Thủ tướng: Trong lúc này phải thắt lưng buộc bụng, tạo động lực mới cho nền kinh tế
“Làm sao dòng vốn tín dụng, dòng tiền ngân sách phải đi vào đúng chỗ, kích thích, tạo động lực mới cho nền kinh tế. Muốn đạt được điều này phải làm trên cơ sở khoa học, dữ liệu thống kê thật tốt”, Thủ tướng nêu rõ.
- 07-01-2022Hà Nội dẫn đầu trong chỉ số giáo dục, vậy GNI bình quân đầu người xếp thứ bao nhiêu?
- 06-01-2022Reuters: VinFast lên kế hoạch xây dựng 'siêu nhà máy' sản xuất pin xe điện tại cả Mỹ và Đức
- 06-01-2022Việt Nam vượt Trung Quốc, trở thành cơ sở sản xuất chính cho Nike
Đây là một trong những nhiệm vụ được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra cho ngành tài chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác tài chính- ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2021, triển khai nhiệm vụ tài chính-NSNN năm 2022 diễn ra sáng 6/1.
Tránh tình trạng địa phương có thể thu nhiều hơn nhưng không muốn thu
Khái quát lại năm 2021, Thủ tướng cho biết năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Độc lập, chủ quyền được giữ vững, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, đối ngoại đạt thành tích rất quan trọng, nhất là ngoại giao vaccine, giúp chúng ta “đi sau về trước” về tiêm chủng vaccine.
Đồng thời, nhờ chuyển hướng chiến lược kịp thời, GDP quý 4 tăng mạnh, đạt 5,22% sau khi giảm 6,02% trong quý 3, đưa GDP cả năm tăng 2,58% trong bối cảnh dịch bệnh rất phức tạp. Lạm phát được kiểm soát, mặt bằng lãi suất giảm, tỷ giá ổn định, đồng Việt Nam tăng giá, dự trữ ngoại hối tăng 10%, bội chi ngân sách thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội giao.
Cùng với đó, các cân đối lớn được bảo đảm, “thu đủ chi, xuất đủ nhập, làm đủ ăn, các chỉ tiêu này đều có dư, năng lượng được bảo đảm, thị trường lao động phục hồi rất nhanh sau khi bị đứt gãy”. Trong đó, thu ngân sách cao hơn năm 2020 và tăng gần 180.000 tỷ đồng so với dự toán. Đặc biệt, ngân sách đã dành gần 71.500 tỷ đồng hỗ trợ 742.000 lượt người sử dụng lao động, 42,8 triệu người lao động...
Thủ tướng đánh giá cao đóng góp quan trọng của ngành tài chính vào kết quả, thành tích chung của đất nước trong năm 2021.
Bên cạnh đó, Thủ tướng phân tích thêm một số khó khăn, thách thức, tồn tại, hạn chế của ngành trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Cụ thể, sức ép lạm phát cao, nhất là chi phí đầu vào, logistics; vốn đầu tư toàn xã hội tăng thấp; vốn đầu tư công giải ngân chậm.
Thu ngân sách dù tăng so với năm 2020 nhưng chưa cao, nhiều khoản thu chưa bền vững như tăng thu từ chứng khoán, bất động sản, dầu thô..., việc xây dựng dự toán đã sát tình hình chưa là vấn đề phải suy nghĩ và có giải pháp hạn chế rủi ro, đa dạng hóa nguồn thu. Áp lực thâm hụt ngân sách gia tăng. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng 18% so với năm trước, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. Nợ thuế, trốn thuế có xu hướng tăng.
Cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm, nhất là những lĩnh vực ưu tiên, trong đó có các lĩnh vực có liên quan hoặc thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính như cổ phần hóa doanh nghiệp, đầu tư công, xử lý các doanh nghiệp, dự án yếu kém. Phát hành trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán, tiền tệ chứa đựng nhiều rủi ro.
Ngoài ra, Thủ tướng cho rằng công tác tham mưu của ngành tài chính còn hạn chế, nhất là dự báo, tham mưu chiến lược để không bị động, bất ngờ liên quan tới tài chính-NSNN. Vấn đề quản lý nhà nước về giá cả cần cố gắng hơn, nhất là xử lý các tình huống không bình thường.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh "cần phân bổ thu chi thế nào cho hợp lý, khen thưởng, kỷ luật thế nào để khuyến khích các địa phương trong thu ngân sách, chính sách nào để phân bổ nguồn lực cho các địa phương một cách công bằng, minh bạch. Phải có chính sách khuyến khích thu, phải có tiêu chí phân bổ ngân sách công bằng, hạn chế tiêu cực, chạy chọt. Phải đầu tư công sức nghiên cứu để khắc phục hạn chế, bất cập”.
Thủ tướng cũng lưu ý, phải tránh tình trạng địa phương có thể thu nhiều hơn nhưng lại không muốn thu để tránh bị áp dự toán thu năm sau cao hơn.
Đưa dòng tiền đi vào đúng chỗ để tạo động lực mới cho nền kinh tế
Về nhiệm vụ của năm 2022, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo trước hết, ngành tài chính phải khắc phục bằng được, hiệu quả những hạn chế, yếu kém bất cập đã được chỉ ra. Bám sát thực tiễn, xuất từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để điều chỉnh, thực hiện những công việc chưa dự báo hết được. Nắm chắc tình hình, tham mưu chiến lược, không để bị động bất ngờ về các vấn đề liên quan tới tài chính, ngân sách.
Cùng với đó, ngành tài chính cần xuất phát từ thực tiễn, lắng nghe ý kiến địa phương, các bộ ngành, tập trung đẩy mạnh 3 khâu đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực, đặc biệt là xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để tháo gỡ các vướng mắc của doanh nghiệp và người dân.
Thủ tướng cũng yêu cầu ngành tài chính phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, chính sách này phải nâng đỡ, thúc đẩy chính sách kia, hết sức tránh lợi ích cục bộ, chính sách này mâu thuẫn, cản trở chính sách kia.
Đồng thời, ngành tài chính phải tìm biện pháp tăng thu, tiết kiệm chi, “trong lúc này phải thắt lưng buộc bụng”, rà soát kỹ, cắt giảm các khoản chi không cần thiết, kiểm soát bội chi, quản lý nợ công theo hướng có thể tăng bội chi để phục hồi và phát triển kinh tế nhưng bảo đảm cân đối phù hợp tình hình, không vung tay quá trán cũng không quá thận trọng.
“Làm sao dòng vốn tín dụng, dòng tiền ngân sách phải đi vào đúng chỗ, kích thích, tạo động lực mới cho nền kinh tế. Muốn đạt được điều này phải làm trên cơ sở khoa học, dữ liệu thống kê thật tốt”, Thủ tướng nêu rõ.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu phân tích, làm rõ những hạn chế, bất cập để làm tốt hơn công tác quản lý tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp, chống tiêu cực, ách tắc. Tập trung thực hiện kế hoạch tái cấu trúc, cổ phần hóa, tăng cường quản lý tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước; tận dụng thời cơ thị trường thuận lợi để đẩy nhanh quá trình thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp...
Cùng với đó, phát triển đồng bộ và nâng cao chất lượng thị trường tài chính, chứng khoán, bảo hiểm mang tính dài hạn, minh bạch và bền vững. Kiểm soát phát hành trái phiếu doanh nghiệp; uốn nắn ngay, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.
Thủ tướng chỉ đạo ngành tài chính phải tăng cường quản lý giá, thị trường; thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu, ổn định giá cả, thị trường nhất là trong các dịp lễ, Tết; phối hợp chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, kiểm soát lạm phát trong phạm vi mục tiêu Quốc hội quyết định (CPI tăng 4%), góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Bên cạnh đó, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chống gian lận xuất xứ có hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng chính phủ điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp, nâng cao tính minh bạch, chống thất thoát thuế.
“Trên tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro, khi nào khó khăn thì nhà nước chia sẻ, giảm thuế, giảm phí cho doanh nghiệp, khi thuận lợi thì doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm các nghĩa vụ”, Thủ tướng lưu ý.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính tiếp tục chủ động hội nhập, hợp tác tài chính quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; theo dõi, đánh giá tác động thực thi các FTA và căng thẳng chính trị, thương mại giữa các nước lớn, để có giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp; tích cực tham gia các hoạt động hợp tác tài chính khu vực ASEAN, APEC, G20..., nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo BizLIVE