MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng yêu cầu không để xảy ra biến động lớn trên thị trường tiền tệ tháng cuối năm và dịp Tết

02-12-2017 - 08:24 AM | Tài chính - ngân hàng

Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của tình hình thị trường tiền tệ, tín dụng, lãi suất, tỷ giá hối đoái, thị trường ngoại tệ để có chính sách điều chỉnh kịp thời, không để xảy ra biến động lớn trong tháng cuối năm và dịp Tết...

Ngày 1/12/2017, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2017. Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2017 tiếp tục chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực.

Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân trong xu hướng giảm, đến hết tháng 11 tăng 3,61% so với bình quân cùng kỳ; các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm; lãi suất cho vay giảm nhẹ và ổn định.

Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục tăng trưởng vượt bậc; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11/2017 tăng 17,2% so với tháng 11/2016; tính chung 11 tháng, IIP tăng 9,3% so với cùng kỳ. Dịch vụ phát triển ổn định; du lịch tiếp tục tăng cao hơn so với cùng kỳ nhờ đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, xúc tiến du lịch và thành công của Tuần lễ Cấp cao APEC; Xuất nhập khẩu tiếp tục tăng cao, tính chung 11 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 194 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ; xuất siêu khoảng 2,75 tỷ USD...

Các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho người có công và các đối tượng chính sách được bảo đảm và thực hiện đồng bộ; tình hình dịch bệnh được kiểm soát; kịp thời ứng phó, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, bão, lũ góp phần giảm bớt thiệt hại của nhân dân. Công tác đối ngoại, ngoại giao kinh tế đạt nhiều kết quả tích cực. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự xã hội được duy trì ổn định.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu lên những định hướng lớn trong xây dựng dự thảo Nghị quyết số 01 năm 2018 của Chính phủ, đồng thời chỉ đạo nhiều nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội tháng 12/2017 và đầu năm 2018.

Theo đó, về xây dựng dự thảo Nghị quyết số 01, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Nghị quyết phải ngắn gọn, rõ ý, có trọng tâm, trọng điểm, có thứ tự ưu tiên, giảm thiểu tình trạng đưa nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, công việc thường xuyên của bộ ngành vào dự thảo và đặc biệt là “không để có tình trạng lấy nghị quyết năm ngoái để làm cho năm nay”.

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành tập trung rà soát toàn bộ các cơ chế chính sách, pháp luật liên quan, phân tích đánh giá rõ những điểm tồn tại, hạn chế, khó khăn thách thức để khắc phục ngay và đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực, trong đó có giải pháp thực hiện trong năm, có giải pháp trung, dài hạn với thời gian cụ thể và thứ tự ưu tiên hợp lý để triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Trung ương và Quốc hội ngay từ đầu năm 2018.

Về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội tháng 12/2017 và đầu năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong tháng cuối năm và dịp Tết cổ truyền, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa dịch vụ sẽ tăng cao, tốc độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản được đẩy nhanh; các bộ, ngành, địa phương cần tận dụng tối đa cơ hội này cho phát triển sản xuất, kinh doanh; thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; tập trung mạnh vào khâu thực thi; người đứng đầu phải luôn chỉ đạo sâu sát; tăng cường kỷ luật kỷ cương, đẩy mạnh cải cách hành chính; nỗ lực phấn đấu đạt được kết quả tốt hơn, toàn diện hơn…

Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của tình hình thị trường tiền tệ, tín dụng, lãi suất, tỷ giá hối đoái, thị trường ngoại tệ để có chính sách điều chỉnh kịp thời, không để xảy ra biến động lớn trong tháng cuối năm và dịp Tết; chuẩn bị tốt nguồn hàng, bảo đảm cung cầu hàng hóa, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá và nợ đọng thuế; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - NSNN; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí, lệ phí.

Thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn DNNN, trong đó đặc biệt chú ý chống thất thoát, tiêu cực, lợi ích nhóm, nhất là trong xác định giá trị quyền sử dụng đất, thuê đất, thương hiệu. Tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm bảo đảm việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng, lợi ích nhóm....

Ngọc Thảo

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên