MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng: Khó khăn gấp đôi thì cần nỗ lực gấp ba

Thủ tướng nhấn mạnh, nếu khó khăn tăng gấp đôi vì Covid-19 thì toàn hệ thống phải nỗ lực gấp ba.

Sáng nay 10/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về ứng phó Covid-19. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là hội nghị 4 trong 1, hay có thể gọi là hội nghị tất cả trong 1, nhằm huy động tổng lực các nguồn lực đất nước với một khí thế quyết tâm, tinh thần yêu nước quật cường của nhân dân Việt Nam để chiến thắng dịch bệnh Covid-19 và đưa đất nước vượt qua khó khăn hiện nay.

Bốn nội dung quan trọng của hội nghị gồm: tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, xử lý vấn đề an sinh xã hội và đảm bảo an ninh trật tự.

Thủ tướng: Khó khăn gấp đôi thì cần nỗ lực gấp ba - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.


Đối với các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, cho biết: "Đã đề xuất với Chính phủ để đề xuất với Quốc hội tại kỳ họp tới đây quyết định thực hiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ từ 1/7/2020, theo lộ trình ban đầu là thực hiện áp dụng từ 1/1/2021. Theo đó dự kiến áp dụng thuế suất từ 15-17% tùy thuộc vào quy mô doanh thu và số lượng lao động của doanh nghiệp. Đồng thời cho phép miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong hai năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh. Trường hợp thực hiện từ ngày 1/7/2020 thì dự kiến có khoảng 700 nghìn doanh nghiệp, chiếm khoảng 93% tổng số doanh nghiệp cả nước được hưởng lợi, trong đó giảm nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước năm 2020 khoảng 7,8 nghìn tỷ đồng, nếu tính cả năm là 15,6 nghìn tỷ đồng".

Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Tài chính đã nêu các biện pháp hỗ trợ về tài khóa đối với doanh nghiệp và người dân, các biện pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; Ngân hàng Nhà nước báo cáo về việc triển khai các gói tín dụng ưu đãi; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội báo cáo biện pháp triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội trị giá 62.000 tỷ đồng; Bộ Công an báo cáo việc triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự.

Đối với giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đề nghị siết chặt kỷ cương kỷ luật trong chấp hành pháp luật về quản lý đầu tư, yêu cầu các chủ dự án, nhà thầu tập trung trang thiết bị để triển khai dự án ngay sau khi hoàn thành công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu và thực hiện giải ngân vốn đầu tư theo quy định.

Trong thời điểm này, Bộ đề nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cần có quyết định bứt phá, áp dụng biện pháp khẩn cấp mà chúng ta đã có Nghị quyết và theo Luật Xây dưng, Luật Đầu tư công trong điều kiện không bình thường này. Cụ thể như hai đường băng của sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài, trong tình hình hiện nay, các nhà thầu xây dựng các đường băng này không nhiều thì có thể chỉ định luôn nhà thầu để triển khai. Trong quá trình đó có thể hoàn thiện hồ sơ chỉ định thầu, giao thầu, đồng thời là dự toán đơn giá...

Thủ tướng: Khó khăn gấp đôi thì cần nỗ lực gấp ba - Ảnh 2.

Toàn cảnh hội nghị trực tuyến toàn quốc về ứng phó Covid-19.


Đối với chính sách tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, tín dụng năm nay có thể tăng từ 900 nghìn đến 1,1 triệu tỷ đồng, đủ đáp ứng nhu cầu nền kinh tế. Lãi suất điều hành cũng đã giảm khá mạnh, từ 0,5 đến 1%:

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết: "Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với các TCTD thì các TCTD cũng đồng thuận rất cao để giảm 2% lãi suất cho vay đối với các khoản dư nợ hiện hữu cũng như các khoản cho vay mới. Kết quả triển khai thì cho đến nay, tổng số tiền cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và miễn giảm lãi, cho vay mới đã trên 300 nghìn tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo NHCSXH cơ cấu lại khoản nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với trên 40 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng 1.400 tỷ, cho vay mới đối với 275 nghìn khách hàng với doanh số khoảng 12.000 tỷ. Chúng tôi đang tổng hợp kiến nghị để báo cáo Thủ tướng xem xét giảm lãi suất đối với một số chương trình vay để giảm bớt khó khăn đối với các đối tượng chính sách".

Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương đều bày tỏ đồng tình cao với các giải pháp mà các bộ nêu ra, đồng thời thể hiện quyết tâm chính trị thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ trong phòng, chống Covid-19 cũng như các biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Từ thực tế Hà Nội, rất nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập gặp khó khăn và cho rằng đây cũng là tình trạng chung của các địa phương, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ nghiên cứu có hội nghị chuyên đề riêng về lĩnh vực giáo dục và đào tạo để tập trung giải quyết hai nội dung. Thứ nhất là cho ý kiến nhất quán, cập nhật về rút ngắn chương trình và về tổ chức học trực tuyến hiện nay, các điều kiện thi... Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có cố gắng, nhưng vẫn cần có thêm ý kiến thống nhất vì liên quan đến 25-26 triệu học sinh và giáo viên nước ta. Thứ hai là có biện pháp hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục, các giáo viên, nhất là các cơ sở giáo dục công lập đã thực hiện tự chủ tài chính thì hiện rất khó khăn do nguồn thu sụt giảm, đặc biệt lĩnh vực y tế và và giáo dục ngoài công lập. Riêng Hà Nội có khoảng 46 nghìn người bị ảnh hưởng của chính sách này nhưng lại chưa nằm trong chính sách hỗ trợ nào cho đến nay.

Trong khi đó, ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh bày tỏ cam kết quyết tâm chống dịch, nhưng cho biết gặp khó khăn do số người cách ly quá đông và đề nghị trung ương có sự hỗ trợ cho địa phương. Đánh giá cao Đảng, Nhà nước kịp thời có gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng và chính sách tài khóa.

Ông Phạm Viết Thanh, đề nghị: "Chính phủ đã ban hành gói hỗ trợ 62.000 tỷ và 180.000 tỷ, chúng tôi sẽ triển khai một cách chặt chẽ,  kịp thời, những không được xảy ra tình trạng chậm trễ hoặc có đối tượng đáng được hưởng mà không được hưởng. Chúng tôi đề nghị, chính sách của chúng ta là khả thi, mong các bộ, ngành khi xây dựng thông tư, hướng dẫn, làm sao các đối tượng không lọt qua các thông tư và hướng dẫn".

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, khó khăn gấp đôi do Covid-19 thì chúng ta phải nỗ lực gấp 3. Thủ tướng yêu cầu chung sức, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ và có quyết tâm rất cao trong phòng, chống dịch. Phải tập trung sức lực hơn nữa, tháo gỡ, chấm dứt tình trạng trì trệ, chậm trễ như diễn ra vừa qua ở một số địa phương, một số ngành.

Chính phủ sẽ trực tiếp giải quyết 91 kiến nghị mà các tỉnh, thành phố nêu ra tại Hội nghị, Thủ tướng lấy ví dụ về vấn đề xuất khẩu gạo của An Giang và khẳng định sẽ có văn bản trả lời về xuất khẩu gạo theo hướng kiểm soát để bảo đảm an ninh lương thực nhưng khuyến khích xuất khẩu để bảo đảm quyền lợi của người nông dân.

Ở nước ta, Thủ tướng cho biết, tác động của Covid-19 khiến GDP quý 1 chỉ tăng 3,82%. Tuy đây là mức tăng trưởng cao so với khu vực nhưng lại là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2011, nền kinh tế yếu cả cầu và cả cung. Có gần 30% số doanh nghiệp chỉ duy trì được hoạt động trong không quá 3 tháng, 50% số doanh nghiệp chỉ trụ được không quá 6 tháng do thiếu cả thị trường đầu vào và đầu ra.  Do đó, nếu không có biện pháp mạnh mẽ thì nền kinh tế dễ bị đổ gãy.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Chính vì vậy, có thể hội nghị này có thể gọi là hội nghị trực tuyến 4 trong 1, hay có thể gọi là tất cả trong 1, nhằm huy động tổng lực các nguồn lực đất nước với một khí thế quyết tâm, tinh thần yêu nước quật cường của nhân dân Việt Nam để chiến thắng dịch bệnh Covid-19; đồng thời cần nỗ lực vượt khó vươn lên trong sản xuất và đời sống, kể cả trong những năm tháng chiến tranh bom đạn cũng như tình hình dịch bệnh nguy hiểm hiện nay.

 Nhiệm vụ của chúng ta là đảm bảo thực hiện nghiêm túc các biện pháp, trước hết không để dịch lây lan, sớm khống chế dịch bệnh. Thách thức đặt ra không chỉ có vậy, chúng ta phải làm sao biến nguy thành cơ. Sau dịch Covid-19 phải làm sao để nền kinh tế tăng tốc, không chỉ bù những tổn thất rất to lớn do dịch mà còn thực hiện tầm nhìn và quyết tâm về một Việt Nam độc lập, tự cường. Trong lịch sử, Việt Nam chưa từng chùn bước trước khó khăn, luôn mạnh mẽ và đứng cao hơn thách thức nhờ khí phách dân tộc, sự quyết tâm, đồng thuận trên dưới một lòng. Điều này đã và cần được phát huy không chỉ trong chống Covid-19 mà ngay trong thời gian tới để khắc phục sự đổ gãy của nền kinh tế".

Tin tưởng một khí thế mới, quyết tâm mới trong giai đoạn sắp tới đây sẽ vượt khó đi lên, bảo đảm sản xuất, đời sống, ổn định xã hội để thực hiện mục tiêu kép, đó là đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh, quyết tâm của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, không chỉ trong chống Covid-19 mà nhiều tổ chức quốc tế như WB, ABD, FITCH đều nhận định lạc quan về tình hình và sự phục hồi của kinh tế Việt Nam. Hãng tín nhiệm Fitch vẫn xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB năm 2021 Việt Nam có thể tăng trưởng 7,3%. Do đó, các bộ, ngành cần nắm bắt, nghiên cứu những yếu tố nào khiến Fitch đánh giá tích cực về Việt Nam.

Nhấn mạnh, sự thích ứng là điều quan trọng để tồn tại, vượt qua khó khăn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, cần chuẩn bị các giải pháp để nền kinh tế, doanh nghiệp hiện đang bị “nén như chiếc lò xo” có thể bật lên ngay sau dịch. Tinh thần của Chính phủ là tập trung làm ngay các giải pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các cấp, ngành và địa phương. Những vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì sẽ báo cáo ngay Quốc hội sau hội nghị này.

Đối với tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, Thủ tướng cho biết, hiện có hai gói hỗ trợ, một là gói chính sách tiền tệ khoảng 300 nghìn tỷ đồng. Tinh thần là không để doanh nghiệp thiếu vốn tín dụng, không bắt doanh nghiệp trả nợ ngay, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh, tiếp tục giảm lãi suất cho vay cả khoản vay hiện có và vay mới.

Về chính sách tài khóa, Thủ tướng yêu cầu cần tập trung thực hiện hiệu quả kích cầu nội địa. Đây là biện pháp các nước áp dụng rất rộng rãi. Thủ tướng cho biết, Thủ tướng đã ký Nghị định số 41 về gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất. Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn triển khai Nghị định này. Gói giãn hoãn, giãn thuế tổng số tiền khoảng 180 nghìn tỷ đồng và sẽ có 98% số doanh nghiệp được hưởng lợi. Gói chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí được Bộ Tài chính dự kiến ban đầu khoảng 40.000 tỷ đồng.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần phải nắm bắt xu thế chuyển dịch vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, có những cải cách vượt trội về môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển để đóng góp vào mục tiêu chung của cả nước.

Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của các đầu tàu kinh tế, các vùng kinh tế trọng điểm, các tỉnh, thành phố lớn rất quan trọng. Trong khi Hải Phòng tăng gần 15% GDP trong quý 1 thì Hà Nội chỉ tăng trên 3,7%, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ tăng 1%.

"Đề nghị các đồng chí Bí thư, Chủ tịch các địa phương tập trung chỉ đạo, khắc phục khó khăn, nỗ lực cùng Chính phủ và cả nước thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội. Một câu hỏi đặt ra là tại sao nhiều địa phương tăng thấp như vậy mà có nhiều địa phương tăng trưởng cao hơn nhiều. Đồng thời chúng tôi nhấn mạnh vai trò của các thành phần doanh nghiệp góp phần giải quyết việc làm và tăng trưởng. Chúng ta cần có chương trình bảo vệ sự tồn tại của hệ thống doanh nghiệp của chúng ta, kể cả hợp tác xã"- Thủ tướng nói.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các bộ, ngành khẩn trương xây dựng các kịch bản để phục hồi, đưa nền kinh tế bật dậy nhanh sau dịch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tuần tới, nhất là địa bàn trọng điểm, ngành trọng điểm phải có trách nhiệm đóng góp vào vấn đề này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Văn phòng Chính phủ tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp để đưa vào nghị quyết của Chính phủ.

Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng nhấn mạnh, phải giải ngân hết vốn năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020 với tổng vốn gần 700 nghìn tỷ đồng. Chế tài đặt ra là kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu các ngành, địa phương không chịu giải ngân. Đến tháng 9 này nếu không giải ngân thì Chính phủ báo cáo Quốc hội để chuyển vốn sang dự án khác.

Đặc biệt, Chính phủ đưa ra chủ trương giải ngân các dự án trọng điểm, cấp bách đối với một số dự án giao thông như cao tốc Bắc-Nam phía Đông, Trung Lương mỹ Thuận- Cần Thơ, cảng sân bay Long Thành... Cần giao nhiệm vụ cụ thể và có chế tài xử lý nghiêm minh nếu triển khai chậm trễ.

Về triển khai gói hỗ trợ lao động, đảm bảo an sinh xã hội, trong lúc khó khăn, Đảng, Nhà nước và các cấp bố trí số tiền hơn 62.000 tỷ đồng để hỗ trợ các đối tượng khó khăn, những người thấp nghiệp do Covid-19. Nhấn mạnh vấn đề quan trọng là tổ chức thực hiện, Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có biện pháp triển khai gói hỗ trợ này đảm bảo chính xác và hiệu quả.

Đối với bảo đảm trật tự an toàn xã hội, trong lúc khó khăn, thất nghiệp, Thủ tướng yêu cầu Bộ công an và các cơ quan địa phương, nhất là các thành phố lớn có kế hoạch, phương án cụ thể đảm bảo an ninh trật tự, đặc biệt là có biện pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng trộm cắp, tội phạm hình sự phát sinh do thất nghiệp. Có biện pháp trấn áp hành vi chống phá của các thế lực thù địch lợi dụng lúc khó khăn, đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng./.

Thủ tướng: Khó khăn gấp đôi thì cần nỗ lực gấp ba - Ảnh 3.

Theo Vũ Dũng

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên