Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Kiên quyết tinh giản biên chế
Đối với hệ thống hành chính nhà nước sẽ giảm 1,5% (tương ứng với 3.868 người) trong tổng biên chế theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ”.
- 20-10-2016Thủ tướng Chính phủ phê duyệt biên chế công chức năm 2017
- 19-10-2016Hà Nội giảm 26 trưởng phòng sau tinh giản biên chế
- 14-10-2016Tăng lương cho cán bộ, công chức phải gắn với tinh giản biên chế
Sáng 20/10, báo cáo Quốc hội về tình hình KT-XH năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017, đề cập vấn đề hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thời gian vừa qua đã xây dựng, trình Qốc hội 20 dự án luật, Pháp lệnh; ban hành 103 Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành pháp luật.
Cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh. Các địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông, góp phần nâng cao tính công khai minh bạch, giảm thời gian, tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó là khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy, đổi mới quy chế làm việc; ban hành Chỉ thị tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
“Tổng kết 10 năm thực hiện, xây dựng dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Nghiêm túc triển khai các kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Bên cạnh việc ban hành Chỉ thị tăng cường phát hiện, xử lý vụ việc tham nhũng thì nhiều vụ án tham nhũng lớn, xã hội quan tâm đã được đưa ra xét xử thì công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, tập trung chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ khiếu kiện phức tạp, tồn đọng, kéo dài.
Theo số liệu trong báo cáo của Chính phủ, trong 9 tháng, xử lý 145 vụ, 208 đối tượng vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ; 12.939 vụ vi phạm về quản lý kinh tế.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ, kỷ luật kỷ cương trong bộ máy hành chính và trong xã hội còn chưa nghiêm. Năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu. Sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế còn chậm. Tình trạng tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng...
Trước tình hình trên, Chính phủ sẽ tăng cường kỷ luật kỷ cương, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện chỉ đạo của cơ quan hành chính cấp trên và người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
”Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm pháp luật. Đổi mới công tác quản lý và thực hiện tốt chính sách cán bộ. Kiên quyết thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị; đối với hệ thống hành chính nhà nước sẽ giảm 1,5% (tương ứng với 3.868 người) trong tổng biên chế theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.
Công tác thanh tra cũng sẽ được tăng cường, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Phát hiện, xử lý nghiêm các vụ tham nhũng, tập trung xử lý các vụ án lớn, xã hội quan tâm.
Báo cáo Thẩm tra do Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh trình bày cũng đánh giá, hoạt động tư pháp đạt nhiều kết quả tích cực, một số vụ án còn tồn đọng đã được giải quyết dứt điểm, các vụ trọng án khám phá nhanh được nhân dân đồng tình ủng hộ; một số vụ án về tham nhũng, tài chính - ngân hàng, buôn lậu, ma túy, trong đó có vụ việc có giá trị lớn về tài sản được cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, khám phá.
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần đánh giá rõ hơn về tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và những tác động đến thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tình trạng tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và chưa bị đẩy lùi; việc phát hiện và xử lý tội phạm tham nhũng có xu hướng ngày càng giảm...
"Việc quy trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu chưa nghiêm, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong một số lĩnh vực, tại một số địa phương còn hạn chế; thực thi pháp luật của một số cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở còn có biểu hiện lạm quyền khi thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, gây bất bình trong dư luận xã hội” – ông Vũ Hồng Thanh nói./.
VOV