MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng: Tránh việc chờ đợi, lựa chọn vaccine, có loại nào phải dùng ngay loại đó

Thủ tướng: Tránh việc chờ đợi, lựa chọn vaccine, có loại nào phải dùng ngay loại đó

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo 167/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đánh giá đúng tình hình, kịp thời biểu dương khen thưởng những nơi làm tốt, phổ biến nhanh cách làm hay, kinh nghiệm quý; kiểm điểm, xử lý nghiêm minh hành vi, biểu hiện vi phạm quy định phòng, chống dịch.

Thủ tướng nhấn mạnh 3 mục tiêu:

1- Ngăn chặn, kiềm chế, đẩy lùi nhanh dịch bệnh, sớm ổn định tình hình, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường.

2- Bảo đảm mục tiêu kép: Phòng chống dịch để bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân và bảo đảm điều kiện cho phục vụ sản xuất, kinh doanh; duy trì sản xuất, kinh doanh để có nguồn lực phòng, chống dịch và phục vụ nhân dân.

3- Tập trung hỗ trợ các tỉnh có tâm dịch, trước hết là Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương để dập dịch thành công, trong đó đặc biệt lưu ý đến mục tiêu ngăn chặn dịch lây lan vào các khu công nghiệp, bệnh viện.

Thủ tướng yêu cầu, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở với cấp ủy, tổ chức Đảng là hạt nhân phải vào cuộc mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn và đối tượng được phân công quản lý. Trong đó, có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các lực lượng chức năng (nhất là lực lượng công an ở cơ sở), phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, Tổ COVID cộng đồng, huy động sự ủng hộ, hưởng ứng, hợp tác tích cực và tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của mọi người dân.

Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi chưa có dịch hoặc khi dịch bệnh đã đi qua; không lo sợ, hốt hoảng, lúng túng, mất bình tĩnh, thiếu kiên trì khi dịch xảy ra. Kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công. Trong đó, phòng ngừa là cấp bách, thường xuyên, cơ bản, chiến lược, lâu dài và là quyết định; tấn công là chủ động, tích cực, quyết liệt, hiệu quả.

Chiến lược vaccine

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu tổ chức thực hiện nhanh nhất, hiệu quả nhất chiến lược vaccine và chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để xây dựng kế hoạch và triển khai chiến dịch tiêm vaccine trên phạm vi cả nước theo lộ trình phù hợp, khoa học, hiệu quả. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả việc sản xuất vaccine trong nước, nhất là liên quan đến đầu tư, nghiên cứu, thử nghiệm, đánh giá, cấp phép...

Xác định phòng, chống dịch hiệu quả đồng thời với việc phát triển kinh tế-xã hội là một lựa chọn đúng đắn, cần thiết nhưng vô cùng khó khăn, thách thức. Các cấp ủy, chính quyền cần lấy khó khăn, thách thức này làm động lực vươn lên, khẳng định, phát triển và bổ sung kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Sử dụng hiệu quả Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 công khai, minh bạch, bảo toàn, phát triển và đúng quy định.

Đặc biệt, về vaccine, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp cận đa dạng các nguồn vaccine, thúc đẩy tiến độ đàm phán để mua vaccine nhanh nhất, nhiều nhất có thể. Bộ Y tế phải chủ động làm tốt vai trò đầu mối tiếp cận các nguồn vaccine, quản lý chất lượng vaccine bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, không để cạnh tranh giữa Nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp trong việc đàm phán, mua vaccine; tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong việc mua và cung cấp vaccine.

Cắt giảm tối đa thủ tục hành chính trong điều kiện khẩn cấp để thúc đẩy nhanh hơn, thần tốc hơn việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ, sản xuất, thử nghiệm vaccine trong nước, sớm có sản phẩm phục vụ nhân dân. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan chịu trách nhiệm chỉ đạo triển khai có hiệu quả.

Bộ Y tế ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai nhanh nhất, hiệu quả nhất, an toàn nhất chiến dịch tiêm vaccine để chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện. Quan tâm và làm tốt hơn công tác truyền thông để nhân dân an tâm, tin tưởng, ủng hộ và truyền cảm hứng để nhân dân tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và khôi phục sản xuất kinh doanh. 

Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và thực hiện kế hoạch thông tin trung thực, khách quan về việc tiếp cận bình đẳng tiêm các loại vaccine khác nhau cho hợp lý, tránh tình trạng, tâm lý chờ đợi, lựa chọn vaccine, có loại nào phải dùng ngay loại đó, tinh thần là kịp thời, an toàn, hiệu quả.

Các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ quyền hạn kịp thời tháo gỡ ngay khó khăn cho các địa phương, nhất là các địa phương trọng điểm về chống dịch với phương châm "3 không": Không nói không có cơ chế, chính sách; không nói không có kinh phí; không nói không có vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị y tế...

Cũng trong thông báo này, Thủ tướng giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục thúc đẩy, đề xuất chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Y tế đề xuất khung giá chung cho việc mua sắm phục vụ phòng, chống dịch, bảo đảm giá cạnh tranh, công khai, minh bạch, khách quan, chống độc quyền, ngăn ngừa có hiệu quả tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Bộ Y tế kiểm tra, rà soát kỹ lại quy trình mua sinh phẩm, vật tư phòng, chống dịch, bảo đảm vì lợi ích chung, không được để lợi ích nhóm, không để xảy ra tiêu cực, tránh cạnh tranh không lành mạnh; kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn ngay các hiện tượng giá cao nhưng lại mua nhiều, giá thấp nhưng lại mua ít. Khẩn trương đánh giá các sản phẩm được sản xuất trong nước để có chính sách ưu tiên dùng hàng Việt Nam một cách công khai, minh bạch, khách quan, bình đẳng, hiệu quả.

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là không làm đứt gãy các chuỗi sản xuất, kinh doanh, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở dịch vụ và các hoạt động liên quan đến sinh kế của người dân ở vùng đang có dịch. 

Các Bộ: Giao thông vận tải, Công Thương, Thông tin và Truyền thông... theo chức năng rà soát, ban hành, hoàn thiện các quy định, quy chế và giám sát, kiểm tra việc thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch bảo đảm kịp thời, hiệu quả; không để ách tắc, đình trệ các hoạt động sản xuất, giao thương, lưu thông hàng hóa, vận tải đi - đến vùng có dịch.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo việc tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông an toàn, hiệu quả, bảo đảm quyền lợi học sinh, giảm phiền hà cho phụ huynh và học sinh.

Nhã Mi

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên