MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng: Sóc Trăng phải giải quyết bài toán cá thể

23-04-2017 - 16:01 PM | Xã hội

Làm việc với tỉnh Sóc Trăng, bên cạnh bài toán tổng thể của ĐBSCL, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ tỉnh phải giải quyết bài toán cá thể để tìm ra lợi thế so sánh khi nguồn lực quá hạn hẹp, cần phát huy sự năng động, sáng tạo, điều kiện của từng địa phương.

Theo báo cáo của tỉnh Sóc Trăng, năm 2016, tình trạng hạn, mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, làm thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng, khiến nông nghiệp tăng trưởng âm (- 0,51%).

Bước sang năm 2017, tỉnh chủ động giảm diện tích lúa, khuyến cáo người dân nuôi tôm thận trọng, không thả nuôi ồ ạt. Nông dân được thường xuyên cập nhật thông tin độ mặn ở các điểm sông, kênh. Thông tin này cũng thường xuyên được gửi vào máy điện thoại của lãnh đạo tỉnh. Bên cạnh giảm dần tỷ lệ nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế, tỉnh cũng đẩy mạnh tỷ lệ khu vực công nghiệp, dịch vụ.

Năm 2017, Sóc Trăng xác định tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm để tạo chuyển biến rõ nét, đó là thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ sản xuất; cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả cải cách hành chính.

“Doanh nghiệp có vấn đề gì khó khăn thì nhắn tin cho lãnh đạo tỉnh để tháo gỡ ngay”, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể nói và cho biết “các sở, ngành nào có vấn đề gì với doanh nghiệp thì chúng tôi mời lên làm việc ngay”.

Đánh giá cao nỗ lực của tỉnh, ý kiến các thành viên đoàn công tác cho rằng Sóc Trăng còn là tỉnh nghèo, gặp nhiều khó khăn, có nhiều đồng bào Khmer sinh sống, nằm trong tốp cuối của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Thành viên đoàn công tác cũng chia sẻ với tỉnh khi 2 mặt hàng xuất khẩu chính của Sóc Trăng là gạo và thủy sản đối diện nhiều khó khăn do sự cạnh tranh và hàng rào kỹ thuật của các nước. Tỉnh cần đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp. Có ý kiến góp ý, tỉnh nên đặt vấn đề tăng thu nhập, nâng cao mức sống người dân hơn là việc nộp ngân sách Trung ương.


Thủ tướng cho biết buổi làm việc lần này với địa phương là để lắng nghe, để khẳng định lại chủ trương và đặc biệt là cố gắng xử lý các kiến nghị trong phạm vi Chính phủ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng cho biết buổi làm việc lần này với địa phương là để lắng nghe, để khẳng định lại chủ trương và đặc biệt là cố gắng xử lý các kiến nghị trong phạm vi Chính phủ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Làm việc với Sóc Trăng, cuộc làm việc thứ 2 chỉ trong vòng gần 6 tháng qua, Thủ tướng cho biết hôm nay, đến làm việc với địa phương một lần nữa để lắng nghe, để khẳng định lại chủ trương và đặc biệt là cố gắng xử lý các kiến nghị trong phạm vi Chính phủ.

Bên cạnh khó khăn năm 2016, trừ nông nghiệp tăng trưởng âm thì Sóc Trăng đạt nhiều kết quả tích cực, nhất là giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội, không để người dân nào thiếu đói, đứt bữa. Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh tinh thần đoàn kết, quyết tâm, dám nghĩ dám làm, công khai, minh bạch, sáng tạo của Sóc Trăng. Đây là điều rất quan trọng cho sự thành công. Tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, toàn diện, bám việc, không chỉ kinh tế mà cả quốc phòng, an ninh, đoàn kết dân tộc, xóa đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, cơ cấu kinh tế của Sóc Trăng chuyển dịch chậm. Ít tỉnh nào mà nông nghiệp chiếm đến 40% trong cơ cấu kinh tế. Nhìn nhận đây là mặt tồn tại, Thủ tướng cũng đánh giá cao Sóc Trăng quan tâm đến nông nghiệp, nông thôn khi có đến 29/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, cao hơn bình quân chung của ĐBSCL và cả nước.

Sóc Trăng còn chịu tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu. Do đó, trong mọi hành động phải nhớ đến nguy cơ này để ứng phó.

Tỉnh cũng cần lưu ý vấn đề phát triển doanh nghiệp khi mà tỷ lệ bình quá đông người dân mới có 1 doanh nghiệp (565 người dân/doanh nghiệp, trong khi cả nước là 140 người dân/doanh nghiệp). Chỉ số PCI của tỉnh có tiến bộ nhưng chỉ số PAPI còn thấp.


Thủ tướng làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

“Phải giải quyết bài toán tổng thể của ĐBSCL, phải sơ kết các chủ trương của Đảng và Chính phủ. Nhưng tôi phải nói ý thứ hai, trong khi giải quyết bài toán tổng thể thì chúng ta phải giải quyết bài toán cá thể để tìm ra lợi thế so sánh khi nguồn lực quá hạn hẹp, cần phát huy sự năng động, sáng tạo, điều kiện của từng địa phương ĐBSCL, nhất là các địa phương có chỉ số phát triển thấp”, Thủ tướng nêu rõ.

Phải làm gì để phát huy lợi thế của Sóc Trăng? Thủ tướng cho rằng, bên cạnh tiếp tục giữ vững an ninh lương thực, tập trung vào lúa cao sản thì đi liền là phát triển những loại trái cây lợi thế của Sóc Trăng.

“Anh Thể (Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng - PV) có nói 1 ha bưởi da xanh và cam sành thì gấp 10 lần 1 ha trồng lúa. Có phải đây là suy nghĩ mà chúng ta cần nhân rộng mô hình ra không?”, Thủ tướng chia sẻ, “hay các đồng chí nói nuôi bò sữa. Tôi rất bất ngờ khi ở đây có trên 10.000 con bò sữa”.

Thủ tướng cũng đặt vấn đề Sóc Trăng cần tham gia câu lạc bộ sản xuất tôm hàng đầu của ĐBSCL khi mà tỉnh có nhiều thành công trong lĩnh vực này. Thủ tướng cho biết hôm qua đã đi thăm một doanh nghiệp ở Sóc Trăng mà từ một người nuôi tôm, mua bán tôm ngoài chợ, giờ đã có 4- 5 doanh nghiệp vừa nuôi tôm, vừa thu mua tôm, vừa chế biến đạt giá trị sản xuất hàng chục triệu USD.

Thủ tướng cũng nhất trí với định hướng của Sóc Trăng trong phát triển du lịch, dịch vụ đi liền với phát triển đô thị, đồng thời yêu cầu tỉnh phát triển mạnh mẽ công nghiệp, nhất là loại hình giải quyết nhiều việc làm, công nghiệp năng lượng tái tạo, một lợi thế của Sóc Trăng. Tỉnh cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đã đề ra năm 2017, bởi địa phương hoàn thành chỉ tiêu thì cả nước mới hoàn thành chỉ tiêu.

Về các kiến nghị cụ thể của Sóc Trăng, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần: Trung ương tiếp tục phân cấp, giao quyền cho địa phương trong việc tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong khung kế hoạch chung quốc gia.

“Khi anh tới các bộ mà thấy người ta xếp hàng dài dằng dặc chờ giải quyết công việc thì bộ đó chưa làm đúng chức năng. Nếu còn ôm giữ, bao cấp là không được”, Thủ tướng nói và lưu ý các bộ, ngành tập trung vào công tác xây dựng thể chế, chính sách vĩ mô, tạo điều kiện cho các địa phương, không bắt địa phương phải chạy ra chạy vào giải quyết vấn đề này, vấn đề kia.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Nhà máy Chế biến lương thực Thành Tín, TP. Sóc Trăng. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Nhà máy Chế biến lương thực Thành Tín, TP. Sóc Trăng. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Nhân chuyến công tác tại Sóc Trăng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm dây chuyền kho trữ, công nghệ sấy và tiêu thụ gạo tại Nhà máy Chế biến lương thực Thành Tín, TP. Sóc Trăng. Nhà máy lắp đặt dây chuyền chế biến sản xuất khép kín, hiện đại từ việc sấy lúa, xay xát bóc vỏ cho đến lau bóng gạo với công suất 500 tấn/ngày; chế biến và cung ứng lúa gạo cho thị trường trong nước và nước ngoài.

Công ty còn đầu tư thêm dây chuyền ép trấu viên 40 tấn/ngày đáp ứng việc xuất khẩu ra thị trường bên ngoài. Hệ thống kho chứa 60.000 tấn của Công ty được bổ sung trong danh sách hệ thống dự trữ 4 triệu tấn lúa tại ĐBSCL. Đây là cơ sở sản xuất được đầu tư công nghệ hiện đại, không để bụi phát sinh gây ảnh hưởng xấu cho môi trường./.

Theo Đức Tuân

chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên