Thủ tướng Shinzo Abe từ chức vì lý do sức khỏe: Nhìn lại văn hóa cuồng việc của người Nhật Bản
Việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố từ chức lúc 15h ngày 28/8 theo giờ Hà Nội vì lo ngại vấn đề sức khỏe của bản thân ảnh hưởng tới đất nước một lần nữa làm dấy lên những lo ngại về văn hóa cuồng việc của người Nhật.
- 28-08-2020Truyền thông Nhật Bản: Thủ tướng Abe Shinzo sắp từ chức
- 27-08-2020Chuyện lạ ở Mỹ: Đến giờ vẫn thiếu giấy vệ sinh, nguyên nhân sâu xa nằm ở 1 nguyên lý đến từ Nhật Bản!
- 22-08-2020Điều ẩn sau tỷ lệ thất nghiệp thấp của Nhật Bản
- 12-08-2020Kinh tế Nhật Bản sẽ mất 4 năm để lấy lại những gì đã mất vì dịch Covid-19
- 06-08-2020Chuyện người sống sót trong cả hai vụ đánh bom nguyên tử ở Nhật Bản
2 lần vào viện trong 2 tuần
Trong 2 tuần qua, Thủ tướng Shinzo Abe - người mới lập kỷ lục là thủ tướng có thời gian tại nhiệm liên tục lâu nhất của Nhật Bản - đã phải 2 lần nhập viện. Theo những thông tin được công bố, ông Abe đang phải vật lộn với căn bệnh viêm loét đại tràng mãn tính trong suốt nhiều năm qua. Trước đó, vào năm 2007, ông Abe cũng đã tuyên bố từ chức vì lý do sức khỏe.
Những vấn đề với sức khỏe của ông Abe trở nên gây chú ý trong thời gian gần đây. Tuần trước, nhà lãnh đạo Nhật Bản mới nghỉ hè 3 ngày và sử dụng một trong số những ngày phép đó để đi kiểm tra sức khỏe. Một tuần sau, ông Abe tiếp tục trở lại bệnh viện và dường như những tổn hại về sức khỏe của ông đã ở mức rất nghiêm trọng.
Sải bước vào Phủ Thủ tướng sau chuyến đi tới bệnh viện gần nhất, ông Abe tuyên bố rằng: "Tôi sẽ trở lại làm việc và cố gắng hết sức". Ông Abe đã sử dụng từ gambaru, vốn thông dụng trong văn hóa của người Nhật Bản nhằm thể hiện quyết tâm cao nhất để đạt được mục tiêu của mình. Thậm chí, nó còn được mô tả với cụm từ "làm hoặc chết".
Thủ tướng Shinzo Abe (thứ 2 từ bên phải) tới Bệnh viện Đại học Keio ở Tokyo hôm 24/8. Ảnh: AP.
Ông Yoshihide Suga, chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, cho biết, ông Abe, người 65 tuổi, đã làm việc liên tục trong 147 ngày liên tiếp. Từ tháng Giêng, ông Abe đã làm việc gần 150 ngày liên tục trong nỗ lực ngăn chặn đại dịch Covid-19 cũng như cứu vãn Thế vận hội Tokyo 2020, vốn bị hoãn sang năm sau vì dịch bệnh lây lan. Bên cạnh đó, lũ lụt ở phía nam đảo Kyushu và cú sập tệ hại của GDP trong quý 2 cùng 1 đợt nắng nóng chết người đã góp phần gây áp lực khổng lồ lên Chính quyền của ông Abe.
Tuy nhiên, dù đã rất cố gắng, nhưng việc ông Abe tuyên bố từ chức trong ngày 28/8 dường như là dấu chấm hết cho những nỗ lực của vị thủ tướng Nhật Bản, người đang cố gắng vực dậy đất nước trong bối cảnh đại dịch và nhiều vấn đề khác tàn phá nền kinh tế.
Nếu đúng là sự thật, việc từ chức vì lý do sức khỏe của Thủ tướng Abe sẽ trở thành lời nhắc nhở cay đắng cho karoshi - văn hóa làm việc tới chết mà Chính phủ của ông Abe đang cố gắng xóa bỏ. Năm 2016, một nghiên cứu của Chính phủ Nhật bản cho biết 1/5 số người lao động ở Nhật Bản có xu hướng làm việc tới chết này.
Ông Abe từng nói nhiều về sự cần thiết trong việc thay đổi văn hóa karoshi như một con đường tiến tới sự tái sinh của Nhật Bản. Trong kế hoạch đó, ông Abe cũng muốn đưa nhiều phụ nữ Nhật trở lại làm việc hơn. Tuy nhiên, dù có dấu hiệu thay đổi nhưng Nhật Bản vẫn nổi tiếng với văn hóa yêu cầu người lao động làm việc điên cuồng.
Những nỗi ám ảnh vì karoshi
Bà Michiyo Nishigaki từng rất tự hào khi cậu con trai của mình được nhận vào làm việc ở một công ty viễn thông lớn của Nhật Bản khi vừa tốt nghiệp đại học. Con trai của bà yêu thích máy tính và công việc đó dường như là cơ hội tuyệt vời cho chàng trai trẻ trong những bước đi đầu tiên của cuộc đời.
Tuy nhiên, văn hóa làm thêm giờ cùng sức ép khủng khiếp từ công việc tạo nên tấn bi kịch của gia đình bà Michiyo Nishigaki. Ở tuổi 27, con trai bà đã ra đi mãi mãi vì dùng thuốc quá liều. Áp lực làm việc tới chết trong xã hội Nhật Bản đã cướp đi người con trai của bà Michiyo ở độ tuổi sung sức nhất của cuộc đời.
Matsuri Takahashi là một ví dụ khác. Cuộc đời của cô gái trẻ đã mãi mãi dừng lại ở tuổi 24 khi cô gieo mình xuống từ một tòa nhà cao tầng vào Giáng sinh năm 2015. Làm việc cho công ty quảng cáo Dentsu của Nhật Bản, Takahashi phải làm tới hơn 100 giờ mỗi tháng. Những áp lực khủng khiếp đã khiến cô gái trẻ tìm tới cái chết.
Mẹ của Matsuri Takahashi - một trong những nạn nhân của karoshi tham dự họp báo cùng di ảnh con gái và luật sư ngày 7/10/2016. Một cơ quan có thẩm quyền công nhận cái chết do tự sát của Matsuri gần một năm trước có liên quan tới công việc. Ảnh: AP
Được ghi nhận trong những năm 1960, thời điểm nước Nhật oằn mình vượt qua những tổn thất của cuộc Thế chiến II, karoshi đang ngày càng trở thành một vấn nạn nghiêm trọng. Không chỉ tầng lớp trung niên, những người trẻ Nhật Bản dường như cũng không có cơ hội thoát khỏi vòng xoáy này.
Ở một quốc gia mà những người bận rộn được nể trọng và xem là thành công, những cái chết vì karoshi chắc chắn sẽ vẫn tiếp tục xảy đến. Thứ văn hóa đã ăn sâu vào nước Nhật từ nhiều thập kỷ trước trở thành thách thức lớn cho Chính quyền của ông Abe.
Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra nhiều dự thảo nhằm giảm thời gian làm việc của người lao động cũng như khuyến khích người Nhật sử dụng những ngày nghỉ phép của mình. Thậm chí, Chính phủ còn yêu cầu các công ty Nhật Bản cho phép người lao động làm việc ở nhà, nghỉ sớm vào ngày cuối tuần hay tắt điện văn phòng sau 19h.
Tính hiệu quả của các biện pháp này vẫn còn bỏ ngỏ nhưng việc người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản dự kiến từ chức vì lý do sức khỏe phần nào cho thấy karoshi vẫn tiếp tục là nỗi ám ảnh ở quốc gia Đông Á này.