MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ thực hiện lời hứa công bố nguyên nhân cá chết vào chiều nay

Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra khi mở đầu phiên họp trực tuyến Chính phủ chiều ngày 30/6.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết GDP quý II ước đạt 5,55%, mặc dù cao hơn mức tăng của quý I là 5,48% nhưng lại tăng thấp hơn cùng kỳ.

Thủ tướng đặt câu hỏi: "Nguyên nhân nào có tình trạng trên, có phải do nông nghiệp bị hạn hán, đồng bằng sông Cửu Long giảm sản lượng gạo và tăng trưởng âm của nông nghiệp?".

Sốt ruột tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ

Trong khi đó, mặc dù thu ngân sách địa phương đạt cao, nhưng ngân sách trung ương đạt thấp do giá dầu thấp, dẫn đến bội chi ngân sách, gặp nhiều khó khăn trong điều hành tài chính ngân sách. Do đó, Thủ tướng cho rằng để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,67% như nghị quyết Quốc hội đề ra là thách thức to lớn.

Bên cạnh các vấn đề liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhắc đến vấn đề công bố nguyên nhân cá chết. Theo đó, Thủ tướng cho biết trước khi buổi họp báo công bố nguyên nhân cá chết diễn ra, các thành viên Chính phủ liên quan sẽ báo cáo về vấn đề này trong buổi họp trực tuyến.

“Đúng như lời hứa, chiều nay Chính phủ sẽ công bố kết luận về nguyên nhân và giải pháp khắc phục cá chết. Sự cố môi trường nghiêm trọng này được nhân dân rất quan tâm" - Thủ tướng khẳng định.

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm nền kinh tế phục hồi chậm, khi tốc độ tăng GDP thấp hơn nhiều, nông lâm ngư nghiệp tăng trưởng và để lại hậu quả cho vụ mùa sau. Lạm phát được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ, sự kiện Brexit có ảnh hưởng nhất định đến thị trường chứng khoán và giá vàng...

Lạm phát tiềm ẩn nguy cơ

Theo Bộ trưởng, diễn biến thế giới được dự báo tiếp tục khó lường. Trong nước, lạm phát được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ, nhiều yếu tố đầu vào và tổng cầu sẽ gây áp lực trong thời gian tới, có khả năng lạm phát sẽ ở mức cao hơn so với Quốc hội đề ra.

Tăng trưởng GDP đã có dấu hiệu chững lại, không cải thiện nhiều. Việc tăng trưởng kinh tế suy giảm sẽ ảnh hưởng chỉ tiêu bội chi, nợ công, nên có thể sẽ vượt trần cho phép vào cuối năm. Từ nay đến cuối năm, tăng trưởng phải đạt 7,6% thì mới đạt mục tiêu đề ra, theo Bộ trưởng là mức tăng trưởng khá cao, đặc biệt trong bối cảnh không còn dư địa cho nới lỏng chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng nếu các ngành các cấp nỗ lực, vượt qua khó khăn thì trong 6 tháng cuối năm, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng nhóm công nghiệp chế biến chế tạo hiện đang có xu hướng tăng trưởng tốt, các ngành lĩnh vực có nhiều tiềm năng như xây dựng, dịch vụ, du lịch... thì có khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra.

Chưa cần tính đến chuyện khai thác thêm 2 triệu tấn dầu thô

Với đề xuất khai thác dầu thô, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị cân nhắc thận trọng và chưa nên tính đến giải pháp này. Cần chú trọng nhiều hơn giải pháp kích cầu, kích thích sản xuất vốn mang lại hiệu quả cao hơn và bền vững hơn là giải pháp khai thác dầu thô.

Trong khi đó, Thủ tướng đặc biệt chú trọng đến vấn đề tạo thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân theo tinh thần của Nghị quyết 35. Thủ tướng đặt câu hỏi: Vừa qua ta đưa ra chủ trương tạo điều kiện môi trường đầu tư kinh doanh, liệu đã vào cuộc sống chưa?

"Chủ trương Nghị quyết 35 của Chính phủ đã được các chính quyền nhận thức và hành động đến đâu? Có biện pháp nào để bù đắp, tạo thuận lợi cho người khởi nghiệp, bộ máy của chúng ta đã thực sự tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, để có điều kiện thúc đẩy sản xuất và tạo việc làm hay chưa? Ta rút ra kinh nghiệm gì trong điều hành và quản lý kinh tế xã hội, quản lý đất nước?" - Thủ tướng đặt câu hỏi.

Theo đó, để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất và kinh doanh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư đã đưa ra các nhóm giải pháp cụ thể.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên