gia đều cho rằng năm 2020 là năm đặc biệt, đầy thách thức. Tuy nhiên, chúng ta vượt qua thách thức một cách thành công. Theo TS. Võ Trí Thành, nếu năm 2020 là năm "vượt khó" thì năm 2021, từ "phục hồi" được nhắc đến nhiều, mặc dù sự phục hồi này không đồng đều trên thế giới. Và sự phục hồi này còn bất định và nhiều rủi ro. Do đó, phải có thể chế ứng phó nhanh, hiệu quả với các cú sốc bên ngoài.
Nhìn lại năm 2020, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại cho rằng, Chính phủ đã hành động quyết liệt, quyết đoán, qua đó, kiểm soát được dịch bệnh, góp phần thúc đẩy kinh tế. Trong điều kiện ngân sách khó khăn, Chính phủ đã chấp nhận thâm hụt thêm để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.
"Đúng là năm 2020 là năm đặc biệt nên tôi cho rằng cần đánh giá sâu hơn nữa về các bài học", TS. Trần Đình Thiên nói. Thành tựu của năm 2020 là dựa trên nền tảng của 3 năm trước đó, "chúng ta đã làm tốt việc ổn định và khôi phục tăng trưởng, nếu không có kết quả của 3 năm trước thì sự ổn định của năm 2020 rất khó". Chính phủ đã rất coi trọng, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, nhờ đó, giúp cho tăng trưởng.
Theo ông Thiên, việc chuyển sang trạng thái bình thường mới chính là việc chuyển đổi sang nền kinh tế số, "bình thường mới là chuyển sang cấu trúc mới, ở đó, kinh tế số được đẩy mạnh". Do đó, nên dành một phần nguồn lực của Nhà nước cho đổi mới sáng tạo hơn nữa. Cạnh tranh với thế giới là cạnh tranh về cấu trúc thể chế hiện đại, cần tiếp tục đổi mới thể chế.
Theo ý kiến của một số chuyên gia, tình hình năm 2021 chỉ khả quan khi dịch bệnh được kiểm soát. Do đó, giải pháp được chia thành 2 nhóm mà thứ nhất là phòng chống dịch bệnh và nhóm thứ 2 là các giải pháp khác, như kích thích xuất khẩu và tiêu dùng nội địa phải coi là động lực tăng trưởng. Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công. Thời gian qua, đầu tư công đã có tác động lan tỏa, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển.
Theo TS. Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ngay từ sớm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất kiên quyết gia tăng đầu tư công, bù lại khoản đầu tư tư nhân bị yếu đi. Điều này rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, khi nền kinh tế phục hồi thì áp lực lạm phát sẽ gia tăng, cần hết sức lưu ý vấn đề này.
TS. Nguyễn Xuân Thành, Trường Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, mức tăng trưởng kinh tế năm 2020 hoàn toàn đến từ cải thiện năng suất, mà chủ yếu là do chuyển đổi số, tối ưu hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chia sẻ băn khoăn về áp lực lạm phát, ông kiến nghị, phải tiếp tục duy trì ổn định vĩ mô; thúc đẩy phục hồi tiêu dùng dân cư, đầu tư tư nhân; tiếp tục gia cố thêm chính sách, không đảo chiều chính sách.
Theo TS. Cấn Văn Lực, có 4 bài học kinh nghiệm rút ra từ năm 2020: Phản ứng nhanh và quyết liệt; các quyết sách tương đối đúng và trúng; văn hóa dân tộc được phát huy, nhất là tinh thần tương thân, tương ái trong lúc nguy nan; truyền thông.
Góp ý về giải pháp thời gian tới, TS. Cấn Văn Lực nêu ra 5 vấn đề: Phục hồi kinh tế theo hướng xanh; Tuần hoàn kép nhằm tận dụng tối đa những gì hội nhập quốc tế mang lại, gọi là tuần hoàn quốc tế và tuần hoàn thị trường nội địa; Thể chế cần tập trung vào đổi mới sáng tạo, tăng năng suất, kinh tế số, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc và khâu thực thi phải tốt hơn; Cơ hội vàng tái cơ cấu lại nền kinh tế để phân bổ nguồn lực tốt hơn; Tiếp tục các gói hỗ trợ.
Cùng quan điểm, TS. Trần Du Lịch cho rằng, cần tiếp tục gói hỗ trợ. Năm 2021, động lực tăng trưởng tiếp tục tập trung vào "cỗ xe tam mã": Xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng. Nhấn mạnh vấn đề đổi mới thể chế, giải quyết các chồng chéo, TS. Trần Du Lịch hoan nghênh Thủ tướng đã ban ký ban hành Nghị định 148 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai có hiệu lực từ 8/2/2021 trong đó, gỡ vướng về vấn đề đất công nằm xen cài trong các dự án. Hàng trăm doanh nghiệp Tp.HCM vỗ tay hoan nghênh nghị định mà khi có hiệu lực, thị trường bất động sản sẽ được khai thông, TS. Trần Du Lịch cho biết.
"NẾU NỖ LỰC CHÚNG TA SẼ LÀM TỐT HƠN NỮA"
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, chúng ta đã chuẩn bị cho một nền tảng quan trọng theo năm 2021 và 5 năm tới một cách căn bản, về năng lực sản xuất kinh doanh, về hệ thống kinh tế vĩ mô. Nhất là, người dân đã vào cuộc mạnh mẽ trước thử thách của dịch bệnh, có thể nói một dân tộc bừng lên sức sống mãnh liệt, đoàn kết thống nhất cao, ý chí khát vọng phát triển, đây chính là nền tảng rất quan trọng để chúng ta thổi luồng sinh khí mới trong phát triển thời gian tới, thực hiện các nhiệm vụ đặt ra cho năm 2021 và các năm tiếp theo.
Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan trong bối cảnh quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp.
Chúng ta chấp nhận sự thay đổi trong điều kiện mới, thay đổi cả thói quen, thậm chí phải thay đổi cả thể chế pháp luật phát triển về kinh tế. Nếu pháp luật tốt, hoàn thiện thì doanh nghiệp và người dân sẽ tăng cường, đầu tư đổi mới sáng tạo, thực hiện tốt khát vọng phát triển.
Nhấn mạnh một số tồn tại, Thủ tướng nêu rõ, cần lưu ý các bài học đề phòng lạm phát, nợ xấu. Chất lượng tăng trưởng có cải thiện nhưng còn nhiều điểm hạn chế, "nếu nỗ lực, chúng ta sẽ làm tốt hơn nữa".
Chúng ta vẫn chưa có một số cơ chế đủ mạnh để khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thực sự là động lực nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Môi trường đầu tư-kinh doanh có nhiều cải thiện nhưng còn nhiều rào cản, nhất là vẫn còn tình trạng tham nhũng vặt... Thu hút đầu tư nước ngoài đóng góp tích cực cho nền kinh tế nhưng sự liên kết giữa khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước còn lỏng lẻo, tỷ lệ nội địa hóa thấp, nhất là đối với ngành công nghiệp ôtô, điện tử…
Thủ tướng nêu rõ, thời gian tới, Chính phủ phải làm nhiều việc, nhất là thực hiện mạnh mẽ các đột phá chiến lược. Cải cách hành chính, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia và thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển bền vững là những trọng tâm. Đặc biệt, chuyển đổi số quốc gia là con đường tất yếu.
"Các đồng chí cần phát hiện, đề xuất các chính sách để thu hút phát triển, tháo gỡ vướng mắc", Thủ tướng đề nghị.
Tổ tư vấn và Hội đồng Chính sách tiền tệ quốc gia cần theo dõi sát diễn biến kinh tế trong và ngoài nước, phát hiện những vấn đề mới phát sinh để kịp thời tư vấn với Thủ tướng về những cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp trước tình hình mới.
VnEconomy