Thủ tướng: Tình trạng nói hay làm dở, trách nhiệm thấp, chuyển lòng vòng, cấp dưới kêu ca, người dân chờ đợi vẫn còn!
Hiện tượng này được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh trong phiên họp Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.
- 04-07-2019Gần 2 tỷ USD vốn ODA vào nông nghiệp
- 04-07-2019HSBC: Động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam vẫn mạnh bất chấp bất lợi bên ngoài
- 03-07-2019Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia: Việt Nam chưa có dấu hiệu rủi ro về ổn định kinh tế vĩ mô
Nhìn lại 6 vừa qua, Thủ tướng cho rằng đến hôm nay, chúng ta có thể vui mừng đánh giá kinh tế, thương mại, đầu tư cũng như các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đạt kết quả quan trọng, toàn diện.
Một số sự kiện nổi bật được Thủ tướng chỉ ra gồm: Chính thức ký Hiệp định EVFTA, IPA với EU; trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với số phiếu rất cao; chuẩn bị phục vụ tốt Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều, tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc… qua đó, thể hiện hình ảnh đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển và có trách nhiệm.
"Như đồng chí Tổng bí thư đã nói, từ khi đổi mới đến nay, chưa bao giờ chúng ta có cơ đồ như ngày hôm nay. Uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam được khẳng định, ngày càng củng cố", ông nói.
Chính phủ cũng đã và đang làm được rất nhiều việc như xây dựng kịch bản tăng trưởng, phương án điều hành hằng tháng, hằng quý, tập trung tháo gỡ khó khăn, giải quyết vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tổ chức nhiều hội nghị toàn quốc về hội nhập quốc tế, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu…
Đánh giá chung về tình hình kinh tế 6 tháng, Thủ tướng nhận định kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt. Tăng trưởng GDP, thu ngân sách, đầu tư, thương mại, xuất nhập khẩu, phát triển doanh nghiệp đều đạt khá.
"Việc chúng ta đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 6,76% là rất tốt vì trên nền tăng trưởng cùng kỳ 2018 đã đạt ở mức cao. Mức này cao hơn cùng kỳ giai đoạn 2011-2017", ông nói.
Dù vậy, Thủ tướng vẫn lưu ý các tư lệnh ngành, lãnh đạo các địa phương cần đề cập nhiều hơn, tập trung hơn vào những tồn tại, hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức mà đất nước, từng bộ, ngành, địa phương phải đối mặt để đưa ra đối sách, giải pháp xử lý.
Ông cũng chỉ ra một số vấn đề nổi lên cần lưu ý. Trước hết về nông nghiệp, Thủ tướng nhắc đến tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài làm giảm năng suất lúa, cây trồng, vật nuôi, nguy cơ hạn hán, thiếu nước trầm trọng ở một số khu vực có thể diễn ra.
Tỷ lệ tồn kho ngành chế biến, chế tạo tăng 16,1%. Nhiều dự án trọng điểm về năng lượng, giao thông, hạ tầng chậm tiến độ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh năng lượng. Nguy cơ thiếu điện hiện hữu mặc dù đã vận hành thêm điện diesel và nhập khẩu điện. Xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản giảm, do giá giảm.
"Chúng ta đã ký EVFTA, vấn đề đặt ra là phải triển khai hiệu quả, có sản phẩm xuất khẩu, bảo đảm chất lượng. Trước tình hình thương mại quốc tế diễn biến phức tạp, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải nỗ lực hơn để đáp ứng hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay", ông nói và nhấn mạnh đây là câu hỏi cần được giải đáp sớm.
Thủ tướng nhấn mạnh tình hình sản xuất kinh doanh ở một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó, có nhiều ý kiến cho rằng, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa có bước tiến thực chất.
"Tôi muốn nhấn mạnh với các đồng chí dự hội nghị trong toàn quốc rằng tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công nhân viên chức đại bộ phận chúng ta là tốt, anh em có nhiều cố gắng, có trách nhiệm, nhưng vẫn còn một bộ phận nhũng nhiễu, tiêu cực hoặc lơ là, bê trễ trong công việc nên lãnh đạo cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành cần phải chấn chỉnh ngay tình trạng này, không để đến khi vi phạm phải xử lý mất cán bộ", Thủ tướng nói và chỉ ra "Tình trạng nói hay làm dở, làm chậm, trách nhiệm thấp, kể cả chuyển lòng vòng, cấp dưới kêu ca, người dân chờ đợi vẫn còn".