Thủ tướng: Tiền lương là điểm nghẽn trong tăng năng suất lao động
Bên cạnh các điểm nghẽn về khoa học công nghệ, năng lực đổi mới sáng tạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng chính sách tiền lương là điểm nghẽn lớn trong tăng năng suất lao động.
- 14-06-2019Tiền lương tối thiểu năm 2020 có thể tăng thêm bao nhiêu?
- 12-06-2019Tiền lương và nhiều khoản thu nhập của công chức, viên chức tăng mạnh
- 10-06-2019Doanh nghiệp sẽ được "quyết" chính sách tiền lương
Ngày 7-8, chủ trì Hội nghị cải thiện năng suất lao động quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam thời qua tiếp tục cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm, là quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ cao trong khu vực ASEAN. Với mức tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08%, NSLĐ toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102,2 triệu đồng/lao động (tương đương 4.521 USD/lao động), tăng 6% so với năm 2017.
Mặc dù vậy, người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra một số điểm yếu của lao động Việt Nam, cần phải sớm khắc phục, cải thiện. Theo Thủ tướng, còn nhiều điểm nghẽn nên năng suất lao động Việt Nam chưa "bung" được. Trước tiên là các điểm nghẽn về thể chế, chính sách, pháp luật. Kế đến và quan trọng bậc nhất là tiền lương chưa được vận hành linh họat theo cơ chế thị trường.
"Tiền lương là điểm ngẽn chúng ta phải thấy được. Trước đây ngành quân đội, công an lương rất thấp, nhưng chúng ta đã cải cách được. Lương cao thì làm việc mới tận tụy được"- Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tiền lương là điểm nghẽn trong tăng năng suất lao động - Ảnh: Lê Tiên
Thủ tướng cũng chỉ rõ trình độ, kỹ năng nguồn nhân lực của Việt Nam còn thấp. Ông nhấn mạnh tại hội nghị này có các trường đào tạo, các thầy, thì phải nhìn ra hạn chế về nguồn nhân lực. "Chúng ta thiếu hụt nhân lực kỹ năng cao, nhất là nhân lực cho Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện nay chỉ có khoảng 20% nhân lực chất lượng cao, chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực"- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các nút thắt về cơ sở hạ tầng, đất đai, tài chính theo đánh giá của Thủ tướng là chưa giải phóng được hoàn toàn, chưa phát huy được hết giá trị trong nền kinh tế thị trường, kéo theo những hạn chế về năng suất lao động.
Trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nền tảng năng lực khoa học công nghệ ở Việt Nam chưa cao, đặc biệt ở phương diện ứng dụng. "Chúng ta có đổi mới sáng tạo, nhưng nền tảng nói chung và ứng dụng còn thấp, chúng ta phải rút ra được điểm hạn chế này để nâng cao năng suất lao động"- người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng lưu ý việc nhận diện được các yếu tố, nguyên nhân tác động đến năng suất lao động là căn cứ quan trọng để xác định những giải pháp nhằm cải thiện chất lượng và đẩy mạnh tốc độ tăng năng suất lao động trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Chí Dũng, khu vực doanh nghiệp chiếm vị trí hết sức quan trọng trong nền kinh tế, nên nâng cao năng suất lao động khu vực doanh nghiệp đóng vai trò quyết định tới việc nâng cao năng suất lao động của toàn bộ nền kinh tế.
"Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh sự chủ động trong các giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp hướng tới mục tiêu nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy các sáng kiến kinh doanh, ứng dụng các mô hình quản trị doanh nghiệp tốt, hiện đại, nhất là các doanh nghiệp nhà nước, tăng cường liên kết, hợp tác phát triển giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài"- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, sử dụng sức lao động hiệu quả chính là một trong những giải pháp tối ưu để nâng cao năng suất lao động; thúc đẩy phát triển những giải pháp sản xuất và kinh doanh dựa trên số hóa, tích hợp công nghệ tiên tiến để đơn giản hóa quy trình sản xuất, rút ngắn thời gian, loại bỏ lãng phí trong quá trình sản xuất nhưng vẫn đảm bảo khả năng quản lý, chất lượng sản phẩm và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Nếu tính theo giá trị sức mua tương đương (PPP) năm 2018, năng suất lao động Việt Nam đạt 11.142 USD thì chỉ bằng 7,3% năng suất lao động của Singapore; 19% của Malaysia; 37% của Thái Lan; 44,8% của Indonesia; 55,9% của Phillipines.
Điều này cho thấy, dù năng suất lao động của Việt Nam tiếp tục cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm nhưng nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước.
Người lao động