Thủ tướng tham dự hội nghị xúc tiến đầu tư Long An, lưu ý 3 vấn đề phát triển hạ tầng, bất động sản
Nhận diện được tiềm năng phát triển của Long An, thời gian qua, nhiều nhà đầu tư tên tuổi đã quyết định "đổ" vốn vào địa phương này.
- 01-06-2016"Con át chủ bài" của Long Điền Group ở Phú Quốc dự kiến đem về hàng nghìn tỷ doanh thu vẫn còn hoang sơ
- 06-05-2016Khu công nghiệp Long Hậu – Đối tác phát triển bền vững của các doanh nghiệp
- 03-05-2016Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan tiếp tục thâu tóm hàng ngàn ha đất ở Long An
- 27-04-2016Vinhomes Dragon Bay Hạ Long – Địa điểm kinh doanh hút các thương hiệu
Nhiều dự án khu đô thị lớn đã được hình thành, như Làng Sen Việt Nam do Công ty Phúc Khang làm chủ đầu tư, Dự án Khu dân cư Thương mại Cát Tường Phú Thạnh do Công ty Cát Tường Đức Hoà làm chủ đầu tư, Dự án Thanh Yến Residence, Five Star của Tập đoàn Năm Sao, dự án Saigon Village rộng hàng nghìn m3 của công ty Đầu tư và Phát triển Lộc Thành đầu tư và các nhà phát triển bất động sản tên tuổi khác cũng có mặt ở đây như Nam Long, Tân Tạo, Đồng Tâm… Mới đây nhất, UBND tỉnh Long An đã thống nhất giao cho Công ty Vạn Thịnh Phát 16 dự án bất động sản để triển khai.
Theo giới kinh doanh địa ốc, Long An đang trở thành điểm ngắm mới của các nhà đầu tư bất động sản khi lãnh đạo tỉnh vừa đưa ra cam kết sẽ dành trên 5.000ha đất để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Đây là tín hiệu khả quan để thị trường bất động sản tại Long An khởi sắc trong thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thị sát nhiều dự án đang triển khai xây dựng trên địa bàn tỉnh Long An. Tại đây, Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp lưu ý 3 vấn đề. Thứ nhất, phải thực hiện dự án đúng tiến độ, đúng quy hoạch. Thứ hai, thực hiện hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh, đồng bộ để dự án kết nối tốt với TP HCM và các địa phương lân cận, từ đó tạo thanh khoản tốt trên thị trường. Thứ ba, thị trường bất động có chu kỳ lên xuống, doanh nghiệp bất động sản cần nghiên cứu nắm bắt được chu kỳ đó, nhằm tránh rơi vào khủng hoảng.
Thủ tướng cho hay sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bằng cách điều hành nền kinh tế vĩ mô tốt, duy trì mức lạm phát thấp và kiểm soát thị trường bất động sản trong trạng thái ổn định. Đây là cơ sở để doanh nghiệp có môi trường thuận lợi phát triển, người dân yên tâm đầu tư.
Tạo nhiều chính sách mới thu hút nhà đầu tư
Sáng ngày 17/10 Hội nghị Xúc tiến Đầu tư năm 2016 với chủ đề “Hợp tác – Phát triển bền vững” đã diễn ra tại Long An. Hội nghị với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trương Hòa Bình, Nguyên Chủ tịch nước – Trương Tấn Sang...
Được đánh giá cao bởi ưu thế vị trí cửa ngõ quan trọng, là cầu nối giữa 2 vùng kinh tế lớn Đông Nam Bộ và ĐBSCL, Long An được xem là vị trí trung tâm, kết nối giao thông xuyên suốt và nhanh chóng đến Tp.HCM, các tỉnh ĐBSCL và Đông Nam Bộ. Phía Đông giáp TP.HCM, cách trung tâm Quận 1 chỉ 20 phút di chuyển; phía Bắc là các cửa khẩu sang Campuchia; phía Tây giáp với các tỉnh miền Tây như Đồng Tháp, Tiền Giang… Long An sở hữu lợi thế phát triển kinh tế, thông thương mà không phải tỉnh nào cũng may mắn có được.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh – Trần Văn Cần khẳng định: “Đây là năm đầu tiên Long An triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X với định hướng mới so với trước đây; theo đó, đến năm 2020, tỉnh Long An sẽ xây dựng được nền tảng bảo đảm phát triển nhanh và bền vững".
Bên cạnh giải pháp tăng cường vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, tỉnh cũng tập trung huy động vốn đầu tư ngoài ngân sách, huy động sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: 2 lĩnh vực đang được tỉnh ưu tiên kêu gọi đầu tư là xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, thủy lợi, nước sạch, năng lượng sạch,... theo hình thức hợp tác công tư (PPP), hợp đồng BOT, giao khai thác quỹ đất,...
Tỉnh cũng chú trọng hình thức huy động doanh nghiệp cùng Nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng liên quan trực tiếp đến lợi ích của dự án. Đồng thời, vận dụng linh hoạt các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư của Trung ương phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh nhằm gia tăng khả năng huy động nguồn vốn từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư.
Ông Cần nhấn mạnh thêm, Long An tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư trong và ngoài nước thực hiện thành công các dự án của mình với phương châm "khó khăn của bạn cũng là khó khăn của chúng tôi và thành công của bạn cũng chính là thành công của chúng tôi".
Theo các báo cáo tại Hội nghị, trong 5 năm 2011-2015, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông từ tỉnh đến cơ sở có sự quan tâm đầu tư, phát triển tương đối mạnh, nhiều tuyến đường giao thông quan trọng được nâng cấp, xây dựng mới, kết nối đường cao tốc TP.HCM-Trung Lương, Quốc lộ (QL) 1A, QL62, QLN2,... Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện một số công trình quan trọng như: Mở rộng cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, hoàn thành 2 tuyến đường quan trọng là Đường tỉnh (ĐT) 829 (nối liền huyện Tân Thạnh với huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) và ĐT 837 (nối huyện Tân Thạnh với huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp).
Theo hướng đô thị xanh
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Xây dựng tỉnh Long An, hiện nay, tăng trưởng ở các đô thị tại Long An vẫn chủ yếu dựa vào nhân công giá rẻ nên hiệu suất lao động thấp, dễ bị tác động do biến động kinh tế và tự nhiên, nhất là trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như hiện nay. Phát triển đô thị chưa được kiểm soát chặt chẽ theo quy hoạch, kế hoạch, dẫn đến lãng phí tài nguyên đất đai, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường tự nhiên.
Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng đô thị trong một số đô thị không đồng bộ, thậm chí xuống cấp dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, ngập úng khi mưa lớn, ô nhiễm môi trường, quá tải ở trường học, bệnh viện tại các trung tâm đô thị. Tại TP.Tân An, suốt nhiều năm qua, tỷ lệ thất thoát nước hàng năm khoảng 30-40%, trong khi đó, tại nhiều vùng, tình trạng thiếu nước sạch, nước sinh hoạt đang diễn ra khá phổ biến.
Ông Phan Ngọc Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh này cho biết trong mục tiêu phát triển giai đoạn tới, Long An sẽ theo hướng đô thị xanh, công trình xanh, giao thông xanh, công nghiệp xanh, chất lượng môi trường đô thị xanh... do vậy sẽ hoạch định một kế hoạch dài hơi để đạt được mục tiêu này. Trong đó, hạ tầng giao thông phải đi trước một bước bằng nhiều giải pháp huy động nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần, từ ngày 17/10/2016, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Long An sẽ chính thức đưa vào hoạt động. Từ đây, tất cả thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của 6 Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Xây dựng, Công Thương, Khoa học và Công nghệ vào thực hiện tại một đầu mối là Trung tâm. Đây được xem là bước tiến quan trọng trong công tác cải cách hành chính và nâng cao khả năng bảo đảm cung cấp dịch vụ công nhanh, gọn, hiệu quả cho doanh nghiệp quan tâm và đầu tư tại Long An.
Ngay tại Hội nghị đã diễn ra Lễ ký kết ghi nhớ giữa tỉnh Long An với 4 nhà đầu tư trong nước và quốc tế với tổng số vốn đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng. Đồng thời, Lãnh đạo tỉnh Long An cũng đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 12 nhà đầu tư trong nước và quốc tế với tổng vốn đầu tư hơn 4.300 tỷ đồng.