MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng yêu cầu sửa Nghị định 20/2017, hồi tố gần 5.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp

19-04-2020 - 09:26 AM | Bất động sản

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu sớm hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 20 với nội dung hồi tố chi phí lãi vay của năm 2017, 2018 để Chính phủ ban hành ngay trong ngày 20/4.

Ngày 17/4, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với Bộ Tài chính liên quan đến việc hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 3 điều 8 Nghị định số 20/2017 của Chính phủ về áp trần tỷ lệ lãi vay các doanh nghiệp có hoạt động liên kết.

Doanh nghiệp được hoàn thuế, vượt qua khó khăn

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định đối với nội dung xử lý hồi tố cho năm 2017, 2018 theo phương án như ý kiến của đa số thành viên Chính phủ theo đúng quy chế làm việc của Chính phủ, bù trừ nghĩa vụ thuế của các kỳ tính thuế tiếp theo nhưng tối đa không quá 5 năm.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính ký tắt Nghị định, trình Thủ tướng ký, ban hành ngay trong ngày 20/4. Đồng thời yêu cầu Bộ Tài chính có giải pháp quản lý chặt chẽ, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm khi xử lý hồi tố theo quy định của Nghị định.

Ông Nguyễn Trần Nam – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), tổ chức đại diện cho hàng trăm doanh nghiệp liên tiếp có công văn kiến nghị sửa đổi Nghị định 20/2017 khẳng định: Chỉ đạo này đồng nghĩa với việc những doanh nghiệp đã bị tính thuế oan trong các năm 2017, 2018 sẽ được hoàn lại thuế.

Thủ tướng yêu cầu sửa Nghị định 20/2017, hồi tố gần 5.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Công văn Hiệp hội Bất động sản Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây

Theo ông Nam, việc cho hồi tố này không những bảo đảm sự công bằng, hợp tình hợp lý, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, mà trong sự tác động của đại dịch toàn cầu COVID-19, đây còn là giải pháp hỗ trợ gián tiếp của Chính phủ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vượt qua đại dịch, phục hồi hoạt động.

"Chắc chắn việc quy định hiệu lực "hồi tố" sẽ đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp, qua đó bảo đảm quyền tự do kinh doanh theo Hiến pháp và tối ưu hoá lợi ích của mô hình công ty mẹ - con theo Luật Doanh nghiệp" – Chủ tịch VNREA khẳng định.

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã đề cập trong loạt bài viết trước đó, Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, ở khoản 3, Điều 8 quy định: "Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao của doanh nghiệp" (trước khi có Nghị định 20 mức khống chế là 30%).

Mục tiêu của Nghị định 20 là để chống chuyển giá trong hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, khi các công ty mẹ ở nước ngoài cho các công ty con ở Việt Nam vay với lãi suất thật cao để khấu trừ vào chi phí, làm thất thu thuế. Nhưng Nghị định lại áp dụng cho cả các doanh nghiệp trong nước.

Do đó, đã gây khó và thiệt hại cho các doanh nghiệp trong nước làm ăn chân chính vì bị đánh thuế chồng thuế khi trung chuyển vốn vay, cho vay lại hay việc vay nợ giữa công ty con với công ty mẹ trong cùng một tập đoàn, tổng công ty… Đồng thời, mức áp trần chi phí phí lãi vay 20% đã bóp nghẹt sự phát triển của doanh nghiệp.

Sửa triệt để, không nửa vời

Khi nhận thấy sự bất cập này, Thủ tướng Chính phủ đã cho ý kiến sửa đổi điều khoản trên để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh mức lãi vay từ 20% lên 30%, chỉ cho áp dụng đối với năm 2019, mà không cho hồi tố đối với số tiền thuế doanh nghiệp đã nộp oan năm 2017 và 2018.

Trong khi đa số thành viên Chính phủ chọn quy định cho phép hồi tố xử lý đối với các năm 2017, 2018; cho phép chuyển chi phí lãi vay không được trừ sang các kỳ tính thuế tiếp theo nhưng không quá 5 năm.

Trao đổi với PV, PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, việc hoàn thiện Nghị định 20/2017 nhằm mục đích khắc phục thiếu sót việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khắc phục những hậu quả mà quá trình thi hành đã gây ra cho doanh nghiệp, đảm bảo sự công bằng, minh bạch.

Do đó, việc sửa đổi lần này phải có hiệu quả và phải thực sự sẽ trở thành biện pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp, không thể tiếp tục đẩy doanh nghiệp vào tình thế khốn cùng. Bởi với số tiền thuế đã nộp cho các năm trước được hoàn về hoặc bù trừ nếu áp dụng hồi tố, doanh nghiệp sẽ giảm bớt những gánh nặng về tài chính đang gặp phải. Đây là điều các doanh nghiệp bất động sản rất mong mỏi, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh như hiện tại.

"Sự sống còn của doanh nghiệp đang phụ thuộc vào quyết định linh hoạt, quyết liệt và kịp thời của Bộ Tài chính để đẩy nhanh tiến độ thực thi pháp luật trong thực tiễn. Một khi đã sửa thì phải sửa triệt để, không thể nửa vời" - PGS.TS Doãn Hồng Nhung khẳng định.

Theo Phương Uyên

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên