MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng: Phân cấp triệt để cho Hà Nội và TPHCM làm đường sắt đô thị

06-12-2024 - 09:57 AM | Bất động sản

Thủ tướng: Phân cấp triệt để cho Hà Nội và TPHCM làm đường sắt đô thị

Thủ tướng lưu ý, xây dựng đề án hệ thống đường sắt đô thị tại hai thành phố lớn này với tư duy, cách làm hoàn toàn đổi mới; phân cấp, phân quyền triệt để cho Hà Nội và TP HCM trong tổ chức thực hiện, huy động nguồn lực...

Sáng 5/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải chủ trì họp Thường trực Chính phủ về đề án hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và Tp.HCM. 

Theo quy hoạch , hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô có tổng chiều dài khoảng 413 km. Theo đó, đến năm 2035, Hà Nội đưa vào khai thác khoảng 397,8 km đường sắt đô thị, đảm nhận 35 - 40% thị phần vận tải hành khách công cộng; sau năm 2035, phấn đấu đưa vào khai thác thêm khoảng 200,7 km.

Thủ tướng: Phân cấp triệt để cho Hà Nội và TPHCM làm đường sắt đô thị- Ảnh 1.

Đến năm 2035, Hà Nội đưa vào khai thác khoảng 397,8 km đường sắt đô thị.

Nhu cầu vốn giai đoạn từ năm 2026 - 2030, Hà Nội cần khoảng 14,60 tỷ USD; sang giai đoạn 2031 - 2035, cần khoảng 22,57 tỷ USD và giai đoạn 2036 - 2045, nhu cầu vốn cho đường sắt đô thị Hà Nội là khoảng 18,25 tỷ USD.

Tại Tp.HCM, theo điều chỉnh quy hoạch chung, đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, hệ thống đường sắt đô thị gồm 12 tuyến, trong đó có 10 tuyến metro có tổng chiều dài khoảng 510 km và 2 tuyến đường sắt nhẹ (tramway/LRV) chiều dài khoảng 70 km.

Mục tiêu, đến năm 2030 TP HCM có 31 km đường sắt đô thị, vận tải 15 - 20% hành khách công cộng; đến năm 2045 có 351 km và vận tải 40 - 50% lượng hành khách công cộng…

Đề xuất cơ chế chính sách đặc thù

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, trong quá trình xây dựng đề án phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, mang lại hiệu quả cao; đồng thời, cần phân cấp, phân quyền triệt để cho Hà Nội và TP HCM trong tổ chức thực hiện, huy động nguồn lực và xử lý các vấn đề liên quan.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành và Hà Nội, TP HCM phối hợp, hoàn thiện thể chế, tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình liên quan phát triển đường sắt đô thị nói riêng và giao thông nói chung; hoàn thiện quy hoạch đường sắt đô thị và giao thông với tầm nhìn xa, trên tinh thần “qua sông thì bắc cầu, qua núi thì khoét núi, qua ruộng thì đổ đất".

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu xây dựng đường sắt đô thị lựa chọn công nghệ hiện đại , phù hợp với điều kiện Việt Nam; đa dạng hoá các nguồn lực bao gồm nguồn lực nhà nước, nguồn lực tư nhân, vốn vay, hợp tác công tư.

Thủ tướng cũng lưu ý, xây dựng đề án hệ thống đường sắt đô thị tại hai thành phố lớn này với tư duy, cách làm hoàn toàn đổi mới; tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình hiện đại đáp ứng thời kỳ phát triển mới.

Cùng với đó, xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp đường sắt và hệ sinh thái đường sắt theo hướng nhanh, xanh, công nghệ cao; đề xuất cơ chế chính sách đặc thù trong lựa chọn tư vấn, giám sát, nhà đầu tư , nhà thầu, đảm bảo minh bạch...

Trước mắt, Hà Nội và TP HCM khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và TP HCM trước ngày 25/12, để xem xét phê duyệt, làm căn cứ phát triển, trong đó có đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo, Bộ Giao thông vận tải, UBND TP Hà Nội, UBND TP HCM và các bộ, cơ quan liên quan tập trung hoàn thiện đề án, hồ sơ để trình Bộ Chính trị xem xét chủ trương đầu tư, cơ chế, chính sách.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, đặc biệt phải phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong suốt quá trình triển khai.

Theo Luân Dũng

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên