Thủ tướng hoan nghênh Bộ Công Thương, EVN giảm giá điện 10%
Chiều ngày 1/4, phát biểu kết luận phiên họp thường kỳ Chính phủ, Thủ tướng đã hoan nghênh việc Bộ Công Thương, EVN giảm giá điện 10% với tổng số tiền khoảng 11.000 tỷ đồng.
Trong phát biểu kết luận, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “sắp tới phải làm quyết liệt hơn nữa, làm sao trong 15-20 ngày tới, có thể trong vòng 1 tháng, không để dịch Covid-19 bùng nổ nặng nề ở Việt Nam. Muốn như vậy, cả hệ thống chính trị phải đoàn kết, muôn người như một, quyết tâm cao”.
Thủ tướng nêu rõ gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ phải đúng thẩm quyền, như lĩnh vực nào thuộc thẩm quyền Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vấn đề nào cần xin ý kiến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Không bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ chưa thực sự cấp thiết; giám sát chặt chẽ việc quản lý và sử dụng vốn vay, đặc biệt là nguồn vay từ các nhà tài trợ phục vụ công tác chống dịch COVID-19.
Về nông nghiệp, Thủ tướng nêu rõ trong thời gian dịch bệnh, an ninh lương thực, bảo đảm lương thực hằng ngày phục vụ cho người dân cần đặt lên hàng đầu. Xuất khẩu lương thực phải có sự kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm trong nước không thiếu lương thực, đồng thời giải quyết vấn đề giá cả cho người nông dân.
Về công nghiệp và xây dựng, Bộ Công Thương tập trung thúc đẩy, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án công nghiệp quy mô lớn. Phát triển mạnh mẽ thị trường thương mại trong nước; mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống phân phối, bán lẻ, không vì kiềm chế lây lan dịch bệnh mà "ngăn sông, cấm chợ", những hành vi vi phạm phải xử lý nghiêm khắc.
Về các lĩnh vực văn hóa, xã hội, đẩy mạnh hình thức học trực tuyến và sớm công nhận loại hình đào tạo này; đồng thời thông qua phương án giảm thiểu chương trình học năm nay phù hợp với tình hình thực tế dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Bộ Giáo dục và Đào tạo có phương án báo cáo Thủ tướng, Chính phủ về vấn đề này, trong đó có việc nghiên cứu, đề xuất phương án thi THPT quốc gia, tuyển sinh đại học, cao đẳng phù hợp.
Về thông tin và truyền thông, các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về phòng chống dịch COVID-19 và các biện pháp ứng phó dịch. Cùng với cập nhật diễn biến của dịch, cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền cổ vũ việc thực hiện các nhiệm vụ KT-XH, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tạo đồng thuận xã hội.
Về gói hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng nêu rõ Chính phủ thống nhất cao dự thảo Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan rà soát kỹ, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình Thủ tướng ký ban hành theo thẩm quyển.
Thủ tướng nêu rõ nguyên tắc hỗ trợ: Hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19. Không hỗ trợ dàn trải mọi đối tượng. Bảo đảm nguyên tắc cả người lao động, doanh nghiệp và Chính phủ cùng chia sẻ khó khăn, trong đó Chính phủ hỗ trợ một phần với mức phù hợp trong khả năng, nguồn lực. Việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.
Về nội dung hỗ trợ, Thủ tướng đề nghị tính toán việc hỗ trợ 6 nhóm đối tượng trong 3 tháng với các mức nêu trong dự thảo Nghị quyết chặt chẽ hơn nhưng phải đúng nguyên tắc hỗ trợ nêu trên.
Nêu rõ vai trò của doanh nghiệp trong việc hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng đề cập đến việc giảm giá điện, nước, dịch vụ internet, viễn thông, giảm ít nhất việc thải hồi người lao động.
Thủ tướng hoan nghênh việc Bộ Công Thương, EVN giảm giá điện 10% với tổng số tiền khoảng 11.000 tỷ đồng. Tổng giá trị của gói hỗ trợ giá dịch vụ viễn thông vào khoảng 15.000 tỷ đồng.
Tại phiên họp, Chính phủ cũng thảo luận về các giải pháp phát triển nhà ở xã hội, dự thảo Nghị định gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất.