Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không phải nhà đầu tư ngoại mang cái gì đến cũng nhận!
"Phải chọn lọc" là một trong số những vấn đề được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh khi nhìn về tương lai thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Nhờ vào dòng vốn FDI, Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc. Khối FDI dần trở thành một cấu phần quan trọng của nền kinh tế,… là những quan điểm được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định là đúng đắn và nhất quán của đất nước.
Tuy nhiên, bức tranh không chỉ có màu hồng. Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết 30 năm FDI sáng nay, 4/10, Thủ tướng Phúc nói rằng công nghệ mà các tập đoàn nước ngoài sử dụng tại Việt Nam đang ở mức trung bình hoặc trung bình tiên tiến trong khu vực. "Chưa có nhiều tập đoàn dùng công nghệ cao hay đầu tư nghiên cứu tại đây còn ít", ông nói.
Sự liên kết, chuyển giao công nghệ, theo Thủ tướng, là chưa như kỳ vọng. Sản xuất tại Việt Nam chủ yếu là gia công, lắp ráp, tỷ lệ nội địa hoá thấp.
Bên cạnh đó, một số dự án có vốn nước ngoài đang tiêu tốn tài nguyên môi trường, kết cấu hạ tầng bất cập, một số trường hợp có hiện tượng chuyển giá, trốn thuế…
Những điều này đến từ hai phía, trong đó, có trách nhiệm của Việt Nam khi công tác quản lý thiếu chặt chẽ từ trung ương đến địa phương cũng như thiếu định hướng ở công tác thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có chất lượng cao.
"Nhà đầu tư mang vốn đến là điều đáng quý, nhưng có tận dụng được nguồn lực này hay không là trách nhiệm của chúng ta", Thủ tướng nhận xét. Do vậy, ông cho rằng cần có những giải pháp tổng thể ở giai đoạn tiếp theo của thu hút FDI.
Việt Nam theo đó sẽ thực hiện chính sách FDI với nội hàm mở rộng hơn. Điều này hàm nghĩa quốc gia hơn 90 triệu dân này không chỉ tập trung thu hút FDI mà còn phải quản lý, đầu tư, cao hơn là mua bán, sáp nhập ngược lại các doanh nghiệp nước ngoài.
Cần có sự lựa chọn, chọn lọc, Thủ tướng Phúc nêu quan điểm và nhấn mạnh "Không phải họ mang cái gì đến cũng nhận lấy".
Sự hợp tác giữa khu vực trong nước và FDI cũng được Thủ tướng nhắc đến. Theo đó, cần hình thành cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị, từng bước tham gia vào các công đoạn cao hơn, nâng cao giá trị gia tăng, đảm bảo hiệu quả.
Những hành động này sẽ là phương thức để đất nước thoát khỏi "kiếp" gia công, lắp ráp trong nhiều chục năm qua.
Lợi ích cũng sẽ được nâng đồng thời cho nhà đầu tư, nhà nước và cộng đồng kinh tế Việt Nam nói chung, đặc biệt trong bối cảnh khu vực kinh tế thế giới đang có nhiều biến động đan xen.
Với những quan điểm này, Thủ tướng yêu cầu các ban ngành tập trung vào một số nhiệm vụ. Theo đó, các cơ quan chức năng cần đảm bảo có được những biện pháp đồng bộ về kinh tế xã hội, phát triển mạnh mẽ hơn hạ tầng, nhân lực chất lượng cao.
"Điều mà các nhà đầu tư luôn cần đến môi trường chính trị, xã hội được ổn định", Thủ tướng nói.
Mặt khác, Thủ tướng yêu cầu cần hoàn thiện các khung pháp luật, tương thích với quy định, cam kết, chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là với các FTA thế hệ mới.
Việt Nam cũng khuyến khích các doanh nghiệp trong nước liên doanh, liên kết mua lại công nghệ cao của doanh nghiệp nước ngoài. "Cần chủ động mua lại, tiếp tục kênh phân phối", Thủ tướng nói.
Các chính sách ưu đãi đầu tư, giám sát doanh nghiệp FDI cũng cần được lưu ý, theo Thủ tướng. Bởi chỉ có làm như vậy, Việt Nam mới buộc các doanh nghiệp nước ngoài thực hiện đúng cam kết sau khi thụ hưởng những ưu đãi…
Dù vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại, nhưng Thủ tướng khẳng định Việt Nam rất tự tin trong việc thu hút đầu tư nước ngoài với cam kết, môi trường kinh doanh trong nước đầy hấp dẫn và đang dần tiệm cận với quốc tế.