MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng: Tỉnh Bạc Liêu cần phát triển xanh với 4 trụ cột

30-01-2018 - 11:07 AM | Xã hội

Ngay sau khi tới thành phố Cần Thơ, vượt qua hơn 100km đường bộ tới Bạc Liêu, 20 giờ tối 29/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ ngành Trung ương đã có buổi làm việc với lãnh ...

Buổi làm việc diễn ra ngay trước thềm Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bạc Liêu năm 2018, sẽ diễn ra vào sáng 30/1.

Với hai vùng sinh thái ổn định (vùng nước ngọt và vùng nước lợ, nước mặn), trong đó, diện tích thủy sản gần 1290km2, Bạc Liêu còn sở hữu bờ biển dài 56km với 3 cửa biển và vùng đặc quyền kinh tế rộng 20.742km2, có trữ lượng hải sản lớn và phong phú về chủng loại thuận lợi để phát triển nông nghiệp, khai thác và đánh bắt hải sản và phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá.

Trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất (43,14% GRDP). Nuôi trồng thủy sản tại địa phương này hàng năm đạt khoảng 210.000 tấn, riêng nuôi tôm đạt khoảng 15.000 tấn, tạo ra giá trị hơn 18.000 tỷ đồng và mang lại kim ngạch xuất khẩu hơn 527 triệu USD.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã gây thiệt hại rất lớn cho sản xuất nông nghiệp, thậm chí trực tiếp uy hiếp đến tính mạng tài sản của người dân.

Nếu không kịp thời có những giải pháp ứng phó phù hợp thì “trụ đỡ” này sẽ ngày càng suy yếu và tỉnh Bạc Liêu sẽ ngày càng khó khăn hơn.

Năm 2017, kinh tế Bạc Liêu tăng trưởng 6,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt 37,5 triệu đồng/người/năm, thu ngân sách đạt 2.864,178 tỷ đồng.

Phát biểu tại buổi làm việc, một lần nữa nhắc lại tinh thần thi đấu quả cảm, ý chí kiên cường của các tuyển thủ Đội tuyển U23 đã lập nên những kỳ tích cho bóng đá Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nếu chúng ta có ý chí, quyết tâm thì Bạc Liêu sẽ vươn lên thoát khỏi vùng trũng, vùng khó khăn của Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhắc đến truyền thống cách mạng lâu đời, tiềm năng và lợi thế cả về kinh tế và văn hóa của Bạc Liêu, Thủ tướng nhấn mạnh đây là nền tảng cơ bản để đưa địa phương phát triển trong thời gian tới.

Nhìn nhận tổng thể kết quả phát triển kinh tế-xã hội của Bạc Liêu, Thủ tướng đánh giá, qua nhiều năm, Bạc Liêu tăng trưởng tương đối khá, dù chưa cao nhưng tăng dần theo từng năm.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, chương trình tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu hàng hóa và thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào lợi thế so sánh của địa phương, luôn gắn với bảo vệ môi trường đúng hướng.

Các giải pháp thu hút đầu tư, nguồn lực có chuyển biến tốt. Tỷ lệ giảm nghèo mạnh, chú trọng xây dựng nông thôn mới. Các mặt văn hóa, xã hội, an ninh trật tự có tiến bộ. Đảng bộ, chính quyền đoàn kết, gắn bó.

 Thủ tướng: Tỉnh Bạc Liêu cần phát triển xanh với 4 trụ cột - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ với cán bộ chủ chốt tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Đề cập đến những khó khăn và các mặt còn hạn chế của tỉnh, Thủ tướng nêu rõ, khó khăn lớn nhất của Bạc Liêu là chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Trong bối cảnh đó, Bạc Liêu lại vẫn là một tỉnh khó khăn, kết cấu hạ tầng thiếu và yếu, nhất là giao thông, thủy lợi. Quy mô kinh tế còn nhỏ, thu ngân sách mới chỉ đảm bảo chi được 52 %, năm 2017 hụt thu.

Số doanh nghiệp còn ít, quy mô nhỏ, siêu nhỏ, năng lực cạnh tranh hạn chế, chỉ đạt tỷ lệ 452 ngàn dân/doanh nghiệp. Môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh rất hạn chế. Lao động nông nghiệp còn khá lớn, giải quyết việc làm cho nông thôn còn rất khó khăn.

Khẳng định Bạc Liêu vẫn còn có điều kiện tốt hơn so với các tỉnh miền núi khác, Thủ tướng đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bạc Liêu “cần có khát vọng vươn lên mạnh mẽ hơn, tổ chức thực hiện quyết liệt cụ thể hơn.”

Là một trong hai trung tâm sản xuất tôm thâm canh năng suất cao ở Việt Nam, Bạc Liêu “không thể là vùng trũng của Đồng bằng sông Cửu Long.” - Thủ tướng nói và nhấn mạnh thêm rằng, với tiềm năng lợi thế nuôi tôm nước lợ thâm canh, năng suất cao; dư địa lớn về năng lượng tái tạo, nông nghiệp, Bạc Liêu cần phấn đấu sớm tự cân đối được ngân sách trên cơ sở ngày càng có nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Bạc Liêu cần phát triển xanh với 4 trụ cột: Đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản, trọng tâm là nuôi tôm công nghệ cao siêu thâm canh.

Trong chế biến thủy sản, cần chú ý nhiều đến chế biến tôm công nghệ cao, phát triển năng lượng tái tạo. Cùng với đó là phải quy hoạch cụ thể “chỗ nào nuôi tôm, chỗ nào điện mặt trời, chỗ nào điện gió.”

Thủ tướng nêu rõ, du lịch vẫn là thế mạnh của Bạc Liêu, nhưng tỉnh cần chú ý tổ chức tour riêng với hệ thống hoàn chỉnh kết hợp nghỉ ngơi, ăn uống dịch vụ để thu hút du khách.

Hoàn thiện hệ sinh thái du lịch, đa dạng hóa sản phẩm, kết nối với các dự án trung tâm du lịch lớn.

Về thị trường, Bạc Liêu cần tăng cường kết nối chặt chẽ với Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh cả về sản xuất, tiêu thụ để tìm đầu ra cho phát triển sản phẩm.

Thủ tướng mong muốn Bạc Liêu phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp tôm của cả nước cả về giống, chế phẩm thức ăn trên cơ sở "ng dụng công nghệ cao theo hướng “nhanh chóng nhưng có bước đi chặt chẽ."

Để làm được điều này, bài toán quy hoạch bài bản, bền vững là vấn đề cần đặt ra, Thủ tướng gợi ý.

Thủ tướng cũng đề nghị Bạc Liêu nâng cao đạo đức công vụ, ngăn ngừa lợi ích nhóm, triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 01 của Chính phủ phấn đấu hoàn thành và vượt các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2018, sớm trở thành một tỉnh khá của Đồng bằng sông Cửu Long./.

Theo Quang Vũ - Thanh Sử

TTXVN/VIETNAM+

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên