Thủ tướng: Hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược
Ngày 25/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3 để cho ý kiến vào một số dự án luật và đề nghị xây dựng luật.
- 24-03-2024Thủ tướng: Tạo cơ hội cho doanh nghiệp, "không để doanh nghiệp đến xin, đến kêu thì mới làm"
- 24-03-2024Thủ tướng chỉ rõ '1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh' trong thực hiện Quy hoạch tỉnh Tiền Giang
- 24-03-2024Thủ tướng dự Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Tiền Giang
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng cho biết hoàn thiện thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác xây dựng , ban hành pháp luật ngày càng được thực hiện bài bản, khoa học, chuyên nghiệp, đổi mới và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, trong quá trình phát triển vẫn còn nhiều vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế cần được tháo gỡ để khơi thông nguồn lực cho phát triển.
Với tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ tập trung trí tuệ, tiếp tục tinh thần đổi mới; trình bày báo cáo, phát biểu ý kiến ngắn gọn, rõ ý, đi thẳng vào vấn đề; tập trung trao đổi về các vấn đề nội dung mới, còn "vướng", quan trọng, còn ý kiến khác nhau cần thảo luận, xin ý kiến Chính phủ.
Theo chương trình, tại phiên họp, Chính phủ sẽ cho ý kiến vào những nội dung, gồm: Dự án Luật Phòng cháy , chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (sửa đổi); Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản; Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội thí điểm phân cấp việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An.
Đối với Luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ, thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thi hành luật cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Một số quy định về PCCC không còn phù hợp với thực tế cần được sửa đổi, như việc thực hiện yêu cầu khu dân cư phải có các quy định, nội quy về phòng cháy, chữa cháy; bãi bỏ các quy định về điều kiện an toàn PCCC đối với các công trình đặc thù do hiện nay đã ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật để áp dụng trực tiếp...
Ngoài ra, hiện nay các loại hình cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC thường xuyên thay đổi, phát sinh mới dẫn đến không quy định bao quát hết. Do đó cần bổ sung các quy định để quản lý chặt chẽ đối với các loại hình nhà ở, nhà sử dụng để ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh, về sử dụng điện, sử dụng nguồn lửa và các chất dễ cháy, nổ; quy định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động trong Luật PCCC cần rà soát điều chỉnh cho thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Tiền phong