MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng: Khát vọng Việt Nam hùng cường vào năm 2045 là thực tế

Thủ tướng chỉ rõ, khát vọng một Việt Nam thịnh vượng, hùng cường vào năm 2045 là một thực tế, không phải tinh thần viển vông...

Có mặt tại Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện Nghị quyết 01 và 02 năm 2020 của Chính phủ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức chiều 9/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những tiến bộ rõ nét, tư duy đổi mới của ngành kế hoạch và đầu tư. 

Phải tìm người tài giỏi cho bộ máy chính quyền

Thủ tướng nhắc lại những con số mang dấu ấn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong năm 2019 đóng góp vào thành công chung của đất nước.

Môi trường kinh doanh được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 10 bậc theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Nhờ chính sách đúng đắn, sáng tạo, Chính phủ đã kiên định trong chỉ đạo, điều hành, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hướng vào sản xuất kinh doanh để tạo tiền đề cho phát triển.

Năm qua, ổn định vĩ mô, lĩnh vực xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội, giáo dục, thể thao văn hoá, khoa học công nghệ… đều phát triển và nâng cao.

Thủ tướng cũng đánh giá chất lượng tăng trưởng ngày càng tốt hơn, thể hiện rõ ở năng suất lao động. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tốt, thu ngân sách tăng, lần đầu tiên 100% các địa phương đều vượt thu.

Thu hút vốn FDI cũng đạt kỷ lục ở mức 38 tỷ USD, tỷ lệ giải ngân vốn cao. Trong khi đó, số doanh nghiệp thành lập mới cũng đạt 138.000, đưa tổng số doanh nghiệp lên mức 780.000. Nhờ vậy, tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2019 đã tăng 10,2% so với năm 2018 và bằng 34% GDP.

"Vốn đầu tư toàn xã hội thể hiện chính là sức dân. Người dân phải có niềm tin thì mới đầu tư như thế. Do đó, phải giải phóng nguồn lực, tận dụng sức dân. Phải bảo vệ quyền công dân, quyền đầu tư - kinh doanh, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng nêu hàng loạt vướng mắc, khó khăn và tồn tại mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần khắc phục, trong đó cần nhanh chóng triển khai Luật Đầu tư để giải quyết các vướng mắc về thể chế, thực hiện; Xây dựng một số luật vẫn còn vướng mắc, cần nhanh chóng hoàn thiện.

Vẫn còn bóng dáng của ban phát, giao vốn làm nhiều lần, gây khó khăn cho các ngành, địa phương. Quản lý đấu thầu đầu tư công còn quá phức tạp, dấu hiệu tham nhũng trong đấu thầu vẫn còn, "Tôi nhận được thông tin của địa phương về việc huỷ đấu thầu vô căn cứ, vô tội vạ", Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh, công tác với các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế. Phải tháo gỡ, kịp thời hơn nữa cho doanh nghiệp, gấp rút phát hành sách trắng cho doanh nghiệp trong quý 1/2020, sách trắng phải công khai.

Đồng thời, phải giảm biên chế mạnh mẽ, tìm người tài cho bộ máy chính quyền, bộ ngành.

Tính tự lực, tự chủ đối với nền kinh tế còn nhiều hạn chế, nội địa hoá vẫn còn nhiều thách thức. Thể chế chưa đáp ứng được nhu cầu trong Cách mạng công nghiệp 4.0.

"Thế giới đi nhanh và không chờ chúng ta, chúng ta đi chậm hơn thì năng suất chất lượng cạnh tranh của Việt Nam sẽ chậm hơn. Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư không chỉ hoạch định những chính sách mà còn phải triển khai ra sao…", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng: Khát vọng Việt Nam hùng cường vào năm 2045 là thực tế - Ảnh 1.

Thủ tướng thăm Trung tâm điều hành của Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Ảnh: VGP.


Khát vọng Việt Nam hùng cường vào năm 2045 là thực tế

Nêu một gợi ý chiến lược cần lời giải của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng chỉ rõ, khát vọng một Việt Nam thịnh vượng, hùng cường vào năm 2045 là một thực tế, không phải tinh thần viển vông, "không ai khác hơn, chính Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải trực tiếp tham mưu, hiến kế, hoạch định chiến lược, lộ trình để biến khát vọng đó thành hiện thực".

Tình hình thế giới những ngày gần đây diễn biến phức tạp, khó lường. Đây cũng là cơ hội nếu Việt Nam giữ được ổn định chính trị xã hội. Vậy chúng ta cần làm gì để biến điều này thành lợi thế nổi trội trong thu hút dòng vốn đầu tư có chất lượng?

Thủ tướng đặt vấn đề, cần làm gì để tận dụng cách mạng công nghiệp 4.0, cần khuyến nghị chính sách hỗ trợ với các địa phương như thế nào để các địa phương thực sự xem cách mạng 4.0, kinh tế số là nền tảng, động lực để chuyển đổi cơ cấu và phát triển nhanh bền vững.

Mặc dù nhiều nút thắt được tháo gỡ, một số động lực đã được khơi thông nhưng nhìn chung, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam còn yếu, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhiều nút thắt vẫn chưa được khơi thông.

Thủ tướng đề nghị năm 2020, cần phải tháo gỡ được một số nút thắt lớn để khơi thông các động lực cho địa phương, cho nền kinh tế. "Cần tiếp tục phân cấp, phân quyền, công khai, minh bạch, giao cho Chủ tịch tỉnh, Bộ trưởng tự lo, các đồng chí không cần ôm giữ những việc không cần thiết, các đồng chí làm tổng hợp, làm chính sách pháp luật, kiểm tra và đôn đốc thực hiện chủ trương lớn".

Nhiều vấn đề về văn hóa xã hội nổi lên, có thể kìm hãm phát triển bền vững trong dài hạn. Vấn đề nhân khẩu học, già hóa dân số với tốc độ nhanh chóng tạo áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội, chưa giàu đã già. Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải suy nghĩ vấn đề này.

"Bộ Kế hoạch và Đầu tư đóng vai trò như một nhà toán học, phải xung phong đi đầu trong việc giải bài toán lớn, có đầu bài khó về phát triển đất nước, nhất là khơi thông nguồn lực, khơi thông điểm nghẽn, nâng cao tính hiệu quả trong điều hành", Thủ tướng nói.

Năm 2020 có vị trí đặc biệt quan trọng, tuyệt đối không được tự mãn, lơ là, chủ quan. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần hiến kế làm sao để các mục tiêu kinh tế-xã hội 2020 sớm về đích, làm sao để có thể tạo ra bứt phá hơn nữa ở các khâu, các cấp, các ngành, đặc biệt các địa phương để đưa nhanh chóng Nghị quyết 01, 02 và nhiều nghị quyết khác của Chính phủ về đích sớm trong năm 2020.

Theo Kiều Linh

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên