Thủ tướng yêu cầu kiểm tra về quản lý tiền công đức trên toàn quốc
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có kế hoạch kiểm tra tổng thể vấn đề quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh vào giữa tháng 2-2023.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tỉnh Quảng Ninh cần chú trọng việc quản lý các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn, bảo đảm văn minh, sạch đẹp, trang trọng; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 5-2-2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, kiểm tra tổng thể quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa. Ảnh: M.Chiến
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có kế hoạch kiểm tra tổng thể vấn đề quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa trên phạm vi toàn quốc, thí điểm từ tỉnh Quảng Ninh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2023.
Liên quan đến quản lý tiền công đức, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BTC về hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Thông tư có hiệu lực từ ngày 19-3-2023.
Theo thông tư này, tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội bao gồm các khoản hiến, tặng cho, tài trợ của tổ chức, cá nhân cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội dưới hình thức bằng tiền (tiền mặt và chuyển khoản); bằng các loại giấy tờ có giá, kim khí quý, đá quý theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Thông tư đã quy định chi tiết về việc quản lý, thu chi tiền công đức. Theo đó, khi tiếp nhận tiền công đức, tài trợ phải mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc Ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và họat động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.
Về tiếp nhận tiền mặt, cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận. Đối với tiền trong hòm công đức, định kỳ hàng ngày hoặc hàng tuần thực hiện kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận.
Đối với các khoản tiền đặt không đúng nơi quy định, không phù hợp với việc thực hiện nếp sống văn minh tại di tích được thu gom để kiểm đếm hoặc bỏ vào hòm công đức để kiểm đếm chung. Đối với số tiền mặt tạm thời chưa sử dụng thì gửi vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để bảo đảm việc quản lý an toàn, minh bạch.
Thông tư số 04 quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo 5 chủ thể là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích trên cơ sở bám sát từ thực tiễn, bao gồm: Di tích là cơ sở tôn giáo do tổ chức tôn giáo quản lý, sử dụng; di tích là cơ sở tín ngưỡng do người đại diện cơ sở tín ngưỡng quản lý, sử dụng; di tích thuộc sở hữu tư nhân; di tích giao cho đơn vị sự nghiệp công lập, Ban quản lý di tích kiêm nhiệm quản lý, sử dụng.
Trong đó, về quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo, người đại diện cơ sở tôn giáo tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và các pháp luật khác có liên quan.
Về quản lý, sử dụng tiền công đức cho di tích thuộc sở hữu tư nhân, chủ sở hữu ti tịch tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, sử dụng tiền công đức.
Người lao động