MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng yêu cầu NHNN quản lý chặt giao dịch tiền điện tử

22-02-2018 - 07:38 AM | Tài chính - ngân hàng

Ngày làm việc đầu tiên của năm Mậu Tuất (21/2), Thủ tướng Chính phủ đã có công điện số 240/CĐ-TTg đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Đối với NHNN, Thủ tướng yêu cầu phải có giải pháp đồng bộ ổn định tỷ giá, thị trường ngoại tệ và quản lý chặt chẽ giao dịch tiền điện tử. Đồng thời, tiếp tục điều hành phấn đấu giảm lãi suất cho vay phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; mở rộng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng ngay từ đầu năm; tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt, giảm tiền mặt trong lưu thông.

Trước đó, vào đầu tháng 1/2018, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản truyền đạt yêu cầu của Phó Thủ tướng về việc yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để quản lý tiền ảo tại Việt Nam theo chỉ đạo tại Quyết định số 1255 của Thủ tướng Chỉnh phủ ngày 21/8/2017.

Tại Việt Nam, ngay từ đầu năm 2014 cho đến nay, NHNN đã có nhiều lần cảnh báo về những rủi ro, nguy cơ đối với các đồng tiền điện tử, trong đó nêu rõ quan điểm không chấp nhận Bitcoin hay các đồng tiền thuật toán khác là tiền hợp pháp và phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Theo các quy định hiện nay, việc phát hành, cung ứng và sử dụng các đồng tiền điện tử để thanh toán là bất hợp pháp và có thể bị phạt hành chính cho đến xử lý hình sự.

Tuy nhiên, tiền ảo vẫn đang được nhiều người quan tâm, đổ rất nhiều tiền vào để đầu tư. Một thống kê của Công ty nghiên cứu thị trường tiền ảo Cryptocompare cho thấy Việt Nam là một trong 4 nước châu Á có giao dịch Bitcoin nhiều nhất. Lượng máy đào tiền ảo nhập về Việt Nam trong thời gian qua cũng tăng lên rất nhanh.

Trong khi đó, giá Bitcoin và các đồng tiền thuật toán liên tục biến động mạnh và hoạt động huy động vốn qua phát hành tiền ảo ngày càng biến tướng thành lừa đảo đã khiến cho nhiều người mất trắng tiền chỉ trong thời gian ngắn. Hơn nữa, tiền điện tử có bản chất mang tính ẩn danh cao nên dễ gây ra nhiều hệ lụy khó lường như lừa đảo, gian lận, rửa tiền, tài trợ khủng bố, trốn thuế, chuyển tiền bất hợp pháp,...

Trước nhiều rủi ro, nguy cơ và hệ lụy trên, việc Chính phủ liên tục chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng khuôn khổ pháp lý để quản lý tiền điện tử là hết sức quan trọng và cấp thiết nhằm sớm ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi lừa đảo, vi phạm pháp luật liên quan tới thị trường này.

Hải Vân

Thời Đại

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên