MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng vào chợ, lội ruộng: Lãnh đạo bộ, ngành, địa phương có làm được không?

Ông Bùi Đức Thụ, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nói như vậy về việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đích thân thị sát tại chợ Long Biên, căn dặn các tiểu thương phải bán hàng đảm bảo an toàn thực phẩm và lội ruộng xem cách trồng rau sạch ở xã Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội) vào sáng 27.9 vừa qua.

Gần dân, đi thực tế là tiêu chí để đánh giá cán b

Đồng tình với chuyến “vi hành” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa qua tại chợ đầu mối rau quả Long Biên và lội ruộng xem cách trồng rau sạch tại xã Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội) của Thủ tướng, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban thường vụ Quốc hội Bùi Đức Thụ nhấn mạnh: Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là vấn đề cấp bách trong nhiều năm nay, Đảng và Quốc hội cũng đã nhìn thấy và trên nhiều diễn đàn của Quốc hội, đại biểu cũng đã phát biểu nhiều xung quanh nội dung này. Theo đó, Quốc hội cũng đã ra nhiều Nghị quyết, Chính phủ cũng có nhiều giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, về vấn đề VSATTP của chúng ta đến nay vẫn chưa được thực hiện tốt, thực phẩm bẩn, nhiễm hóa chất, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân vẫn còn tồn tại, gây ra nhiều bức xúc và cần có nhiều giải pháp.

“Tôi cho rằng, việc Thủ tướng Chính phủ cùng với đoàn công tác của Chính phủ đã thị sát ở một số cơ sở thực tiễn, đó là điều cần thiết và nhận được sự đồng tình của người dân. Vì đây là vấn đề bức xúc, ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của nhân dân” – ông Thụ nói.

Ông Thụ cũng lưu ý: Vấn đề đảm bảo chất lượng VSATTP liên quan đến nhiều bộ, ngành như: khâu sản xuất thì liên quan đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; rồi đến khâu lưu thông hàng hóa lại liên quan đến Bộ Công thương; khâu chế biến liên quan đến Bộ Y tế và các Bộ khác liên quan đến nhiệm vụ được phân công thì cũng có nhiệm vụ quyền hạn, trách nhiệm đến việc đảm bảo VSATTP.

“Để giải quyết một cách hữu hiệu và hiệu quả vấn đề này, theo tôi trước hết cần rà soát lại cơ chế, chính sách, đầu mối để thực hiện, phân công, phân cấp rõ ràng. Trên cơ sở đó đánh giá rõ trách nhiệm của từng ngành trong việc đảm bảo VSATTP. Đồng thời, đưa ra chế tài xử phạt nghiêm minh, rõ ràng, góp phần ngăn chặn tình trạng sản xuất, lưu thông đối với thực phẩm bẩn, kém chất lượng hiện nay” – ông Thụ nói.

Ông Thụ cũng nhấn mạnh, qua hành động thị sát thực tiễn của Thủ tướng, các lãnh đạo bộ, ngành, địa phương cần học tập việc làm này.

“Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ, người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất đã đích thân đi thị sát, xem xét chỉ đạo vấn đề này. Đây là tấm gương để lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải học tập, noi gương, giải quyết những vấn đề xã hội quan tâm, nhân dân đang bức xúc” – ông Thụ bày tỏ và nhấn mạnh rằng, việc gần dân, đi thực tế là một trong những tiêu chí để đánh giá cán bộ lãnh đạo ở các bộ, ngành, địa phương. Qua đó, xem xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao đến đâu, giải quyết cho dân như thế nào nếu không thực hiện được thì phải có biện pháp xử lý chuyển công tác khác. “Tôi cho rằng đó là việc cần làm và là vấn đề xem xét đánh giá đối với cán bộ lãnh đạo hiện nay” – ông Thụ nêu quan điểm.

Cán bộ phải là người “mắt thấy, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”

Còn Phó Chủ nhiệm Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường Trương Minh Hoàng lại cho rằng, từ cách làm thực tế của Thủ tướng như vậy đáng để cho các cán bộ lãnh đạo bộ, ngành từ trung ương tới địa phương học tập để nắm sát với thực tế hơn.

Ông Hoàng nhấn mạnh: Mới đây, khi tiếp xúc cử tri cũng đặt ra vấn đề, thậm trí họ còn phàn nàn về việc hiện nay đội ngũ cán bộ ít đi xuống cơ sở. Trả lời bà con, tôi đã lấy ví dụ về việc thị sát của Thủ tướng. Bác Hồ từng nói: Cán bộ phải là người mắt thấy, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Muốn làm người lãnh đạo tốt, người cán bộ giỏi phải hiểu dân và khi hiểu mới chia sẻ được với dân. Mình phải làm tốt để dân tin, từ đó họ sẽ hết lòng cộng tác với mình thì việc gì cũng thành công.

“Tiếp xúc với cử tri vừa qua, bà con cũng rất bức xúc về vấn đề an toàn thực phẩm và đề nghị các cấp, ngành chức năng cần xử lý nghiêm những đối tượng, cơ sở sản xuất các loại hàng giả, kém chất lượng, cũng như các cán bộ tiếp tay cho việc tồn tại của thực phẩm bẩn” – ông Hoàng nói.

Ông Hoàng cũng cho hay, mới đây Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về vấn đề an toàn thực phẩm đã họp và triển khai cho ý kiến vào công tác giám sát năm 2017. “Hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và đặc biệt là người đứng đầu Chính phủ và sự đồng tình ủng hộ của người dân thì vấn đề an toàn thực phẩm sẽ được giải quyết, người dân sẽ có thực phẩm sạch để sử dụng” – ông Hoàng nói.

Theo Xuân Hải

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên