Thủ tướng: Đất nước có phát triển nhưng bình quân đầu người thấp thì chưa thể tự hào!
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh cần bổ sung thêm động năng mới cho tăng trưởng trong 2 quý còn lại cũng như năm 2019 sắp đến và nhấn mạnh "bây giờ không chuẩn bị thì không chạy kịp".
- 02-07-2018Bộ trưởng Công thương: Ngành chế biến chế tạo không còn dựa hoàn toàn vào smartphone
- 02-07-2018Nghị quyết Quốc hội về quản lý vốn, tài sản tại doanh nghiệp nhà nước
- 02-07-2018Kinh tế quý 2/2018 qua các con số
Dẹp bỏ việc "bắn chỉ thiên"
Kết luận Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương chiều ngày 2/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh một lần nữa quyết tâm thực hiện đạt các mục tiêu tăng trưởng. Ông nói rằng không được lơ là, chủ quan, đặc biệt trong bối cảnh động năng tăng trưởng đang giảm đi.
"Đất nước có phát triển nhiều mặt nhưng thu nhập bình quân đầu người tính trên GDP còn thấp như vậy, chưa phải là tự hào của người lãnh đạo. Phải trăn trở điều này để chúng ta đào sâu suy nghĩ, tìm giải pháp mới", Thủ tướng bộc bạch.
Theo đó, Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh việc làm rõ trách nhiệm cá nhân của các bộ trưởng, chủ tịch tỉnh, tập đoàn, tư lệnh ngành, lĩnh vực trong việc bảo đảm tăng trưởng, bởi "ngành anh, đơn vị anh được giao sản lượng như vậy mà không hoàn thành thì có còn làm chủ tịch tập đoàn nữa không. Mình cứ nói chung chung, bắn chỉ thiên lên trời, còn trách nhiệm cá nhân không cụ thể rõ thì làm sao làm được".
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần về thể chế, chính sách trong chỉ đạo, điều hành là đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì những gì đang cản trở người dân bỏ vốn ra đầu tư kinh doanh, những gì đang cản trở sức sản xuất thì cần phải dỡ bỏ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Bắt buộc phải cắt giảm điều kiện kinh doanh
Theo Thủ tướng, có 4 nguyên nhân dẫn tới sự trì trệ của đất nước. Đó là chưa tuân thủ đúng tinh thần kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kỷ cương phép nước chưa nghiêm, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm còn xảy ra trầm trọng, kéo dài, bệnh quan liêu, xa dân.
Ông đề nghị tiếp tục hủy bỏ những điều kiện kinh doanh vô lý, không cần thiết với tiến độ nhanh hơn, phát hiện và ngăn chặn nguy cơ xuất hiện những điều kiện kinh doanh mới, núp bóng ở những thể chế, chính sách pháp luật mới ban hành, nhất là từ cấp bộ. Nền kinh tế cần lấy mục tiêu hiệu quả làm đầu, cả doanh nghiệp Nhà nước và dân doanh cần chú ý điều này.
Môi trường kinh doanh cần được cải thiện mạnh hơn với nguyên tắc bình đẳng, an toàn, minh bạch và giảm chi phí. Cần cải thiện mạnh mẽ hơn nữa hiệu quả và hiệu lực quản lý Nhà nước nhờ sự trợ giúp của công nghệ thông tin và công tác đánh giá cán bộ. Tránh tình trạng "cán bộ mà cứ ôm vào mình quyền lợi không chính đáng".
Hai năm gần đây, Thủ tướng đánh giá môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện nhưng mức độ quyết liệt, cải cách thực chất chưa đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương. Sức ỳ của cải cách đã xuất hiện và ngày càng lớn.
Thủ tướng nêu rõ, không thể để tình trạng không làm cũng không sao hoặc làm không tốt cũng không sao. Chúng ta không thể dung túng cho sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm, không cần nỗ lực của cán bộ. Cần cơ chế đánh giá cán bộ tốt hơn, công bằng hơn.
Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh nhưng đến hết quý II/2018, có 378/5.700 điều kiện kinh doanh được thực sự bãi bỏ, sửa đổi, đơn giản hóa, tức chỉ hơn 13%.
Mặc dù ngày 31/10/2018 là thời hạn Chính phủ yêu cầu ban hành đủ các nghị định về cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh hiện có nhưng đến nay mới có Bộ Công Thương có nghị định và Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình dự thảo nghị định. Còn các bộ, ngành khác đang xây dựng hoặc chưa xây dựng. Yêu cầu cắt giảm 50% danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành trong năm 2018 nhưng các bộ chưa quyết liệt triển khai, kết quả còn rất hạn chế.
"Vẫn còn thời gian để các đồng chí khắc phục", Thủ tướng nêu rõ.
Do vậy, Thủ tướng yêu cầu các bộ cần khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trước ngày 15/8/2018 để bảo đảm thời hạn. Nội dung sửa đổi phải bảo đảm cắt bỏ thực chất quy định về điều kiện kinh doanh, phải rõ ràng, tránh tình trạng có thể hiểu và thực thi theo nhiều cách mà phần đúng luôn thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước, còn phần sai do doanh nghiệp, người dân.