Thủ tướng: Việt Nam chi cho khoa học công nghệ 0,44% GDP
Mức đầu tư cho khoa học công nghệ khá thấp so với trung bình thế giới, lãnh đạo Chính phủ cho rằng cả khu vực nhà nước và tư nhân cần chú trọng hơn nữa vấn đề này.
- 13-05-2019Bloomberg: GDP bình quân đầu người Việt Nam đạt 10,4 nghìn USD năm 2030, gia nhập "hội tăng trưởng 7%"
- 08-05-2019Chính phủ dự kiến tăng trưởng GDP 2019 đạt 6,78%
- 07-05-2019Chính phủ Singapore và chiến lược Chuyển đổi số cho 80% GDP: Thúc đẩy doanh nghiệp lớn, miễn phí cho công ty vừa và nhỏ
Tăng đầu tư cho công nghệ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra khu vực nhà nước và tư nhân của Việt Nam chi cho khoa học và công nghệ chỉ khoảng 0,44% GDP, khá thấp so với mức trung bình 2,23% của thế giới.
Tại Hội thảo "Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - một trụ cột cho phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam", sáng 15/5, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh nếu không đầu tư cho khoa học công nghệ, Việt Nam sẽ mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình, giá trị thấp. Thủ tướng cho rằng cả Nhà nước và khu vực tư nhân cần chú trọng đầu tư cho khoa học công nghệ hơn nữa.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VnExpress.
Dẫn Báo cáo Chỉ số Hiệu quả Đổi mới sáng tạo, Thủ tướng cho hay Việt Nam đã thành công trong việc tiếp cận với kiến thức khoa học công nghệ của thế giới và hòa nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo điều kiện cho việc trao đổi tri thức hiệu quả. Một số tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam đã rất quan tâm đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo đã đạt được kết quả tương xứng.
Trong giai đoạn tiếp theo, Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Khoa học & Công nghệ sớm hoàn thiện "Chỉ thị thúc đẩy, hấp thụ phát triển khoa học công nghệ và hoạt động đổi mới sáng tạo, bao gồm quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp" và đệ trình các chính sách cụ thể.
Bộ này cần phát huy vai trò điều phối, nâng cao hiệu quả công tác giữa các bộ, ngành, các cấp trong phát triển và ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội.
Đầu tư vốn con người
Chia sẻ tại hội thảo, ông Alan Atkisson, Phó Tổng giám đốc tổ chức hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) cho biết trong hơn một thập kỷ qua, Thụy Điển dành 3,5% GDP để phát triển đổi mới sáng tạo.
Kinh nghiệm của Thụy Điển là huy động nhân lực toàn xã hội tham gia vào quá trình này. "Chúng ta cần phân biệt hệ thống và con người trong hệ thống đó. Nếu không có ngườn nhân lực tốt, được đào tạo bài bản thì hệ thống đó cũng không hiệu quả", vị chuyên gia nói.
Đồng quan điểm, ông Joshua Tabah, Tổng giám đốc Cơ quan Hợp tác Phát triển Canada - một trong những nền kinh tế dần đầu về dữ liệu - chia sẻ tầmquan trọng trong việc phát triển tiềm năng của mọi người. "Chúng tôi được đầu tư về giáo dục, khoa học, trong đó, đặc biệt là sự đầu tư dành cho trẻ em gái và phụ nữ", ông Tabah cho hay.
Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh tới yếu tố con người với khẩu hiệu: "Tài nguyên là luôn có hạn, còn sự sáng tạo của con người là vô hạn".
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Khoa học & Công nghệ phối hợp với các bộ ngành để phát huy vai trò của các trường đại học, viện nghiên cứu trong việc tăng cường nền tảng vốn con người cho đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, công tác đào tạo phải gắn liền các hoạt động nghiên cứu ứng dụng với nhu cầu doanh nghiệp, nhu cầu của nền kinh tế.
Theo NDH